pnvnonline@phunuvietnam.vn
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi): 2 phương án quy định về rút bảo hiểm xã hội một lần
Thực hiện thủ tục liên quan tới BHXH. Ảnh minh họa
Chiều 16/3, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức họp báo thông tin Dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi).
Ông Nguyễn Duy Cường, Phó vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết: Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) gồm 9 Chương và 133 Điều (nhiều hơn 8 Điều so với Luật hiện hành); tập trung vào 05 nhóm chính sách lớn, trong đó có 10 nội dung chính được sửa đổi nhằm mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia BHXH, cụ thể: Bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội bên cạnh tầng BHXH cơ bản (BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện); Bổ sung đối tượng tham gia và hưởng chế độ BHXH; Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; Quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc…
Trong đó, riêng quy định về hưởng BHXH 1 lần, dự thảo Luật nghiên cứu bổ sung quy định theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần như: Giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm (không áp dụng đối với người hưởng BHXH một lần);
Người lao động khi hết tuổi mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ có thêm sự lựa chọn: Nếu không nhận BHXH một lần thì được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; Được ngân sách nhà nước mua bảo hiểm y tế; Người lao động được hưởng các quyền lợi về ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp.
Theo đó, tại Điều 77, Ban soạn thảo đưa ra 2 phương án để tiếp tục xin ý kiến, cụ thể:
Phương án 1, giữ nguyên quy định hiện hành của Luật và Nghị quyết 93/2015/QH13: "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm".
Phương án 2, "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quả 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu".
Ông Nguyễn Duy Cường khẳng định: Dù phương án nào thì mục tiêu cuối cùng cũng là khuyến khích người lao động ở lại hệ thống BHXH để được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi đến tuổi nghỉ hưu, tránh những thiệt hại bất lợi khi hưởng BHXH 1 lần.
Lý giải thêm nguyên nhân người lao động rút BHXH 1 lần, ông Nguyễn Duy Cường cho biết, qua khảo sát, phần lớn lao động phải rút BHXH một lần bởi khó khăn tài chính trước mắt, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh tác động; thu nhập thực tế bị giảm sút.
Để khắc phục tình trạng này, theo đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cần có giải pháp đồng bộ, nhiều chính sách khác nhau. Đầu tiên, cần có chính sách hiệu quả với những lao động bị mất việc, bị sa thải, giúp họ nhanh chóng quay lại thị trường lao động. Người lao động có thu nhập thì họ mới không tính tới rút BHXH 1 lần.
Bên cạnh đó, cần các chính sách hỗ trợ về tài chính như chính sách hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ tiền mặt lúc khó khăn, tiền thuê nhà… Các chính sách về tài chính cần có sự nghiên cứu, đề xuất từ nhiều ngành liên quan để có chính sách đồng bộ hơn hỗ trợ người lao động.