Doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm đầu tiên bị đề nghị xử lý hình sự

22/03/2018 - 13:33
Bảo hiểm Việt Nam cho biết, một doanh nghiệp ở thành phố HCM vừa bị đề nghị xử lý hình sự vì trốn đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế cho người lao động theo quy định của Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ 1/1/2018.
tron-dong-bhxh-co-the-bi-phat-tu-7-nam.jpg
Xử lý hình sự hành vi vi phạm trốn đóng BHXH, BHYT của doanh nghiệp có tác dụng tăng sức răn đe

 

 

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Công ty TNHH Nam Phương (Khu công nghiệp Tây Bắc, huyện Củ Chi, Tp.HCM) là một công ty về lĩnh vực may mặc, có 100% vốn Hàn Quốc, người đại diện pháp luật là ông Nam Sung Ho (quốc tịch Hàn Quốc). Công ty này trốn đóng, nợ tiền BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp của người lao động với số tiền là 26,8 tỷ đồng.

Cơ quan BHXH TP HCM đã hoàn tất và chuyển hồ sơ vụ việc của công ty Nam Phương sang Công an TP HCM đề nghị điều tra, xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự mới, có hiệu lực từ 1/1/2018.

Theo BHXHVN, tình trạng để xảy ra nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp khá thường xuyên tại công ty này và hành vi này cũng đã nhiều lần bị xử lý. Sau khi tiến hành thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp với công ty Nam Phương, cuối tháng 1/2018, BHXH TP HCM đã có kết luận thanh tra số 296/KL-BHXH xác định: Từ tháng 9/2015 đến hết tháng 11/2017, Công ty này đã nợ quỹ BHXH, BHYT tổng số tiền hơn 28 tỷ đồng. Trong tháng 12/2017, Công ty này mới chỉ khắc phục được hơn 2,9 tỷ đồng.

Trước đó, công ty Nam Phương đã có nhiều vi phạm và bị xử phạt liên quan đến hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm cho người lao động. Cụ thể, đầu năm 2016, Tòa án nhân dân huyện Củ Chi (TPHCM) đã có bản án số 10/2016/LĐST buộc Công ty này có nghĩa vụ đóng số tiền hơn 12,8 tỷ đồng BHXH, BHYT cho người lao động. Đến cuối tháng 8/2016, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH thành phố đã tiến hành thanh tra và trình UBND TP ban hành Quyết định số 4936/QĐ-XPHC, phạt Công ty số tiền 150 triệu đồng, và nộp số tiền BHXH, BHYT chưa đóng và lãi chậm nộp là hơn 4,3 tỷ đồng.

Với những hành vi sai phạm nêu trên của Công ty TNHH Nam Phương, căn cứ quy định tại Điểm C, Khoản 3 và Điểm C, khoản 5, Điều 216 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, ngày 27/11/2015, BHXH TP quyết định chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan Công an TP đề nghị xem xét, điều tra xử lý hình sự theo đúng quy định của pháp luật.

bhxh-bhyt.jpg
Doanh nghiệp chây ì, trốn đóng BHXH, BHYT gây thiệt thòi rất lớn cho người lao động - ảnh minh họa

 


Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXHVN, cho biết: Trước đây, hành vi vi phạm về BHXH, BHYT chỉ được quy định xử lý hành chính, nên sức răn đe chưa cao, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ để kéo giảm tình trạng doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, gây rất nhiều thiệt thòi cho người lao động.

Hiện nay, với biện pháp xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự với các hành vi vi phạm trốn đóng BHXH, BHYT, có tác dụng răn đe, làm gương; đồng thời góp phần thay đổi ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT của các doanh nghiệp.

Cùng với đó, trên cơ sở chức năng thanh tra chuyên ngành được giao, ông Phạm Lương Sơn cho biết: Cơ quan BHXH sẽ tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành tại các đơn vị sử dụng lao động nợ đọng BHXH, BHYT; tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra; nếu phát hiện vi phạm trốn đóng, gian lận BHXH, BHYT, cơ quan BHXH sẽ xử phạt hành chính. Nếu đơn vị sử dụng lao động cố tình chây ì, cơ quan BHXH sẽ chuyển hồ sơ sang phía cơ quan điều tra để xử lý hình sự tội danh này.

Điều 216 Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có hiệu lực từ năm 2018 quy định “Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động”.
1. Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
b) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người;
d) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên;
c) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm