Không ít trẻ có sở thích nói dối, khiến cha mẹ rất lo lắng. Ảnh minh họa internet. |
Trong mắt mọi người, cậu bé Nguyễn Trọng Đạt (lớp 6, Khương Trung, Hà Nội) rất ngoan ngoãn, đáng yêu, vô cùng lễ phép. Trong gia đình, cậu vẫn thể hiện là đứa trẻ ngoan, khi mẹ nói gì cũng vâng dạ và thường xuyên kể cho mẹ nghe mọi chuyện ở trường lớp.
Dần dần, chị Phạm Thu Huyền (mẹ Trọng Đạt) bất ngờ khi phát hiện ra khả năng nói dối của con trai. Mỗi lần làm bài kiểm tra, cậu khoe rối rít với mẹ rằng con làm tốt lắm, mẹ cứ yên tâm nhé. Thậm chí, cậu hồn nhiên khoe con được điểm 9, 10. Thế nhưng, khi đi họp phụ huynh, chị mới biết con chỉ đạt điểm 6, 7.
Bố mẹ phải bắt nọn con trong mọi trường hợp nói dối. Ảnh minh họa internet. |
Chưa hết, con thường xuyên nói với mẹ rằng cơm buổi trưa mẹ nấu rất ngon, hôm nào con cũng ăn no căng bụng rồi mới đến trường. Nhưng thực tế, sau vài lần kiểm tra, chị biết toàn bộ bữa trưa chị chuẩn bị cho con đều bị con đổ thẳng vào thùng rác.
Thi thoảng, con xin tiền mẹ để mua quà sau mỗi giờ tan học. Tối về con vẫn kể con ăn món nọ, món kia, nhưng không ít hôm bất ngờ đến đón con, chị phát hiện ra con đang ngồi ở tiệm internet gần trường. Thói quen nói dối như Cuội của con khiến chị Huyền cảm thấy khá đau đầu.
Cha mẹ nên khuyến khích con tự nhận lỗi chứ không nên đổ lỗi cho người khác. Ảnh minh họa internet. |
Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hương (Trung tâm Cá siêu quậy) phân tích: Trong trường hợp phát hiện trẻ nói dối “thành thần”, bố mẹ phải... bắt nọn con. Bất kể sự thật nào bố mẹ cũng biết trước khi con khai ra. Khi con nói dối thì bố mẹ công bố sự thật đó ra. Lần nào cũng bị "bắt trúng tim đen", dần dần con sẽ hết nói dối.
Ở mỗi lứa tuổi, biểu hiện và hệ lụy của những hành vi dối trá của trẻ cũng khác nhau. Vì thế, cha mẹ phải học cách nắm bắt tâm lý của con trong từng giai đoạn để có những cách ứng xử phù hợp với con. Cha mẹ cũng nên khuyến khích con biết tự nhận lỗi chứ không được chối quanh hoặc đổ lỗi cho người khác. Hơn nữa, khi con trẻ nói dối, cha mẹ nên tìm hiểu vấn đề và nhìn nhận ở nhiều khía cạnh chứ không nên quy kết hết lỗi cho trẻ. Việc này sẽ ảnh hưởng trầm trọng tới tâm lý của trẻ. Đặc biệt, không nên dùng cách trừng phạt con bằng bạo lực, vì làm thế sẽ khiến trẻ sợ hãi và khả năng nói dối sẽ trở nên siêu đẳng hơn.