Doanh nghiệp xã hội cần sớm được hỗ trợ để vượt qua đại dịch

Trần Lê
02/05/2020 - 11:00
Doanh nghiệp xã hội cần sớm được hỗ trợ để vượt qua đại dịch
Dịch Covid-19 bùng phát mang đến nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp xã hội (DNXH), khó khăn nhân lên gấp ngàn lần. Nỗ lực chuyển đổi để trụ vững các DNXH rất cần sự chung tay, tiếp sức của cộng đồng, của Chính phủ để vượt qua mùa dịch.

Xoay xở để sinh tồn

Trong toàn bộ lực lượng lao động của khu vực DNXH, có 34% là nhóm người yếu thế. Họ chủ yếu là phụ nữ yếu thế, thanh niên dễ tổn thương, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người có thu nhập thấp hoặc thất nghiệp lâu năm. Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến các DNXH với tư cách là các doanh nghiệp và mô hình kinh doanh, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến việc các DNXH tiếp tục thực hiện sứ mệnh xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường nổi cộm.

Doanh nghiệp xã hội cần sớm được hỗ trợ để vượt qua đại dịch - Ảnh 1.

Dịch Covid-19 bùng phát mang đến nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp xã hội, khó khăn nhân lên gấp ngàn lần

Nỗ lực tìm cách duy trì hoạt động, thay đổi mô hình kinh doanh để sinh tồn đang là bài toán mà các DNXH đau đầu tìm lời giải trong mùa dịch bệnh. Chị Đặng Thị Hương, sáng lập dự án HopeBox - điểm tựa cho các phụ nữ bị bạo lực gia đình - chia sẻ cùng báo PNVN: Dịch Covid-19 đã làm khoảng 90% kế hoạch của HopeBox bị thay đổi. Những dự án liên quan tới khách du lịch, sự kiện và nhà hàng mang đến nguồn thu nhập chính đều phải dừng lại, dẫn tới doanh thu không có và thiệt hại nặng về kinh tế. Xoay xở, tìm phương án để vượt qua được giai đoạn khó khăn này, HopeBox đã chuyển sang cung cấp các sản phẩm để mọi người có thể nấu ăn tại nhà và ký gửi tại các cửa hàng thực phẩm.

Tại HTX Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng, cơ sở kinh tế của người khuyết tật, để có nguồn thu trong mùa dịch, chị Đinh Quỳnh Nga, Giám đốc HTX, đã quyết định thay đổi mô hình sản xuất. Các mặt hàng như nấm, hạt gỗ... không tiêu thụ được trong mùa dịch sẽ tạm dừng sản xuất. HTX chuyển sang sản xuất khẩu trang phòng dịch với hình thức "trợ giá khẩu trang cho cộng đồng", bán lẻ chỉ từ 6.000 đồng/chiếc.

Doanh nghiệp xã hội cần sớm được hỗ trợ để vượt qua đại dịch - Ảnh 2.

Dù đã tìm được hướng đi mới để tồn tại nhưng việc duy trì nguồn thu trong mùa dịch với các DNXH thật không dễ dàng

Cũng là doanh nghiệp xã hội tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật, cô gái xương thủy tinh Nguyễn Thị Thu Thương, người đứng đầu Thương Thương handmade, chia sẻ: "Tôi luôn tự nhủ, phải làm mọi cách để có thể duy trì cơ sở sản xuất, trả lương được cho các thành viên. Giờ đây, tôi không phải làm cho bản thân mình, mà tôi làm cho những người khó khăn, cho những người bệnh cần kinh phí để duy trì sự sống". Thay vì sản xuất đồ thủ công, lưu niệm, tranh dán giấy... Thu Thương chuyển sang làm lá chắn chống giọt bắn vì sản phẩm này phù hợp với khả năng, sức lao động của các bạn trong xưởng. Và hơn hết, họ muốn làm ra những sản phẩm hữu ích cùng cộng đồng chống dịch.

Dù đã tìm được hướng đi mới để tồn tại nhưng việc duy trì nguồn thu trong mùa dịch với các DNXH thật không dễ dàng gì. Những sản phẩm phòng dịch như khẩu trang, lá chắn chống giọt bắn, do anh chị em người khuyết tật làm ra tại cơ sở của chị Đinh Quỳnh Nga (HTX Trái Tim Hồng) và Nguyễn Thị Thu Thương (Thương Thương handmade) đều gặp khó khăn khi tìm đầu ra. Các sản phẩm này trên thị trường đã bão hòa, lại gặp phải sự cạnh tranh bởi quá nhiều cơ sở sản xuất.

Doanh nghiệp xã hội cần sớm được hỗ trợ để vượt qua đại dịch - Ảnh 2.

Người lao động trong HTX Trái tim hồng hiện đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19

Giám đốc HTX Vụn ART Nguyễn Việt Cường cũng cho biết: Những ngày dịch bệnh vừa qua, công ty không bán được hàng nên phải cắt giảm 1/2 lương của công nhân. Mặc dù lương của công nhân không cao, chỉ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng nhưng vẫn phải cắt giảm. Dù vậy, HTX cũng chỉ cố gắng trả lương được khoảng 2 - 3 tháng nữa. Nếu cứ tiếp tục, sản phẩm không bán được sẽ không biết phải duy trì doanh nghiệp như thế nào.

