pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đừng để thị trường bất động sản "mất bò rồi mà vẫn không dám lo làm lại chuồng"
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang - đặt câu hỏi: "Vậy có những công cụ, biện pháp toàn diện, mạnh mẽ nào để quản lý, kiểm soát có hiệu quả hơn nguồn vốn cho vay kinh doanh bất động sản?"
Tại phiên trả lời chất vấn chiều nay (8/6), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã nhận được nhiều câu hỏi của đại biểu Quốc hội liên quan đến quản lý tín dụng đối với thị trường bất động sản.
Có hay không việc siết tín dụng bất động sản?
Đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau - cho rằng, siết chặt tín dụng đối với bất động sản có thể dẫn đến hệ lụy như thị trường sẽ đình trệ, người nghèo, nhất là người nghèo ở đô thị, khó có thể mua được nhà giá rẻ hơn như mong muốn. Mục đích quản lý của Nhà nước là chống đầu cơ, chống bong bóng bất động sản nhưng trên thực tế, vẫn có nhiều doanh nghiệp bất động sản làm ăn nghiêm túc, đúng pháp luật.
Đại biểu này đề nghị Thống đốc chỉ rõ các giải pháp về chính sách tiền tệ để bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh?
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang - cho biết, thị trường bất động sản đã, đang và được dự báo sẽ tiếp tục biến động, tình trạng sốt ảo bất động sản, bong bóng giá nhà đất, làm lũng đoạn thị trường. Vậy có những công cụ, biện pháp toàn diện, mạnh mẽ nào để quản lý, kiểm soát có hiệu quả hơn nguồn vốn cho vay kinh doanh bất động sản?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thanh Vân về tín dụng bất động sản, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, thị trường bao gồm nhiều chủ thể, gồm nhiều kênh. Quan tâm của ngân hàng là rủi ro, mất vốn, rủi ro tín dụng và quan trọng hơn là rủi ro thanh khoản do tính chất của khoản vay bất động sản là dài hạn, vốn lớn, trong khi khoản tiền gửi là ngắn hạn.
"Ngân hàng Nhà nước có áp lực trong kiểm soát rủi ro như vậy, việc cho vay là của ngân hàng và khách hàng nhưng phải đảm bảo an toàn hệ thống", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Về thị trường bất động sản tăng giá, thổi giá, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay đã có quy định chỉ đạo ngân hàng thương mại khi cho vay phải đánh giá tài sản đảm bảo. Tổ chức tín dụng cho vay có tài sản đảm bảo ở những địa bàn mà giá bất động sản bong bóng cao thì phải cẩn trọng kiểm soát rủi ro.
Về nhu cầu mua nhà để ở và sửa chữa, theo Thống đốc, có 2,2 triệu tỉ đồng dư nợ bất động sản, thì 65% cho nhu cầu ở và sửa chữa nhà, phục vụ tiêu dùng. Với nhu cầu mua nhà với người thu thập thấp, cũng có chính sách và hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% đã triển khai cho vay cho đối tượng như mua nhà ở xã hội…
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, về thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, các cơ quan điều hành đều nói không siết nhưng thực tế mấy tháng nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp rất èo uột, nhiều nhà đầu tư có tiềm lực muốn huy động vốn khó khăn.
Thị trường bất động sản cũng phải giám sát từ xa, đừng "mất bò mới lo làm chuồng" thì rất dở, nhưng nếu "mất bò rồi mà vẫn không dám lo làm lại chuồng" thì còn dở hơn - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Giá bất động sản còn ở mức cao so với thu nhập của người dân
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, thị trường bất động sản đang bộc lộ rất hạn chế, bất ổn, chưa lành mạnh, tiêu biểu như: hệ thống pháp luật chưa thực sự hoàn thiện, khó khăn về nguồn cung bất động sản, cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa phù hợp, giá bất động sản liên tục tăng cao hơn so với thu nhập của người dân, các sàn giao dịch bất động sản hoạt động thiếu ổn định, hoạt động môi giới thiếu kiểm soát, quy hoạch còn nhiều bất cập ở các địa phương…
Trước tình hình này, Bộ Xây dựng đề xuất khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản, đồng thời tăng cường quản lý thị trường bất động sản, tăng nguồn thu, nhất là tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, công nhân khu công nghiệp phân khúc thu nhập thấp.
Thứ hai, theo dõi sát tình hình diễn biến thị trường bất động sản để kịp thời có biện pháp ổn định giá; kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục đầu tư đất đai, quy hoạch xây dựng; bổ sung quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất; kiểm soát chặt chẽ được phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu riêng lẻ.
Thứ ba, công khai hệ thống thông tin về nhà ở cho thị trường bất động sản; xử lý hành vi thông tin không chính xác, gây nhiễu loạn.