Cha mẹ đừng để con nghĩ mình kém cỏi, như đồ bỏ đi, bất bình thường

Gia Linh
08/04/2021 - 14:31
Cha mẹ đừng để con nghĩ mình kém cỏi, như đồ bỏ đi, bất bình thường

Ảnh minh họa

Với cách dạy con của nhiều cha mẹ hiện nay, có khi trẻ sẽ mặc định mình là "không bình thường", "kém cỏi", "đồ bỏ đi" dù chúng hoàn toàn bình thường về mặt thể chất, trí tuệ và đã trưởng thành, đủ khả năng tổ chức cuộc sống độc lập.

Theo chuyên gia tư vấn quốc tế, TS Cherry Vũ (New Zealand), đây chính là hiện tượng bất lực có điều kiện ở trẻ.

Dù 27 tuổi nhưng T. vẫn nhận mình chỉ là một đứa trẻ chưa lớn. T. luôn nằm trong "vòng kiểm soát" của bố mẹ thương vì họ mặc định con mình vẫn rất khờ dại. Trong mắt nhiều người, cuộc sống của cô toàn màu hồng. Thế nhưng, T. cho biết, cô bị rơi vào trạng thái stress trầm trọng bởi cô luôn có cảm giác bị tra tấn về mặt tinh thần.

T. cho biết, từ bé đến lớn, cô chưa bao giờ được nói lên suy nghĩ của mình, nếu có nói cũng không ai thèm nghe. "Bố mẹ và mọi người trong nhà luôn nói đầu óc em không được bình thường. Việc mọi người nói thường xuyên điều đó làm em thấy hình như mình không được bình thường thật. Lớn lên, khi em tự ý chọn thi vào một trường đại học không theo ý bố mẹ với dự tính theo đuổi nghề mình yêu thích chứ không phải nghề bố mẹ kỳ vọng. Thế nhưng ra trường em thất nghiệp... và trở thành đứa bất tài vô dụng. Em bị bố mẹ suốt ngày mang ra chuyện đó ra để nói", T trải lòng.

Đừng để con rơi vào cảnh “bất lực có điều kiện” - Ảnh 1.

Với cách dạy con của nhiều cha mẹ hiện nay, nhiều đứa trẻ mặc định mình là "không bình thường", "kém cỏi", "đồ bỏ đi". Ảnh minh hoạ

Trong mắt T., những người bạn mình mới hạnh phúc. Họ dù vất vả nhưng chưa bao giờ bị bố mẹ ép thế này, ép phải thế kia... Trong khi đó, T. thường xuyên bị bố mẹ sỉ vả với những ngôn từ xấu xa. Với T., sự tra tấn về tinh thần ấy khiến cô thấy mình ngày càng giống con ốc sên, thu mình lại trong cái vỏ, ẩn mình ở những nơi tối tăm...

Nhiều lần, T. muốn nói chuyện nghiêm túc với bố nhưng lần nào cũng bị gạt phắt đi và bị bố giáo huấn. Đến giờ, dù ở tuổi 27 nhưng T. thấy mình bất lực thực sự, không có sức hay động lực để bật lên, lúc nào T. cũng cảm thấy mình sinh ra là 1 sai lầm của cha mẹ.

TS Cherry Vũ cho biết, trường hợp của T. chính là bị bất lực có điều kiện. Theo nghiên cứu, sự bất lực có điều kiện được định nghĩa là khi một người hoặc động vật tin rằng mình bất lực trong một tình huống, ngay cả khi điều đó không đúng sự thật. Ví dụ: Một con chó bị nhốt trong chuồng, cứ mỗi lần nó cố gắng tìm cách thoát ra chủ của nó lại trừng phạt bằng cách đánh đập. Cứ như vậy sau một thời gian, người chủ mở cửa chuồng, chú chó tội nghiệp đó sẽ vẫn ngồi yên, không ngay lập tức vui mừng nhảy ra ngoài. Nó đã quá quen với tình trạng bị trừng phạt.

Qua các nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này thì thấy rằng loại bất lực có điều kiện này cũng đúng với con người. Chẳng hạn, một người liên tục thất bại khi học lái xe, họ sẽ tin rằng họ không có khả năng lái xe và không cố gắng học nữa. Trong gia đình, những người bị bạo hành cũng thường rơi vào tình trạng bất lực có điều kiện. Mỗi khi có hành vi phản kháng họ lại bị đánh đập hoặc mắng chửi... càng ngày họ càng bất lực và không có cách nào thoát ra khỏi tình huống đó.

TS Cherry Vũ cho biết, trong môi trường làm việc cũng vậy, nếu ai đó có sáng kiến cải tiến một việc gì đó, khi đề xuất với người quản lý và được đồng ý cho thực hiện. Khi cải tiến ấy thất bại hoặc có kết quả không như ý, người đó bị quản lý trách mắng và trừng phạt. Người này sẽ rơi vào tình trạng bất lực có điều kiện và sẽ không cố gắng thử cải tiến nữa. Chính vì vậy, theo TS Cherry Vũ, "đừng để bất kỳ ai, con bạn, vợ/chồng bạn, nhân viên của bạn rơi vào tình trạng tâm lý này. Họ có thể từ bỏ việc muốn tạo ra thay đổi tích cực trong cuộc sống. Nếu bạn đã ở trong tình trạng này, bạn cần phải tìm cách thoát ra, không thể bị mắc kẹt trong khung tâm lý này".


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm