“Đừng đổ lỗi cho tà áo dài”

29/10/2015 - 16:34
Nổi tiếng với vai trò nhà thiết kế áo dài, chuyên viên trang điểm và xây dựng hình ảnh cho những nhân vật nổi tiếng, giờ đây nhà thiết kế Việt Hùng đang thử sức ở một “sân chơi” mới: Câu lạc bộ “Đẹp hơn mỗi ngày”.

Nhà thiết kế Việt Hùng nổi tiếng với vai trò nhà thiết kế áo dài, chuyên viên trang điểm và xây dựng hình ảnh cho nhiều người đẹp. 

Anh chia sẻ: “Mỗi tháng, Hùng tổ chức 4 lớp học, 1 lớp dành cho nam và 3 lớp dành cho nữ. Hiện tại có 3 kỹ năng đang được giảng dạy là: Sức mạnh trang phục, Nghệ thuật trang điểm cá nhân và Chăm sóc con người. Bạn nên hiểu “kỹ năng mềm” bao gồm tất cả những hành động nhỏ như chải tóc, đánh răng… Bạn đừng tưởng những người trưởng thành chúng ta ai cũng đều thực hành đúng việc này”. 

“Mát tay” trong việc xây dựng hình ảnh cho người nổi tiếng nhưng hình như bản thân anh lại ăn mặc khá xề xòa?

Tôi tâm đắc 1 câu nói, là kim chỉ nam cho định hướng cá nhân: “Đỉnh cao của cái đẹp là sự giản dị”, tôi muốn đi vào lòng công chúng bằng hành động cụ thể, bằng phong thái giản dị, nhẹ nhàng và chân thật nhất chứ không phải những lời nói sáo rỗng. Khi sân khấu chưa hoạt động thì tôi leo lên điều hành, nhưng lúc sân khấu sáng đèn thì Việt Hùng không có mặt. Trang phục yêu thích của tôi trước công chúng có khi chỉ là áo sơmi, quần tây, