pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đừng để “búp trên cành” sớm phải hứng chịu “chất độc”
1. Tôi tiếp cận với sự việc đau lòng này vào chiều tối, khi tình cờ coi được clip của các đồng nghiệp ghi lại thông qua camera có âm thanh, được gắn trên trần nhà. Camera đã cho thấy trung thực những hình ảnh và lời nói thể hiện sự bạo hành kinh hoàng của người phụ nữ tên Phan Trần Linh Thu (sinh năm 1968) đứng lớp tại địa chỉ: số nhà 86C, đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Tấn Tài, TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
Bà Linh Thu đã liên tiếp dùng lời lẽ xúc phạm, miệt thị và đánh đập các cháu bé theo học thêm tại đây. Không chỉ chửi bới, xưng "mày - tao", bà này còn dùng tay tát thẳng vào mặt, vào người, dùng thước đánh khắp cơ thể các cháu học sinh. Ở hình ảnh rất rõ ràng cho thấy, bà Thu giật tóc, dúi đầu các cháu xuống. Các bé học sinh khóc mếu, hoảng sợ trước đòn roi của "cô giáo". Nhiều bé bị tát, bị đánh hoàn toàn không rõ lý do. Ở khoảnh khắc khác, bà Thu còn vừa ngồi rung đùi ăn cơm, vừa dạy học.
Nhiều người khi xem clip đã bình luận rằng: Vì sao phụ huynh lại thờ ơ không biết tới việc các con bị bạo hành trong thời gian dài như vậy? Vì sao con trẻ bị đánh đập dã man đến thế mà không về nhà méc tội cô giáo sớm hơn?
Là người mẹ của đứa con gái vừa trải qua bậc tiểu học, tôi cũng đã có những trải nghiệm không vui về việc này. Từ đó lý giải được chút ít về tâm lý của cả phụ huynh và học sinh ở trong trường hợp tương tự.
Con gái tôi hồi còn học lớp 3, cháu có ác cảm với môn Toán một cách rõ ràng. Con học yếu môn Toán so với các môn khác, khiến cô giáo chủ nhiệm luôn gọi phụ huynh để than phiền. Tôi trao đổi, vậy thì cứ mỗi cuối giờ học, cháu sẽ ở lại lớp chừng 45 phút để cô phụ đạo thêm và tôi sẽ trả học phí cho việc này. Hết học kỳ 1, cô giáo thông báo mọi việc không khả quan, đề nghị gia đình chuyển cháu sang trường quốc tế để việc học hành có thể được nhẹ nhàng hơn. Khi nghe tới việc chuyển trường, con gái tôi mừng rỡ, vui vẻ tiếp nhận. Con chỉ mong mau chóng được sang môi trường mới, dù phải chia tay rất nhiều bạn trong lớp đã gắn bó từ những ngày đi học.
Ở trường mới, con học hành tiến bộ, tinh thần vui tươi, rất thích đến lớp. Ngày nào đón con, tôi cũng hỏi con đi học có vui không, con đều trả lời trong sự hào hứng. Điểm Toán thi cuối kỳ của con đạt 9,5 và cô giáo hoàn toàn hài lòng. Trong một lần trò chuyện, tôi động viên con cố gắng học hành để không phải quay về trường cũ. Đột nhiên con òa khóc nức nở. Con kể rất sợ phải quay về trường xưa vì thường xuyên bị cô giáo chủ nhiệm lớp 3 đánh rất đau vào tay. "Con làm rớt viết xuống dưới đất cô cũng đánh, con làm bài sai, cô đánh còn đau hơn nhiều", lời con gái nói đứt quãng trong tiếng khóc tiếng tôi chết lặng. Hỏi vì sao con không về nhà nói chuyện với mẹ, con trả lời: "Rồi mẹ sẽ đi nói chuyện với cô, cô giáo ghét con thêm nữa thì sao?!".
2. Tôi cho rằng những đứa trẻ trong lớp bà Linh Thu kia, các con cũng mang tâm lý giống con gái mình. Các con bị đánh, bị đe nẹt và bạo hành không chỉ về thể xác, mà tinh thần cũng bị chà đạp không thương tiếc. Vì bị khống chế về mặt tinh thần rồi, nỗi sợ hãi thể hiện qua những tiếng khóc của các con trong clip, nên các con không dám méc với ba mẹ mình. Sự non nớt trong lý trí của tụi nhỏ đã ngăn không cho con nói lên sự thật. Và các con chỉ có thể kể ra câu chuyện vào sự tình cờ nào đó.
Đến thời điểm này, cơ sở dạy học không phép của bà Trần Thị Linh Thu đã bị đóng cửa. Người đàn bà đó không phải là giáo viên làm việc trong bất cứ trường học nào tại địa phương. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Thuận đã vào cuộc để sớm hoàn tất hồ sơ. Với chứng cớ rõ ràng, chúng tôi tin rằng vụ việc này sẽ bị khởi tố sớm nhất trong đầu năm nay.
Tuy nhiên, có lẽ vẫn còn rất nhiều vụ việc bạo hành trẻ em diễn ra chưa bị phát giác trên nhiều địa phương trong cả nước. Những "búp trên cành" đã sớm phải chịu nhiều "chất độc" làm tổn hại tinh thần và thể xác. Truyền thông vài năm nay đã chú trọng nhiều hơn tới đề tài xâm hại và bạo hành trẻ em, khi vấn nạn này càng ngày càng diễn ra dày đặc và không hề có dấu hiệu dừng lại.
Người lớn đã trưởng thành về mặt tư duy và nhận thức nhưng vì sao họ lại đang nhiên thực hiện cái ác với con trẻ - đối tượng còn quá non nớt về cả thể chất lẫn tinh thần? Chỉ có thể giải thích bằng việc "cái ác đang bị bình thường hóa trong đời sống sinh hoạt hàng ngày". Vẫn có nhiều người còn chấp nhận cách giáo dục "yêu cho roi cho vọt". Vẫn còn có ý kiến phản biện rằng, ngày xưa cũng bị thầy cô đánh dữ dội như vậy mà giờ vẫn "nên người". Đó là những tư duy thể hiện rõ nhất của sự ác độc và thiếu văn minh. Chừng nào những suy nghĩ này còn tồn tại thì con trẻ còn phải đối mặt với cách giáo dục mà phi giáo dục, cách yêu thương mà hoàn toàn không hề đến từ sự yêu thương của những người mang danh "người lớn".
Chúng ta hãy yêu trẻ bằng lương tri của con người chứ không phải bằng tâm hồn của quỷ dữ. Các cơ quan bảo vệ pháp luật, các tổ chức bảo vệ quyền trẻ em cần nghiêm khắc và lên tiếng nhanh chóng với các vụ việc bạo hành trẻ em.