pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đồ uống có đường: Từ chính sách đến bàn ăn gia đình
Đồ uống có đường được cho là một trong những nguyên nhân gây thừa cân béo phì ở trẻ. Ảnh minh họa
Bài 1: Chính sách vì sức khỏe cộng đồng
Bổ sung nước giải khát có đường chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
Dự kiến ngày 27/11/2024, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Trong đó, dự thảo Luật bổ sung đối tượng chịu thuế đối với nước giải khát có đường. Đây là chính sách mới trong bối cảnh tiêu dùng đồ uống có đường đang tăng cao ở nước ta, gây ra nguy cơ mắc bệnh mạn tính, rối loạn sức khỏe do thừa cân béo phì.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nước giải khát có đường là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thừa cân và béo phì, là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường, hội chứng rối loạn chuyển hóa, tim mạch...
WHO khuyến nghị lượng đường tự do trong khẩu phần mỗi ngày chỉ nên chiếm dưới 25g - 50g/người lớn và dưới 12g - 25g/trẻ em; "Trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường".
Theo Bộ Y tế, việc gia tăng sử dụng nước giải khát có đường khiến cho tình trạng các bệnh không lây nhiễm ở nước ta đang có mức tăng bùng nổ trong vài thập kỷ qua.
Thảo luận ở tổ ngày 22/11/2024 trong chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Liên quan đến thuế đối với đồ uống có đường, hiện đã có bằng chứng đối với việc tăng lượng đồ uống có đường sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, loãng xương, béo phì… từ đó làm tăng nguy cơ các bệnh khác, trong đó có ung thư.
Ở nước ta, tỷ lệ tiêu thụ đồ uống có đường tăng gấp 4 lần trong 15 năm qua: từ 18,5 lít/người năm 2009 lên 66 lít/người năm 2023, là yếu tố góp phần tăng gấp đôi tỷ lệ béo phì ở thanh thiếu niên, từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020. Những người này có nguy cơ mắc bệnh mạn tính, rối loạn sức khỏe do thừa cân béo phì và ảnh hưởng đến cuộc sống sau này.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường là phù hợp với xu thế quốc tế và thực tế hiện nay. Ít nhất đã có 104 quốc gia và 6 quốc gia trong ASIAN áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.
Mục tiêu là thay đổi hành vi của doanh nghiệp và người tiêu dùng
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, với mức thuế suất là 10%, để thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của WHO, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Bộ Y tế.
Bà Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế nhất trí đối với đề xuất của Chính phủ trong việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát theo TCVN như nêu trên. Bên cạnh đó, "với các loại đồ uống khác sẽ có lộ trình về áp thuế sau khi đã thực hiện ổn định đối với nước giải khát có đường.
Tuy nhiên, về thuế suất thì WHO gửi cho Bộ Y tế đề nghị là mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn so với mức đề xuất tại dự thảo Luật chỉ là 10% trên giá bán của doanh nghiệp", Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Về nội dung này, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội) cho rằng, một số mặt hàng thuộc diện chịu thuế có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng cần đánh giá của cơ quan chuyên môn Y tế về mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe, có bằng chứng khoa học thuyết phục, đặc biệt là mặt hàng nước giải khát có đường; cần đánh giá khoa học loại đường gì dung nạp an toàn vào cơ thể, đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe.
Đại biểu Nhị Hà dẫn chiếu từ một số nghiên cứu, với một chai nước tăng lực 330ml có 64,7 gram đường nếu chúng ta uống, lượng đường này gấp đôi lượng đường dung nạp mỗi ngày. Do vậy, cơ quan soạn thảo cần có bằng chứng khoa học trong việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường.
Theo đại biểu này, dự thảo Luật cần tiếp cận việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường không phải tập trung giải quyết tình trạng thừa cân, béo phì, mà cần hướng tới giảm lượng đường tự do dung nạp vào cơ thể. Sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt "cần xác định mục tiêu cuối cùng là thay đổi hành vi của doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng".
Cơ bản thống nhất với đề xuất bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất 10%, đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An) băn khoăn về hiệu quả của chính sách này trong việc hạn chế, hoặc giảm tỷ lệ béo phì.
Bởi theo một số nghiên cứu, thực phẩm chứa đường bao gồm cả đồ uống, bánh kẹo, kem... đang được sử dụng rộng rãi, cung cấp trung bình 3,6% tổng năng lượng tiêu thụ đưa vào cơ thể.
Theo đại biểu Lê Thị Song An, việc áp thuế này có thể chỉ giảm được một lượng rất nhỏ, khoảng từ 0,1% đến 0,2% lượng năng lượng nạp vào cơ thể. Ngoài ra, tỷ lệ béo phì còn có nguyên nhân do sử dụng các thức ăn nhanh, ít vận động của người trẻ, chế độ ăn uống, hoạt động thể chất...
Do đó, đại biểu Lê Thị Song An đề nghị Ban soạn thảo đánh giá kỹ lưỡng tác động, các biện pháp thực hiện, cũng như lộ trình phù hợp cho chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, đảm bảo tính khả thi và công bằng, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp sản xuất nước ngọt trong nước.
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ hộ gia đình tiêu thụ nước giải khát có đường đã tăng từ 56,22% năm 2010 lên 69,76% năm 2016 và tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt bình quân đầu người năm 2013 là 47,65 lít/người tăng lên 70,56 lít/người năm 2020.
Nhiều nhóm nước giải khát có đường được tiêu thụ trong năm 2022 tăng trưởng mạnh so với năm 2021: đồ uống có ga (16,7%), nước tăng lực (25,5%), nước rau và quả (16,92%), nước uống thể thao (35,6%), trà pha sẵn (9,8%).