Không giấu được sự nghẹn ngào, chị Vi Thị Thuận (xưởng Hoa Ban+ thuộc Bản Lác, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) cho biết: Với các sản phẩm chính là homestay, nhà hàng, sản phẩm dệt thổ cẩm, cơ sở của chị điêu đứng từ đầu mùa dịch. Từ Tết đến giờ, các chị em trong HTX chưa nhận được lương. Còn chị Thuận, vẫn phải đứng ra bao bọc, chở che, bảo trợ cho 30 chị em người khuyết tật nặng, người kém may mắn tại mái ấm. Bản thân chị Thuận cũng không biết mình sẽ cầm cự được đến bao giờ.

Mong sớm nhận được sự trợ giúp

Từ nhiều tháng nay, chị Đặng Thị Hương (dự án HopeBox) đã phải bù lỗ để chị em vẫn giữ được thu nhập ổn định. Dù dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp nhưng chị quyết không để nhân viên của HopeBox nghỉ việc, bởi họ là các phụ nữ bị bạo lực gia đình. Nếu bị thất nghiệp, họ sẽ phải về lại môi trường bạo lực và nguy cơ bị bạo hành sẽ rất cao.

Khảo sát "Ảnh hưởng của Covid-19 đến Khu vực Doanh nghiệp Xã hội và nhu cầu hỗ trợ" do Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo Xã hội (CSIE), Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thực hiện vào giữa tháng 4/2020 cho thấy: Các DNXH trong ngành giáo dục - dạy nghề cho nhóm yếu thế, du lịch bền vững, xuất khẩu thủ công mỹ nghệ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các doanh nghiệp này bị sụt giảm nghiêm trọng về doanh thu và đặc biệt là lợi nhuận vì gần như không có hoạt động kinh doanh. Các khoản thu của DNXH là các khoản tài trợ cũng bị chậm, hoãn hoặc huỷ giải ngân.

Hiện nay, 68% các DNXH vẫn nỗ lực duy trì hoạt động cho đến hết Quý II/2020. Tuy nhiên, nếu dịch Covid-19 kéo dài đến hết năm 2020, dự kiến chỉ còn 5% DNXH (trong ngành thực phẩm) còn tồn tại với rất nhiều khó khăn, 86% số DNXH sẽ phá sản và 9% tạm dừng hoạt động.

HopeBox hi vọng rằng nhận thức về việc bạo lực giới cần được nâng cao hơn, để mọi người hiểu được đây không phải là vấn đề trong gia đình hay ở một địa phương nào, đây là vấn đề của toàn xã hội và xảy ra hàng ngày. Từ phía chính sách, đề xuất có nhiều chương trình thiết thực giúp nhóm phụ nữ bị bạo lực như nhiều nhà tạm lánh hơn, hỗ trợ về tham vấn tâm lý, đường dây nóng hay tài chính và các giải pháp liên quan tới tạo việc làm. Đặc biệt là có các gói tài chính hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời kỳ đại dịch này để những doanh nghiệp xã hội mới khởi nghiệp như HopeBox có hy vọng hồi phục sau dịch bệnh.

Chị Đặng Thị Hương, sáng lập dự án HopeBox – Chiếc hộp hy vọng cho phụ nữ bị bạo hành gia đình

DNXH là nhóm rất dễ bị tổn thương, rất cần nhận được sự động viên, chung tay của cộng đồng, của Nhà nước, để họ có thể trụ vững và vượt qua mùa dịch.

Mong mỏi đầu tiên của họ là nhận được sự ủng hộ của cộng đồng, của các cấp chính quyền để có giải pháp chung tay hỗ trợ DNXH bằng việc tổ chức mua, phân phối sản phẩm của DNXH trong và sau mùa dịch Covid-19, để những người yếu thế có thể được tiếp tục làm việc, có nguồn thu nhập ổn định trang trải cho cuộc sống.

Đồng thời, họ cũng mong nhận được sự trợ giúp kịp thời của Chính phủ đối với các DNXH trong việc chia sẻ gánh nặng về an sinh và phát triển xã hội, nhất là việc sớm được tiếp cận gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng của Chính phủ phê duyệt ngày 10/4 vừa qua. Thực tế, các doanh nghiệp xã hội cần được ưu tiên trong việc tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ theo các góc độ: Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính, người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch và cả dưới góc độ hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo. Hơn lúc nào hết, việc hướng dẫn chi tiết, đơn giản trong thủ tục, dễ tiếp cận các giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội vẫn là chìa khóa mà các doanh nghiệp xã hội đang cần từ các cơ quan quản lý Nhà nước, để có thể tiếp cận được các hỗ trợ kịp thời, đúng người, đúng thời điểm để vượt qua mùa dịch.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm