Trẻ phải gánh áp lực thành tích của nhà trường, gia đình. Ảnh minh họa internet. |
Nói chuyện với Nguyễn Văn Hải, cậu bé hàng xóm mới đi du học về, chị Phương có nhiều suy ngẫm. Hải cho biết, cậu thấy ngạc nhiên và phi lý khi em gái bị cô giáo mắng vì làm sai bài. Theo cậu, cô chỉ nên mắng khi học sinh không làm bài. Bởi nhiệm vụ của cô giáo là phải dạy cho học sinh hiểu bài để lần sau không làm sai nữa.
Hải cũng phản đối việc cha mẹ so sánh điểm của con với các bạn trong lớp. Bởi, mỗi người có một thế mạnh, khả năng riêng. Điều quan trọng hơn điểm số là mình hôm nay khác gì, có tốt hơn, tiến bộ hơn ngày hôm qua không.
Chị Phương chua xót cho rằng, ở Việt Nam, trò học mà chưa hiểu thì chắc chắn chỉ do trò dốt chứ không phải do giáo viên không biết cách dạy. Chị mong các giáo viên biết kiên nhẫn, lắng nghe, khích lệ và khen ngợi học trò, chứ không phải tự cho mình quyền áp đặt quan điểm, suy nghĩ của mình lên học trò.
Dạy trẻ cách tư duy sẽ giảm bớt gánh nặng học tập cho trẻ |
Chị cũng ước, nền giáo dục nước nhà đừng đánh cắp tuổi thơ của trẻ em. Thay vì được vui chơi, hồn nhiên đúng lứa tuổi, hàng ngày trẻ phải vật vã với rất nhiều bài tập và cả “mớ” lý thuyết mà sau này không biết dùng để làm gì. Chưa vào lớp 1, trẻ đã “buộc” phải biết làm tính và đọc thông viết thạo. Hôm nào đi học về, trẻ cũng được phát 1 tờ A4 kín chữ, với lời dặn: “Đề nghị phụ huynh kèm con đọc trơn tru từ 5 đến 7 lần”.
Học sinh bị ám ảnh bởi phải học thuộc lòng từ những khái niệm trong môn Giáo dục công dân cho đến những bài học về món Canh cua và Thịt kho tàu (trong môn Công nghệ lớp 6). Ngoài gánh nặng bài vở (một tiết Sử 45 phút, học sinh phải thuộc 5 cuộc khởi nghĩa, 2 cuộc chính, 3 cuộc phụ), trẻ còn phải oằn mình gánh sự kì vọng, ưa thành tích của nhà trường, của cha mẹ.
Có lần, nhìn con vật vã với đống bài vở môn Lịch sử, chị tư vấn con học theo sơ đồ tư duy vừa nhanh vừa dễ nhớ. Thế nhưng, con nói, chỉ học thuộc lòng đúng như sách giáo khoa mới được điểm cao. Nhìn con học vẹt, không hiểu bản chất vấn đề, chị cảm thấy không ổn. Chị mong, giáo viên dạy trẻ cách tư duy để không chỉ giảm bớt gánh nặng học tập cho trẻ mà để những kiến thức ấy trở thành tài sản để học sinh mang theo suốt cuộc đời.