Bà Thoa nhận xét: “Khi Quốc hội ban hành Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục tách biệt nhau thì việc quản lý một số trường cao đẳng, trung cấp cũng có sự tách biệt, một bộ phận thuộc về đào tạo nghề do Bộ LĐ-TB&XH quản lý, còn bộ phận đào tạo sư phạm thì do Bộ GD&ĐT quản lý. Đúng lý ra, ngay sau khi đã phân cấp quản lý như vậy thì quy định số 42 cũng cần phải đưa ra xem xét và sửa đổi sao cho phù hợp”.
Về vấn đề ai sẽ chịu trách nhiệm khi ban hành sự thảo không phù hợp với thực tế và “chênh” với pháp lệnh về phòng chống mại dâm (ban hành năm 2003), bà Nguyễn Thị Kim Thoa cho rằng đây thuộc về cơ quan tham mưu của Bộ GD&ĐT.
“Thực tế thì bây giờ truy tận cùng là ai phải đứng ra chịu trách nhiệm về dự thảo này rất là khó, bởi không thể quy trách nhiệm được. Nhưng rõ ràng ở đây cho thấy sự yếu kém của cơ quan tham mưu của Bộ GD&ĐT”, bà Thoa nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo bà Thoa, giải pháp để giải quyết vấn đề hiện nay không nên là “quy trách nhiệm” và “tìm cách đổ lỗi cho nhau” mà là nên tìm ra hướng giải quyết, tháo gỡ vấn đề.
Bà Thoa nhìn nhận: “Tôi cho rằng ở đây không phải là vấn đề chúng ta tìm lỗi để kết tội nhau mà vấn đề bây giờ mới khắc phục làm sao cho nó hợp lý. Bởi Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận là có sơ suất và đã rút dự thảo xuống để sửa chữa lại, dự thảo cũng chưa ban hành.
Về dự thảo nói trên, rõ ràng là cấp dưới phải trình lên để thủ trưởng đơn vị xem xét và ký duyệt, mà thủ trưởng đơn vị ở đây sẽ là cấp Thứ trưởng. Sau khi Thứ trưởng xem xét, phê duyệt rồi bộ phận phụ trách cổng thông tin mới đẩy nội dung dự thảo lên. Do đó, quy trách nhiệm cho một ai đó cũng khó nói”.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cho rằng, trên thực tế, những văn bản ở dạng dự thảo hoặc đã được ban hành không phù hợp, thậm chí vi hiến không phải là hiếm và cũng không chỉ riêng ở Việt Nam. Tuy nhiên, ở một số nước, họ có cơ quan bảo vệ hiến pháp đứng ra chịu trách nhiệm thẩm quyệt các văn bản này.
Bà Thoa cho biết: “Hiến pháp như đạo luật cơ bản, đạo luật tối cao của mỗi quốc gia đòi hỏi sự bảo vệ đặc biệt về mặt pháp lý nhằm bảo đảm sự tuân thủ Hiến pháp, ngăn ngừa sự vi phạm hiến pháp của công dân và tổ chức cũng như của các cơ quan quyền lực nhà nước. Trên nguyên tắc, bảo vệ hiến pháp là nhiệm vụ và trách nhiệm của tất cả các cơ quan quyền lực nhà nước và các quan chức có liên quan, được thực hiện thông qua việc áp dụng những phương tiện pháp lý khác nhau trong khuôn khổ thẩm quyền của mình”.
Bà Thoa dẫn chứng: “Lấy ví dụ là Pháp, vốn được cho là quốc gia có hệ thống luật pháp khá chặt chẽ, trên thực tế tôi được biết là có nhiều văn bản vi hiến. Nhưng vì họ có ủy ban bảo hiến nên những văn bản trái hiến pháp đều bị loại bỏ. Có lần tôi hỏi người Pháp là những văn bản vi hiến như thế loại bỏ bằng cách nào, đồng nghiệp người Pháp trả lời rằng nếu đã là văn bản vi hiến rồi công dân không có trách nhiệm phải thực hiện, nghĩa là văn bản đó sẽ coi như không có nữa”.
Trước đó, như Báo PNVN đã phản ánh, trong dự thảo lấy ý kiến về việc Ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp hệ chính quy của Bộ GD&ĐT, tại phụ lục có nêu nếu sinh viên ngành đào tạo giáo viên hoạt động mại dâm lần đầu sẽ bị khiển trách; lần 2 bị cảnh cáo; lần 3 đình chỉ học có thời hạn và lần 4 sẽ buộc thôi học. Dự thảo đang trong thời hạn lấy ý kiến góp ý đến ngày 26/11.
Sáng cùng ngày, trả lời PV Báo PNVN, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, thừa nhận đây là do “sơ suất” của Bộ khi trình dự thảo. Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết hiện nay nội dung bản dự thảo đã được Bộ này rút xuống và sẽ sửa đổi các quy định trong dự thảo sao cho phù hợp.
“Trong quá trình cập nhật các phiên bản dự thảo để đưa lên cổng thông tin điện tử xin ý kiến rộng rãi của nhân dân, ban soạn thảo đã sơ suất, chưa cập nhật dự thảo phụ lục quy định khung xử lý kỷ luật đối với một số hành vi vi phạm của HSSV bản dự thảo sao cho phù hợp. Phần nội dung quy chế kỷ luật liên quan đến hành vi vi phạm hoạt động mại dâm của HSSV sẽ được chỉnh sửa”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho hay.