pnvnonline@phunuvietnam.vn
Dự án đô thị lấn biển trong vùng đệm vịnh Hạ Long: Chúng ta sẽ để lại gì cho thế hệ sau?
Cụ thể, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Bộ Tài nguyên & Môi trường và UBND tỉnh Quảng Ninh kiểm tra phản ánh nêu trên, xử lý theo thẩm quyền và đúng quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 25/11/2023.
Đây không phải lần đầu tiên Di sản thiên nhiên thế giới này đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi những hoạt động của con người.
Trên vịnh Hạ Long từng có 7 làng chài sống từ lâu đời. Để giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đến Di sản, tỉnh Quảng Ninh đã phải lập một dự án đầu tư khoảng 167 tỷ đồng để di dời người dân làng chài lên định cư trên bờ. Năm 2014, hơn 300 hộ dân ở 7 làng chài trên vịnh được chuyển hết lên bờ sinh sống. Ở mức độ nào đó, các hộ dân này đã phải "nhường" lại không gian sống quen thuộc của mình từ nhiều đời để giữ gìn di sản.
Tuy nhiên, với vẻ đẹp tự nhiên ở tầm thế giới, Hạ Long là một tâm điểm không chỉ thu hút khách du lịch mà còn như một "thỏi nam châm" thu hút các nhà đầu tư trong các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, các khu nghỉ dưỡng, bất động sản...
Không những thế, bất cứ dự án kinh tế xã hội nào có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến Hạ Long đều phải được xem xét đánh giá thẩm định kỹ lưỡng trước khi cấp phép.
Vì là Di sản thế giới, không phải chỉ riêng Ban quản lý và các cơ quan chức năng khác của Việt Nam quan tâm đến việc gìn giữ bảo tồn, mà các chế định khác, các tổ chức bảo vệ môi trường của thế giới cũng hết sức quan tâm.
Năm 2006, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã phải gửi một báo cáo giải trình tới UNESCO về tác động của nhà máy xi măng Cẩm Phả tới cảnh quan môi trường di sản thế giới này. Ông Nguyễn Công Thái, Phó ban quản lý vịnh Hạ Long khi đó, cho biết nhà máy này nằm ở vùng đệm của di sản. Vì thế, khi nhà máy đi vào hoạt động, về lâu dài cảnh quan môi trường vịnh sẽ bị ảnh hưởng. Các chuyên gia UNESCO khi đó cũng cảnh báo về việc xây dựng hạ tầng cơ sở ven bờ vịnh.
Năm 2013, Hạ Long trải qua cuộc kiểm tra thực địa của chuyên gia Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Cơ quan chuyên môn chuyên rà soát di sản UNESCO này đã đưa 7 khuyến nghị về tình trạng bảo tồn cho vịnh Hạ Long. Hạ Long được đưa vào "danh sách đen" của UNESCO.
Năm 2014, Hội nghị về bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam được tổ chức ở Hà Nội. Thông tin từ hội nghị cho thấy vịnh Hạ Long lúc đó đã rất cố gắng để thoát khỏi "danh sách đen" - danh sách các di sản mà UNESCO khuyến nghị về bảo tồn.
Theo một thống kê của Ban quản lý vịnh Hạ Long, năm 2005 khu vực Hạ Long - Cẩm Phả có 21 dự án lấn biển và 17 dự án đổ bùn thải. Những dự án này nếu làm đúng quy trình và quy định sẽ giúp thành phố Hạ Long giải quyết tốt vấn đề quy hoạch đô thị.
Gần đây nhất, năm 2023, cơ quan chức năng vẫn phát hiện một số cá nhân xây dựng công trình, tổ chức hoạt động du lịch trái phép trên đảo Mắt Rồng - hòn đảo được coi là đẹp nhất của vịnh Hạ Long.
Di sản hiểu theo nghĩa sát nhất đó là những tài sản của thế hệ trước để lại. Vịnh Hạ Long là di sản của thiên nhiên ban tặng và các thế hệ người Việt đã gìn giữ trong cả tiến trình dựng nước và giữ nước, để lại cho con cháu hôm nay. Thế hệ chúng ta hôm nay có trách nhiệm gìn giữ để "bàn giao" cho thế hệ sau.
Tuy nhiên, nguy cơ lớn nhất đối với vịnh Hạ Long vẫn là các dự án kinh tế. Câu chuyện đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế đã được cảnh bảo từ lâu, nhiều lần, song không phải lúc nào cũng được tuân thủ.
Bất cứ một hoạt động xâm hại nào đối với di sản thiên nhiên, đặc biệt là các dự án xây dựng lớn, sẽ gây ra những tổn hại khó có thể khắc phục. Điều đó đồng nghĩa, bất cứ thứ gì chúng ta làm tổn hại hôm nay, các thế hệ sau sẽ vĩnh viễn không bao giờ được thấy lại chứ chưa nói thừa hưởng, gìn giữ.
Trong lịch sử của nhân loại, mỗi thế hệ đều là một trung gian tiếp nhận di sản, gìn giữ, nếu có thể làm cho nó tốt hơn và trao lại cho thế hệ sau.
Hãy cố gắng trao lại cho thế hệ sau những di sản còn nguyên vẹn hơn là những câu chuyện về những di sản đã mất!