Đọc ‘Tình thương’ để hiểu và thương

23/12/2018 - 05:12
Hiểu chính mình trên phương diện tình thương rất giản dị và ngọt ngào - đó là điều mà tác giả Hà Huy Thanh muốn gửi gắm trong cuốn sách ‘Tình thương’.

Xã hội phương Tây trong khoảng 2 thập niên trở lại đây có cách nhìn khác về Phật giáo. Khi những bất ổn của loài người ngày càng lớn mạnh cùng với sự bất lực gia tăng của trí khôn, con người tìm đến tâm linh như một cứu cánh, để hiểu gốc rễ nguồn cội của mọi sự việc, hiện tượng, bao gồm cả tiểu vũ trụ bản thể. Con người nhận ra, mong muốn lớn nhất của họ là hạnh phúc nhưng phần lớn mọi nỗ lực trong cuộc đời lại đi ra xa khỏi cái đích hạnh phúc ấy.

Đó cũng là lý do mà 2 cuốn sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh – Hạnh phúc thực và mộngAn lạc từng bước chân – trở thành 2 cuốn cẩm nang sống thuộc hàng best seller của thế giới. Trước câu hỏi muôn thủa: “Làm thế nào để hạnh phúc?”, thiền sư trả lời: “Hiểu và thương”.

3.jpg
Cuốn sách "Tình thương" của Hà Huy Thanh 

Hiểu và thương, 2 khái niệm giản đơn nhưng nói ra cả chục cuốn sách cũng chưa chắc đã hết. Và để hiểu được thế nào là “hiểu và thương”, đôi khi cần cả cuộc đời để thực hành, chiêm nghiệm và chứng thực.

Cuốn sách Tình thương của tác giả Hà Huy Thanh (NXB Thanh niên phát hành) là một sự chiêm nghiệm đầy bất ngờ và thú vị về chủ đề này. Dưới góc nhìn sắc sảo, Hà Huy Thanh đã diễn giải một cách giản dị, rộng mở và đầy minh triết những khái niệm vốn rất khó để giản dị hóa. Nhưng có lẽ, vốn sống dày đặn và quá trình thực hành hiểu và thương lâu dài của chính mình đã giúp anh có cái khả năng trò chuyện, thủ thỉ với bạn đọc về một đề tài khó - khó ở chỗ ai cũng có thể phân tích, giảng giải, khuyên bảo nhưng rất hiếm ai tỉ mẩn hướng dẫn từng hành động như viết ra một công thức nấu ăn với đầy đủ các nguyên liệu cần liệt kê và liều lượng chi tiết từng ½ muỗng cà phê mỗi loại gia vị để chế biến một cuộc đời hạnh phúc. Hà Huy Thanh làm được điều ấy.

Toàn bộ cuốn sách hơn 100 trang giấy không có một chữ về Tôn giáo. Đó là một điểm khác biệt trong một chủ đề mà ai cũng đinh ninh là nói tới đạo Phật. Hà Huy Thanh đã bỏ ra ngoài vấn đề tôn giáo, hay chính xác hơn, anh tư duy vượt lên trên vấn đề tôn giáo trong một vấn đề muôn thủa của loài người: đi tìm hạnh phúc. Đây là điều mà chỉ những người có sự kết nối sâu sắc với tâm linh mới có thể nhận thức được. Xét cho cùng, không có tôn giáo nào trên thế giới là ưu việt nhất, cũng không có giá trị hạnh phúc khác biệt giữa các chủng tộc, quốc gia. Dù ở đâu trên hành tinh này, cái con người mong cầu vẫn là hạnh phúc, cái con người đề cao vẫn là tình yêu thương. Bởi thế, vốn dĩ hai chữ “tình thương” – cái mà tác giả chọn làm tên sách – đã không bị định kiến trong một tôn giáo hay chủng tộc nào.

Ngay trong phần lời tựa, Hà Huy Thanh nói rõ, bản thân anh không tham vọng đưa nguyên lý tình thương mà anh chiêm nghiệm thành một học thuyết. Mong muốn của anh khi viết cuốn sách này là đưa một “hành thuyết” để những người có duyên hạnh ngộ với anh qua trang sách “có thể thực hành trong từng ngày từng giờ và trong từng hơi thở”.

1.jpg
"Việt Nam - Quốc gia của tình thương" là cuốn sách thứ 2 của Hà Huy Thanh vừa ra mắt, chỉ đúng sau 1 năm xuất bản cuốn đầu tiên 
 

Hà Huy Thanh đã rất khéo léo – dù không chút dụng tâm – để dẫn dắt người đọc bước vào hành trình của tình thương bắt đầu từ ga tàu có tên “thấu hiểu bản thân”. Con người ai cũng nghĩ hiểu chính mình là một điều đương nhiên. Nhưng thực tế không phải. Người ta luôn bị mâu thuẫn, đau khổ bởi không nghe được chính bản thân mình nói gì. Hà Huy Thanh nói, hiểu chính mình trên phương diện tình thương rất giản dị và ngọt ngào: “Đó là biết mình thực sự muốn gì cho giây phút thực tại – chỉ hiện tại mà thôi. Ví dụ lúc đang viết dòng này, cái duy nhất tôi cần là một ly Double Espresso”. Ồ, hóa ra chúng ta thường xuyên bỏ qua những tiếng nói từ bên trong mình, xem nó là thứ tức thời, không cần thiết, rồi đeo đuổi những tiếng nói từ bên ngoài và trong tương lai. Cứ đuổi bắt, đuổi bắt và lúc nào cũng trong trạng thái hụt hơi và hụt hẫng. Trong khi, nếu ngay giây phút thực tại, ta nghe tiếng nói bên trong mình và đáp ứng nó, ta đã có thể hài lòng trong mỗi phút giây.

Cứ thế, Hà Huy Thanh đưa ra những ví dụ rất giản đơn trong chính cuộc sống của mình để diễn giải và để minh chứng cho sự thực hành chuyển hóa một cách tự nhiên. Như câu chuyện anh đã thay đổi thói quen để thức dậy vào lúc 4 giờ sáng thay vì 6 giờ sáng như thế nào. Không giáo điều, không rao giảng đạo lý tâm linh lẫn khoa học để khiến người ta có thể cảm thấy xấu hổ vì bản thân quá yếu đuối, nhu nhược, tác giả đưa ra giải pháp rất thực tế: đó là rủ một cô bạn gái rất xinh trong lớp dậy sớm đi bộ. Hình ảnh cô thiếu nữ mặc váy trắng tinh khôi chạy bộ trong sương sớm đã khiến cho chàng trai trẻ hình thành thói quen mới một cách dễ dàng mà không cần tới 3 chiếc đồng hồ báo thức đã chuẩn bị sẵn.

Tìm một động lực trong cuộc sống để có thể gieo những hành vi tốt thay thế cho các hành vi xấu là điều mà bất cứ ai cũng có thể làm được.

5.jpg
Bộ đôi cuốn sách về tình thương của Hà Huy Thanh  

Thấu hiểu – chia sẻ và kiến tạo giải pháp trên cái gốc rễ tình thương là 3 bước mà Hà Huy Thanh lập nên để giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống của anh thực sự có giá trị để áp dụng cho cuộc sống của nhiều người. Có tình thương thì mới có sự thấu hiểu, có thấu hiểu rồi mới có thể sẻ chia, trên cơ sở của thấu hiểu và sẻ chia chúng ta sẽ có được giải pháp thiết thực. Chân lý này đúng trong mọi trường hợp, dù là gây dựng không gian yêu thương trong gia đình, tạo môi trường làm việc tích cực, kiến tạo một quốc gia hay hàn gắn những xung đột quốc tế. Đây không chỉ là lý thuyết, bởi chính tác giả Hà Huy Thanh đã thực nghiệm và đã có kết quả, dù trong phạm vi hạn hẹp một con người. Cách viết dung dị và khúc triết của tác giả khiến người đọc có niềm tin sáng rõ rằng, phương pháp ấy có tác dụng trong phạm vi rộng lớn của một cộng đồng rộng lớn – là nhân loại. Và đó cũng là động lực để Hà Huy Thanh ra mắt cuốn sách thứ 2 cùng trong mạch cảm xúc đó: Việt Nam – Quốc gia của tình thương.

Mặt trời vẫn mọc mỗi ngày, ánh sáng vẫn chiếu rọi và không khí vẫn bao bọc chúng ta. Người ta vốn cứ nghĩ trên đời này cái gì hiếm thì quý tựa như vàng bạc kim cương mà quên rằng, quý giá nhất chính là ánh sáng, nước và không khí. Quý là bởi nếu thiếu 1 trong 3, chúng ta đã không thể tồn tại. Hà Huy Thanh đã chỉ cho người đọc thấy, họ đã thiếu trân trọng với những điều “quý giá mà không hiếm” ấy như thế nào.

Đọc Tình thương của Hà Huy Thanh, bỗng thấy có một ly Double Espressco vào đúng lúc ta thèm cũng là một ân huệ lớn lao của cuộc đời. Và cứ thế, ta vui.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm