pnvnonline@phunuvietnam.vn
Điều tra thân thiện - chiếc phao an toàn với trẻ em bị xâm hại
Ảnh minh họa
Sợ hãi kéo dài
Bé T. nép vào cánh cửa phòng ngủ ngay khi tôi vừa bước chân vào nhà. Thỉnh thoảng T. hé cửa nhìn ra phòng khách với ánh mắt sợ sệt, nơi cả gia đình ngồi trò chuyện với khách ghé thăm. Bé là 1 trong số những nạn nhân bị xâm hại tình dục, trong vụ án đã xét xử 3 năm trước. Mẹ bé cho biết ngay từ những ngày đầu phát hiện sự việc đã thấy con có những biểu hiện sợ hãi. Ban đêm, T. không ngủ tròn giấc. Cứ khoảng 2h sáng là con bị mơ ngủ, hoảng loạn, rúc vào người mẹ. Tâm lý của T. không ổn định, đặc biệt khi gặp người lạ, bé thường có hành động muốn trốn chạy. Trước đây, T. không có các hành xử bất thường như vậy. Bé vốn là đứa trẻ hiếu động, nhanh nhẹn và thích giao tiếp.
Mẹ của T. đã đưa con đi gặp bác sĩ tâm lý, tuy nhiên, thời điểm mà tôi tiếp xúc với T., bé vẫn chưa quay trở lại được sự hồn nhiên, hiếu động của đứa trẻ 5 tuổi. Vụ án sau đó đã được khởi tố, kẻ phạm tội bị truy tố và lãnh án tù. Thời gian sau này, tôi thường trò chuyện với các điều tra viên của vụ án. Điều tra viên chính có 2 cô con gái. Anh cho biết, việc hiểu tâm lý của các bé gái vô cùng quan trọng. Nhờ vào sự quan sát hàng ngày các biến chuyển tâm lý của 2 cô con gái ở nhà, mà anh đã tạo được sự thân thiện với bé T. Vào các buổi gặp gỡ để lấy lời khai, anh đã ngồi nói chuyện rất lâu với mẹ con T. Đôi khi là những lời hỏi han chân tình, bé thích học vẽ hay đọc truyện, bé thích đi chơi ở đâu, trong lớp thân thiết với bạn nào, ghét nhất là điều gì... Từ đó, dần dần khơi gợi, hỏi chuyện, để bé kể lại thời khắc bị xâm hại cụ thể và chính xác hơn. "Tôi ít khi mặc đồ cảnh phục, để bé và người giám hộ không cảm thấy bị quá áp lực mỗi khi gặp gỡ", một điều tra viên cho biết.
Ở vụ án em bé gái 14 tuổi nghi bị hiếp dâm, đã sinh con, kéo dài cả năm nay chưa có kết quả cuối cùng tại tỉnh Bình Phước, tôi thấy rất thương cảm cho nạn nhân khi em liên tục phải có mặt tại các cơ quan công quyền để kể lại sự tình, khi đang trong giai đoạn nuôi con nhỏ. Vụ việc phức tạp khi Cơ quan CSĐT chỉ đề nghị khởi tố bị can ở tội danh Giao cấu với trẻ em, trong khi nạn nhân khai rằng đã bị hiếp dâm và đe dọa nếu như kể chuyện cho người khác biết.
Bé gái 14 tuổi đã mang bầu và sinh con, với vẻ mặt lúc nào cũng buồn bã và rầu rĩ. Luôn cúi đầu nhìn xuống đất. Chưa khi nào thấy sắc thái trên mặt cô bé có chút tươi vui. Bé dù đã khai đầy đủ trên trang giấy ô li đặc trưng của tuổi cắp sách tới trường về các hành vi phạm tội của thủ phạm, nhưng rồi cuối cùng Cơ quan CSĐT lại ra kết luận điều tra khác biệt, khiến các luật sư tham gia bảo vệ và các nhà báo đi theo phản ánh sự việc, cảm thấy phẫn nộ. Hiện, vụ án treo lơ lửng vì kẻ phạm tội vừa "bất ngờ" bị mắc chứng bệnh tâm thần!
Thân thiện từ trong suy nghĩ
Có rất nhiều nạn nhân bị xâm hại không dám lên tiếng, vì nghĩ rằng yếu thế hơn thủ phạm, hoặc sợ nhất là thị phi từ người khác. Tôi từng phản ứng quyết liệt với 1 điều tra viên, khi trong cuộc trò chuyện, anh này cho rằng việc xâm hại trẻ em mà chỉ "sờ mó bên ngoài thôi, thì sao phải ầm ĩ lên, có gì đâu mà căng thẳng!". Với cách suy nghĩ lệch lạc như vậy thì việc xây các phòng điều tra thân thiện cũng khó mang lại kết quả tốt nhất cho trẻ em. Hoặc cũng chỉ là hình thức "đánh trống bỏ dùi". Cách hiểu về các hoạt động điều tra thân thiện cần phải mang tính phổ quát rộng hơn, không chỉ là các lời nói, sự giao tiếp, hoặc hình thức thể hiện bên ngoài mà còn là sự thấu cảm, thân thiện ngay từ trong suy nghĩ.
Hoặc ở hướng ngược lại, người ta lại có xu hướng cố gắng "gói" sự việc tới mức tối đa, không cho ai biết vì người thân lo sợ ảnh hưởng tới tương lai nạn nhân.
Một bé gái, bé trai bị "dính" tới vụ việc xâm hại thì lại được cả người thân và những người ngoài thiếu hiểu biết cho rằng, vậy là đã "xong đời rồi"; "mặt mũi đâu để mà sống, sau này còn có gia đình riêng nữa". Đã có trường hợp người nhà không hợp tác với cơ quan điều tra, khiến điều tra viên cứ liên hệ là bị chửi bới và cuối cùng thì người nhà đã bị đề nghị khởi tố vì chống người thi hành công vụ.
Tôi từng có nhiều cuộc tiếp xúc và trao đổi với người nhà nạn nhân. Trong khi các bé rất cần sự bảo bọc, chia sẻ, động viên tinh thần vượt qua cú sốc đầu đời, thì có gia đình lại nhân danh việc "bảo vệ danh dự" để nhiếc mắng con em mình. Chưa dừng lại ở điều đó, khi đưa con trẻ đi thăm khám y tế, có rất nhiều rào cản về tâm lý khiến trẻ hoang mang vô cùng. Sự "bất thân thiện" ấy từ trong nhà lan ra ngoài xã hội, con trẻ càng thêm hoảng loạn, sợ hãi và tạo thành vết hằn tiêu cực theo suốt cuộc đời.
TP Cần Thơ vừa ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025. Theo đó, 100% cán bộ công an làm công tác điều tra các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em được nâng cao năng lực thực hiện hoạt động điều tra thân thiện với trẻ em. Địa phương này cũng thành lập phòng điều tra thân thiện với trẻ em gồm các nội dung như xây dựng quy định và tiêu chuẩn về hoạt động điều tra thân thiện. Địa phương này còn thí điểm kết nối các biện pháp điều tra thân thiện với cung cấp dịch vụ y tế, hỗ trợ tâm lý, phúc lợi xã hội, dịch vụ bảo vệ trẻ em cho trẻ em là người bị hại, người làm chứng của bạo lực, xâm hại tình dục.
Với mô hình văn minh, nhân văn này, hy vọng là những chiếc phao an toàn để nạn nhân là trẻ em bị xâm hại tình dục yên tâm hơn, bình tĩnh vạch mặt và lên án thủ phạm. Các hoạt động điều tra thân thiện tại các phòng điều tra thân thiện không chỉ "chìa khóa trao tay" cho các điều tra viên mà còn là trách nhiệm của tất cả người lớn để chung tay bảo vệ trẻ em.