Định danh người bán hàng online: Hướng đến môi trường thương mại điện tử minh bạch

Nguyễn Hải Phong
04/04/2025 - 12:52
Định danh người bán hàng online: Hướng đến môi trường thương mại điện tử minh bạch

Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, việc định danh và xác thực điện tử người bán hàng online sẽ tạo sự minh bạch trong việc mua và bán, từ đó tạo động lực phát triển thương mại điện tử.
Tạo "hàng rào" bảo vệ người tiêu dùng

Do công việc khá bận rộn, ít có thời gian đến cửa hàng để mua sắm nên khoảng 2 năm trở lại đây, chị Dương Thị Ngọc Ánh (31 tuổi, trú tại phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) là khách hàng thân thiết của các sàn thương mại điện tử (TMĐT). 

 Điểm đáng chú ý của hình thức mua sắm qua các sàn TMĐT là doanh nghiệp sẽ không mất chi phí thuê mặt bằng, thuê nhân viên nên người tiêu dùng có thể mua sản phẩm với giá thành tốt hơn.

Ngoài ra, mua sắm trực tuyến cũng giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi phí đi lại và được hưởng nhiều chương trình khuyến mãi… Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích, việc mua sắm trên sàn TMĐT cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một trong số đó là tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. 

"Tôi từng nhiều lần mua phải hàng giả, hàng nhái trên sàn TMĐT. Lần gần nhất là tháng 1/2025. Khi thấy một gian hàng trên sàn TMĐT bán loại mỹ phẩm có giá bán lẻ tốt hơn so với giá niêm yết tại cửa hàng nên tôi đã đặt mua nhưng sau đó thất vọng vì sản phẩm không đúng như thông tin được chủ gian hàng quảng cáo. 

Khi thông tin lại, tôi nhận được phản hồi không thiện chí từ chủ gian hàng. Ngoài việc báo cáo gian hàng, tôi không thể tìm được thông tin người bán để yêu cầu đổi trả sản phẩm", chị Ánh chia sẻ.

Từng có trải nghiệm mua sắm không mấy vui vẻ nêu trên nên khi biết thông tin đề xuất người bán hàng trên các nền tảng TMĐT sẽ phải định danh và xác thực điện tử, chị Ánh rất ủng hộ. Chị Ánh cho rằng, với việc định danh, xác thực điện tử, các gian hàng sẽ có trách nhiệm hơn với sản phẩm mình bán ra. Về phía người tiêu dùng sẽ được bảo vệ quyền lợi tốt hơn.

Theo ông Hoàng Văn Toàn (36 tuổi), giám đốc một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT, hiện nay, người tiêu dùng khi mua sắm trên các nền tảng TMĐT phải đối mặt với nhiều rủi ro. 

Trong nhiều trường hợp, họ không biết rõ nguồn gốc hàng hóa; gian hàng không có địa chỉ trụ sở, không để số điện thoại (hoặc số điện thoại ảo); thiếu hoặc không có chính sách bảo hành nên khi hàng hóa có vấn đề, người tiêu dùng muốn yêu cầu khắc phục, đổi trả sản phẩm là rất khó. 

"Với một loại sản phẩm cùng được nhiều gian hàng bán, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn dựa trên số lượt mua sản phẩm của gian hàng cũng như đánh giá dưới mỗi sản phẩm mà không biết rằng những tiêu chí này hoàn toàn có thể được dựng lên", ông Toàn phân tích. 

Vì vậy, việc định danh và xác thực điện tử đối với người bán hàng trên các sàn TMĐT là cần thiết. Bằng cách này, người tiêu dùng có thể dễ dàng phản ánh vi phạm cũng như cơ quan chức năng cũng dễ dàng hơn trong việc truy vết kho hàng hoặc đối tượng có vi phạm. 

Đáng chú ý hơn, việc định danh sẽ giúp giảm thiểu tình trạng lạm dụng các nền tảng TMĐT để thực hiện hoạt động gian lận hoặc trốn thuế.

Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới. Theo thống kê, quy mô thị trường TMĐT tăng trưởng mạnh trong những năm qua, từ 16,4 tỷ USD năm 2022 lên 25 tỷ USD trong năm 2024. 

Tuy nhiên, mặt trái của sự tăng trưởng này là tình trạng hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ… Trong quá trình trải nghiệm mua sắm trên các sàn TMĐT, không ít khách hàng cho biết, bản thân mua phải các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhưng không biết rõ danh tính của người bán hàng online để phản ánh, dẫn đến quyền lợi bị ảnh hưởng.

Định danh người bán hàng online: Hướng đến môi trường thương mại điện tử minh bạch- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Bình Minh, Trưởng Ban Phát triển nguồn lực, Hiệp hội TMĐT Việt Nam

Trong bối cảnh đó, các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công thương đang xây dựng Dự thảo Luật Thương mại điện tử, đề xuất quy định bắt buộc người bán hàng trên các nền tảng TMĐT phải định danh và xác thực điện tử. 

Theo đề xuất, người bán hàng cần phải cung cấp đầy đủ thông tin như: tên thương nhân, địa chỉ, mã số định danh, mã số thuế thu nhập cá nhân, trước khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ lên nền tảng. 

Cùng với đó, người bán cũng phải công khai giá cả, vận chuyển và giao nhận, phương thức thanh toán (nếu có), minh bạch thông tin hàng hóa, dịch vụ, các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng. Đề xuất này đang nhận được sự quan tâm của người dân.

Lợi nhiều đường

Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, có một lượng lớn gian hàng kinh doanh trên các nền tảng TMĐT chưa định danh được người bán. Thống kê tại 5 sàn TMĐT gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Grab cho thấy, có hơn 300.000 gian hàng chưa định danh được người dùng.

Doanh số kinh doanh của nhóm này ước tính khoảng trên 70.000 tỉ đồng. Bộ Tài chính ước tính, với mức thuế hộ, cá nhân kinh doanh online phải nộp là 1,5% trên tổng doanh thu khoảng 70.000 tỷ đồng thì số thu thuế khoảng 1.000 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, thực tế số thu thuế từ hộ, cá nhân kinh doanh rất thấp. Điều này cho thấy nhiều đối tượng kinh doanh chưa kê khai, nộp thuế theo quy định.

Ông Nguyễn Bình Minh, Trưởng Ban Phát triển nguồn lực, Hiệp hội TMĐT Việt Nam, cho rằng, việc định danh và xác thực điện tử đối với người bán hàng trên các nền tảng TMĐT là xu thế tất yếu, phù hợp với sự phát triển của TMĐT trong những năm gần đây. 

TMĐT đang tăng trưởng với tốc độ cao. Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng xuất hiện nhiều hơn trên môi trường TMĐT. Điều đó đặt ra vấn đề phải định danh người bán hàng, thậm chí sau này còn phải thực hiện bán các hàng hóa có truy xuất nguồn gốc đầy đủ. 

Việc làm này sẽ giúp quy trách nhiệm của người bán hàng và đảm bảo cho TMĐT phát triển một cách ổn định, bền vững. 

"Nếu không, người tiêu dùng sẽ có sự nghi ngại về chất lượng hàng hóa bán trên các sàn TMĐT cũng như sợ phải giải quyết các tranh chấp, dẫn đến giảm sự phát triển của TMĐT", ông Minh cho biết.

Trưởng Ban Phát triển nguồn lực - Hiệp hội TMĐT Việt Nam thông tin thêm, trước đây, để TMĐT được phát triển tốt, chúng ta đã để thị trường ở dạng mở với mục đích giúp mọi người dễ dàng gia nhập. Điều này có nghĩa là một cá nhân không cần phải đáp ứng quá nhiều thủ tục để có thể gia nhập thị trường. 

 Trước đây, người bán chỉ cần có một địa chỉ email cũng như một tên cửa hàng là có thể tham gia bán hàng trên sàn TMĐT. Tuy nhiên, chính sự dễ dãi như vậy dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. 

"Vậy nên, nếu không xác định được người bán là ai thì việc giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng sẽ rất phức tạp", ông Minh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, mặc dù nước ta đã có chính sách thu thuế đối với người kinh doanh trực tuyến nhưng việc những người này chưa được định danh cũng sẽ tạo kẽ hở để họ trốn thuế. "Họ có thể dùng một tài khoản ảo, nhân thân ảo để mở gian hàng trên sàn TMĐT. 

Một người cũng có thể sử dụng nhiều tài khoản ảo để lập nhiều gian hàng. Vì vậy, nếu không định danh, cơ quan chức năng sẽ không thể quy các gian hàng này về một mối để thu và có thể xảy ra thất thoát thuế", ông Minh giải thích.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm