pnvnonline@phunuvietnam.vn
Độc đáo tục "ăn Tết lại" tại làng nghề giò chả Ước Lễ
Cổng làng Ước Lễ - nơi chụp ảnh lưu niệm yêu thích của những người con xa quê mỗi dịp về làng
Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 40km về phía Tây Nam, Ước Lễ là một làng quê giàu truyền thống văn hóa Bắc Bộ, không chỉ lưu giữ được nhiều giá trị lịch sử và còn nổi tiếng với nghề giò chả đã tạo sinh kế ổn định cuộc sống cho biết bao thế hệ người làng.
Nếu như người dân cả nước tất bật đón Tết Nguyên đán đúng vào những ngày đầu năm thì tại Ước Lễ, người dân đón "Tết muộn", "Tết bù" hay "ăn Tết lại" vào ngày Rằm tháng Giêng. Vào ngày này, con cháu trong làng dù đang sinh sống, lập nghiệp ở đâu cũng cố gắng thu xếp công việc, tập trung đông đủ để về dự lễ tại quê cha đất tổ và thăm nom bà con, họ hàng.
Ông Nguyễn Đăng Bình (quận Ba Đình, Hà Nội) - một người con quê Ước Lễ hiện đang làm và bán giò chả tại phố Nghi Tàm (Hà Nội) - cho biết: Do đặc thù món ăn này thường được người dân dùng để cúng tế hoặc làm quà biếu trong dịp Tết nên khi cả nước tưng bừng sắm sửa đón Tết truyền thống thì cũng là lúc người làng Ước Lễ bận rộn nhất, để kịp làm ra những cây giò nóng hổi, thơm ngon cho khách hàng.
"Chúng tôi bán hàng đến tận 30 Tết, gần như không có thời gian về quê hay chúc Tết họ hàng lối xóm. Vì vậy, khi mọi người ăn Tết xong, dân làng Ước Lễ mới chính thức đón Tết "bù", anh em tứ xứ đều cố gắng tụ họp về làng để thắp hương cúng tế tổ tiên, thăm họ hàng, cũng là để các con các cháu luôn nhớ về gốc gác, nguồn cội của mình" - ông Bình chia sẻ.
Nghề làm giò chả ở làng Ước Lễ có cách đây gần 500 năm. Sử sách trong làng ghi lại vào thời nhà Mạc (1527 - 1592) có một cung tần trong triều đình vốn là người làng Ước Lễ về xây cổng làng và dạy cho dân làng nghề giò chả. Sản phẩm của làng Ước Lễ rất đa dạng, phong phú từ giò lụa, giò bò, giò xào, giò bì, đến chả quế, chả rán, nem chua… nhưng nổi tiếng nhất vẫn là giò lụa, chả quế.
Các công đoạn làm giò, chả cầu kỳ và công phu từ khâu pha thịt, nêm mắm đến kỹ thuật gói giò, luộc giò, rán chả. Trước đây, khi giò còn được làm từ thịt giã bằng tay, người làng lưu giữ những bí quyết giã thịt sao cho thật dẻo quánh đến mức không dính chày mới được. Hiện nay, khi máy móc đã góp phần giải phóng sức lao động trong khâu chế biến thịt, nhưng dân làng vẫn gói giò bằng lá chuối truyền thống, thơm ngon, dậy mùi. Qua năm tháng, món giò chả trở thành món ăn phổ biến và tiện lợi nên hầu như ở khắp các tỉnh thành, người làng Ước Lễ đều đến sinh sống và làm ăn.
Ông Nguyễn Đăng Thái (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: Trong kháng chiến chống Pháp, bố của ông đã di cư từ Ước Lễ ra trung tâm Hà Nội lúc bấy giờ là khu vực chợ Đồng Xuân để lập nghiệp bằng nghề làm giò chả. Đến nay, ông Thái vừa bước sang tuổi 71, cũng là ngần ấy năm gia đình ông đều đặn về quê (không kể những năm tháng chiến tranh khốc liệt) trong ngày Rằm tháng Giêng theo truyền thống của dân làng. "Nhà tôi hiện nay vẫn làm nghề. Các em người thì buôn bán tại Hà Nội, người thì mang "chất giò Ước Lễ" vào Sài Gòn phát triển cũng 40 năm nay rồi. Năm nào cũng thế, cứ đến ngày này là dịp để anh em hai miền trong nhà cùng nhau tụ họp, đưa các con các cháu về đất Tổ để dự hội làng cho chúng luôn nhớ truyền thống quê hương" - ông Thái phấn khởi.
Điểm đặc biệt trong dịp "Tết bù" của người làng Ước Lễ là sau khi thắp hương tổ tiên, dâng lễ thần hoàng làng tại đình cổ, người ta sẽ đi tảo mộ ở nghĩa trang làng ngay trong ngày và thưởng thức mâm cỗ gia đình với một món ăn không thể thiếu đó chính là thịt chó. Vào những ngày này, trên mâm cỗ của mỗi hộ gia đình tại Ước Lễ phải đều có thịt chó ăn kèm với lá mơ mới được coi là "ăn Tết" trọn vẹn.
Cùng với những danh tiếng về nghề giò chả, làng Ước Lễ là một trong những làng cổ xứ Đoài còn in đậm dấu ấn lịch sử với chiếc cổng làng cổ kính và chiếc cầu cong rộng khoảng 2m, dài 10m bắc qua con mương dẫn vào làng. Không gian làng quê thanh bình, vắng lặng với những rặng tre xanh mát, hàng cau thẳng tắp và những bức tường loang lổ màu thời gian.
Trên gác cổng làng vẫn còn bức đại tự "Mỹ tục khả phong" nghĩa là phong tục đẹp được ban tặng. Người dân làng Ước Lễ đến nay vẫn gìn giữ và rất tự hào về một truyền thống lịch sử không phải vùng quê nào cũng có, là 1 trong 6 làng của tỉnh Hà Tây cũ được Vua Tự Ðức ban tặng danh hiệu cao quý này.