Đóng BHXH mức mới, lao động lợi về sau

28/12/2015 - 12:14
Từ 1/1/2016, tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc được tính trên mức lương và phụ cấp hằng tháng. Với mức đóng này, lao động khi nghỉ thai sản sẽ có thu nhập khá hơn.

Trả lời báo chí sáng 25/12/2015, bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (BHXH) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: “Nói BHXH đang tận thu là không đúng”. Bộ luật Lao động 2012 và có hiệu lực từ 1/5/2013 đã quy định việc đóng BHXH trên nền tiền lương theo điều 90, gồm tiền lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác. Nhưng khi xây dựng Luật BHXH thì Quốc hội đã cân nhắc khả năng "sức khỏe" của doanh nghiệp, tạm dãn khoảng thời gian phải thực thi quy định này và cho phép thực hiện theo lộ trình 2 bước, cụ thể là:

Bước thứ nhất, năm 2016 – 2017, đóng bảo hiểm trên cơ sở mức lương và phụ cấp lương ghi trong hợp đồng lao động. Trong thông tư hướng dẫn thực hiện Luật BHXH đang gấp rút hoàn thành sẽ chỉ tính những khoản đã tính được trước, thỏa thuận trước của 2 bên theo điểm a, khoản 2, thông tư số 47 hướng dẫn thi hành một số điều Bộ luật Lao động. Trong đó, cũng quy định loại trừ các khoản như tiền ăn giữa ca, tiền đi lại, hỗ trợ điện thoại, hỗ trợ con nhỏ… không phải tính gộp vào để đóng BHXH.

Bước thứ 2, đến 2018 mới thu BHXH trên cơ sở tính tổng mức thu nhập hàng tháng của người lao động, gồm lương, phụ cấp, các khoản thu thường xuyên khác. Tuy vậy, bà Nga chỉ rõ: Các khoản phụ cấp là những nội dung được xác định cụ thể và được trả thường xuyên hàng tháng, chứ không phải những khoản thu nhập quá biến động, không xác định được, rất khó cho doanh nghiệp, cho người lao động, cũng như cơ quan bảo hiểm trong việc tổ chức thực hiện thu và quản lý tiền đóng.

 (ảnh minh họa)

Như vậy, trước mắt, mức đóng BHXH tăng lên, thu nhập thực tế sẽ bị sụt giảm, theo bà Nga, điều quan trọng hơn cả là tương lai về lâu dài, đảm bảo an sinh khi về già. Thậm chí, những điểm lợi có thể thấy ngay trước mắt, ví dụ như phụ nữ sinh con, nếu không tham gia bảo hiểm ở mức thu nhập cao thì mức hưởng thai sản sẽ không cao. Thực tế cho thấy, ở các thành phố lớn, dù có quy định nghỉ thai sản 6 tháng, với mong muốn con trẻ được hưởng chế độ chăm sóc tốt nhất, tăng cường dinh dưỡng, sức đề kháng. Nhưng thực tế chênh lệch giữa tiền lương đóng bảo hiểm và thực tế thu nhập của người lao động là khác xa nhau. Vì vậy, nhiều chị em chỉ nghỉ thai sản 3 – 4 tháng là đi làm để hưởng lương cao. Như vậy mục đích nghỉ 6 tháng, cho trẻ được hưởng sữa mẹ trong 6 tháng đầu chưa hẳn đã đạt được.

Nhận lương hưu hằng tháng (ảnh minh họa) 

Bà Nga phân tích: Nếu người lao động hưởng 75% lương nhưng trên mức tiền lương rất thấp chỉ là 3,5 – 4 triệu đồng, trong khi thu nhập thực tế là 10 đến 15 triệu đồng. Kế hoạch chi tiêu của người đang làm việc là trong khoảng 10 – 15 triệu đồng, nhưng khi về hưu chỉ còn 75% của 3,5 – 4 triệu đồng thì kế hoạch chi tiêu lúc tuổi già sẽ rất khó khăn.

Thực tế, mức đóng BHXH chiếm 26% lương của người lao động nhưng trong đó người lao động chỉ đóng 8% còn lại 18% là chủ sử dụng đóng. "Mức lương hưu sẽ được điều chỉnh hằng năm dựa theo tình hình cụ thể của từng giai đoạn", bà Nga nói..

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm