Dòng vốn ủy thác tạo lòng tin cho nhân dân Quảng Ngãi

Bài và ảnh Chí Kiên
22/05/2020 - 12:51
Dòng vốn ủy thác tạo lòng tin cho nhân dân Quảng Ngãi
Nguồn vốn tín dụng chính sách được NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi kịp thời chuyển tải đến đúng các đối tượng thụ hưởng, phát huy hiệu quả, góp phần hạn chế các hiện tượng tiêu cực, tạo lòng tin và được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Dòng vốn ủy thác tạo lòng tin cho nhân dân Quảng Ngãi - Ảnh 1.

NHCSXH huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) giải ngân vốn vay cho bà con tại Điểm giao dịch xã Bình Phú

Với người dân Quảng Ngãi, nguồn vốn ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được NHCSXH tỉnh phối hợp với các hội, đoàn thể triển khai nhiều năm qua đã tạo động lực giúp họ vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Hành trình trở thành hộ nông dân sản xuất giỏi của ông Huỳnh Văn Trung ở thôn An Thành 2, xã Bình Phú, huyện Bình Sơn luôn gắn với nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH. Nhiều lúc đã có phương án SXKD nhưng chỉ nhờ đến nguồn vốn NHCSXH cho vay ủy thác qua Hội Nông dân, ông mới mạnh dạn tiến hành sản xuất, chăn nuôi.

Ông Trung kể: Năm 2009, thông qua hội, đoàn thể, ông biết đến NHCSXH và làm đơn vay 30 triệu đồng chương trình SXKD vùng khó khăn để nuôi lợn thịt. Làm ăn có hiệu quả, năm 2014, ông trả hết nợ cũ và tiếp tục xin vay tiếp để phát triển chuồng trại mở rộng chăn nuôi. Hiện nay, gia đình ông Trung vẫn đang vay vốn NHCSXH để nuôi lợn, hơn 2.000 con vịt đẻ và trồng rừng. Nhờ cần cù, chịu khó và từ sự hỗ trợ của đồng vốn ưu đãi mà gia đình ông Trung xây được nhà hai tầng, còn bản thân ông là điển hình nông dân sản xuất giỏi của xã Bình Phú. "Từ hai bàn tay trắng, nhà ở lụp xụp, có được cơ ngơi như ngày hôm nay, tôi cảm ơn sự hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH", ông Trung tâm sự.

Giai đoạn 2015 - 2019, đến hết năm 2019, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, dư nợ ủy thác thông qua các tổ chức hội, đoàn thể đạt trên 3.389 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 99,7% tổng dư nợ, tăng hơn 1.090 tỷ đồng so với cuối năm 2014.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi Trần Duy Cường cho biết: Thông qua phương thức cho vay ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể đã tập hợp được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, góp phần xã hội hóa công tác cho vay; thực hiện công khai minh bạch trong việc bình xét vay vốn; quản lý, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn hiệu quả, kiểm tra, đôn đốc hộ vay trả nợ, trả lãi đúng hạn, kịp thời xử lý nợ bị rủi ro khi có phát sinh… Nhờ đó nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời được chuyển tải đến đối tượng thụ hưởng, phát huy hiệu quả, hạn chế các hiện tượng tiêu cực, tạo được lòng tin của nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Dòng vốn ủy thác tạo lòng tin cho nhân dân Quảng Ngãi - Ảnh 2.

Mô hình chăn nuôi vịt đẻ của ông Huỳnh Văn Trung ở thôn An Thành 2, xã Bình Phú, huyện Bình Sơn mang lại hiệu quả kinh tế cao

Đặc biệt, việc hình thành mạng lưới 2.695 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, bản, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn toàn tỉnh đã giúp chuyển tải nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, kịp thời. Đồng thời, trực tiếp thực hiện một số công việc được NHCSXH ủy nhiệm như: họp bình xét cho vay, giám sát việc sử dụng vốn vay, đôn đốc người vay trả nợ, tuyên truyền vận động tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm, thực hiện thu lãi, thu tiết kiệm theo định kỳ hàng tháng, theo dõi đôn đốc kịp thời các khoản nợ đến hạn, phối hợp xử lý nợ tồn đọng, nợ rủi ro.

Để tiếp tục phát huy, triển khai thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách, thời gian tới, NHCSXH tỉnh và các cấp hội, đoàn thể trên địa bàn tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức bình xét đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng ưu đãi nói chung và hoạt động ủy thác nói riêng; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, hướng dẫn thủ tục vay vốn; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH.

Đồng thời, đẩy mạnh phối hợp, lồng ghép nguồn vốn tín dụng chính sách gắn với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư… nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn có hiệu quả, thoát nghèo bền vững. Tích cực phối hợp, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo phổ biến, quán triệt kịp thời các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước; chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ kịp thời các tồn tại, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Kịp thời đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ một số chính sách còn bất cập, chồng chéo, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để đẩu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, tăng thu nhập, giải quyết việc làm, tự vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện thành công chương trình, mục tiêu giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi đã góp phần đáng kể vào Chương trình mục tiêu giảm nghèo toàn tỉnh, đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,69%, giảm 11.589 hộ (giảm 4,04%) và hộ cận nghèo 7,21%, giảm 6.653 hộ (giảm 2,55%) so với cuối năm 2014; với 1 huyện thoát nghèo 30a (Sơn Hà), 1 huyện đạt chuẩn NTM (Nghĩa Hành) và trên 80 xã đạt chuẩn NTM.


Nguồn: NHCSXH
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm