pnvnonline@phunuvietnam.vn
Dự kiến dành hơn 46 ngàn tỷ đồng chi tổ chức, hoạt động Bảo hiểm xã hội giai đoạn 2025 - 2027

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu
Tại phiên làm việc chiều 10/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2025-2027.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết: Trong giai đoạn 2022 - 2024, dự toán chi phí quản lý BHXH, BHTN giao hàng năm giảm bình quân 0,14%/năm; chi phí quản lý Bảo hiểm y tế giảm bình quân 0,36%/năm so với mức tối đa theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chi phí quản lý thực hiện giai đoạn 2022-2024 giảm 2.342 tỷ đồng so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao hàng năm.
Các cơ quan BHXH đã hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao về phát triển đối tượng tham gia; chi trả chế độ đầy đủ, kịp thời; sử dụng chi phí quản lý theo quy định, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Trong đó, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã giúp cắt giảm thủ tục hành chính; giảm chi tổ chức hoạt động và chi trả chế độ.
Một số kết quả hoạt động giai đoạn 2022 - 2024:
- Số người tham gia BHXH, BHTN, BHYT tăng bình quân 6,8%/năm, 6,4%/năm và 2,5%/năm.
- Tổng số thu các chế độ tăng bình quân 11,4%/năm.
- Số tiền chậm đóng chế độ giảm dần (từ 6% năm 2016 xuống 2,59% năm 2024).
- Tổng số chi trả các chế độ bình quân tăng 9,5%/năm, chủ yếu do tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp BHXH và tăng số lượt khám chữa bệnh BHYT.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết này nhằm tạo cơ sở pháp lý để Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi tổ chức và hoạt động BHXH, BHTN giai đoạn 2025-2027 cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện các nhiệm vụ chính trị về BHXH, BHTN.
Theo đó, mức chi được xây dựng theo 04 nhiệm vụ chi quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm về: Đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu về BHXH, BHTN; Nâng cao hiệu quả tuyên truyền nhằm đạt mục tiêu phát triển đối tượng tham gia và đối tượng thụ hưởng chế độ; Tăng cường cải cách hành chính; Đẩy mạnh công tác kiểm tra chuyên ngành, kiểm toán, giám sát; Quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn kinh phí chi tổ chức và hoạt động được giao.
Theo dự thảo Nghị quyết, tổng số chi tổ chức và hoạt động BHXH, BHTN, BHYT giai đoạn 2025- 2027 dự kiến là hơn 46.279 tỷ đồng; trong đó số chi tổ chức và hoạt động BHXH, BHTN dự kiến là 30.839 tỷ đồng, tăng 9.358 tỷ đồng so với thực hiện giai đoạn 2022-2024.
Trong đó, các nguyên nhân khách quan là tăng chi phí thực hiện nhiệm vụ chuyên môn do tăng số người tham gia và thụ hưởng chế độ; tăng mức lương cơ sở và điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp từ 01/7/2024; tăng kinh phí chi chế độ nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định số 178/2024/NĐ- CP; tăng kinh phí đầu tư cho ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số.

Toàn cảnh phiên họp
Về mức chi tiền lương, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, theo Nghị quyết số 09, tiền lương của biên chế và người lao động làm việc trong hệ thống BHXH bằng 1,8 lần mức lương cán bộ, công chức, viên chức đến khi cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Theo đó, BHXH Việt Nam thuộc đối tượng hưởng cơ chế lương đặc thù.
Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiền lương đối với biên chế và người lao động làm việc trong hệ thống BHXH áp dụng bằng tiền lương công chức (gồm 01 lần lương và 25% phụ cấp công vụ, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung và các phụ cấp khác) cho đến khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Tổng tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 6/2024 theo Kết luận số 83 và Nghị quyết số 14213.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết: Dự kiến tỷ lệ mức chi tổ chức và hoạt động BHXH, BHTN tại dự thảo Nghị quyết thấp hơn so với quy định tại Nghị quyết số 09 nhưng tăng về số tuyệt đối so với giai đoạn trước (khoảng 9,4 nghìn tỷ), trong đó chi công tác quản lý người tham gia, thụ hưởng BHXH, BHTN, BHYT và thu, chi trả các chế độ tăng 6,6 nghìn tỷ.
Do vậy, cần chú trọng đánh giá hiệu quả việc thực hiện cơ chế chi cho tổ chức và hoạt động, trong đó lưu ý việc chi cho các nghiệp vụ chuyên môn như quản lý thu - chi, phát triển đối tượng tham gia và tổ chức các phương thức thực hiện qua hoạt động dịch vụ. Đồng thời, cần từng bước giảm chi qua bên thứ ba như các đại lý BHXH, bưu điện,... nhằm tăng hiệu quả chi tiêu và giảm chi phí trung gian.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Đắc Vinh, một số nội dung chi còn cao, chưa phù hợp với tình hình thực tế; cụ thể như: Các định mức chi tiêu cụ thể, tỷ lệ chi phí cho chi trả lương hưu, trợ cấp, chi phí thu và chi trả các chế độ BHXH, BHTN cần phải được xem xét, tính toán lại cho phù hợp; Chi chế độ trang phục cho thanh tra, kiểm tra với mức đề xuất bình quân cao hơn so với giai đoạn trước mặc dù theo quy định hiện hành thì ngành BHXH sẽ không thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; Nội dung chi phí chuyển tiền trả cho kho bạc nhà nước, ngân hàng thương mại được đề xuất tăng, nhưng thực tế nhiều ngân hàng thương mại thực hiện chính sách không thu phí chuyển tiền...
Do đó, đề nghị rà soát dự toán chi tổ chức và hoạt động BHXH, BHTN giai đoạn 2025 - 2027, bảo đảm đúng quy định, sát thực tế và tránh trùng lắp khi BHXH Việt Nam là một đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính.