Tình trạng làm văn theo mẫu tồn tại đã lâu trong nhà trường. |
Mới đây, chị Võ Kiều Trang (Thành Công, Hà Nội) rất bức xúc khi bài văn lớp 2 của con bị cô phê: Phụ huynh chưa quan tâm việc học của con ở nhà, bài làm chưa xong.
Đề bài cô yêu cầu tả về một loài chim và bài làm của con là: "Trong thế giới loài chim, em thích nhất là chim bồ câu. Nó có bộ lông màu trắng tinh, hai mắt tròn xoe như hai hòn nhãn tiêu. Ban ngày, bồ câu đi kiếm ăn. Nó thường thường ăn hạt đậu, hạt thóc. Buổi tối, bồ câu bay về làm tổ trên những thân cây. Bồ câu còn là một chú chim biết đưa thư nên ai ai cũng yêu quý nó. Em coi nó như người bạn thân nhất của em".
Đoạn con chị viết: "Ban ngày, bồ câu đi kiếm ăn. Nó thường thường ăn hạt đậu, hạt thóc. Buổi tối, bồ câu bay về làm tổ trên những thân cây" đã bị cô giáo gạch đi với lý do: "Đây là kể về bồ câu nói chung".
Chị Kiều Trang rất buồn với cách dạy văn của các cô giáo hiện nay, chẳng khác gì đang thẳng tay giết chết tư duy sáng tạo của trẻ.
Đồng quan điểm, chị Phạm Mỹ Linh (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Con tôi làm văn rất ngây thơ, chân thật, đúng như cách con nhìn cuộc sống, thế nhưng cô giáo đều gạch đi và gợi ý theo cách của cô. Tả về ngày hội nào đó thì nhất thiết phải có đi cà kheo. Tả về người thân thì phải có những câu vô cùng chuẩn mực. Bắt trẻ con làm văn một kiểu như vậy, chẳng khác gì giết chết cảm xúc của chúng. Qua bài văn mẫu, người thân mà trẻ biết không còn là người trẻ sống cùng nữa.
Với cách dạy văn thiếu cảm xúc này, chị Lê Thanh Hương (Phương Mai, Hà Nội) trăn trở: Nếu tiếp tục duy trì cách dạy văn kiểu dập khuôn thế này, chẳng khác gì đào tạo ra một thế hệ “người máy” với quan điểm, cách nhìn theo một hướng và nguy hiểm hơn là những bài văn không cảm xúc sẽ khiến trẻ trở nên dần vô cảm với những sự việc diễn ra quanh mình.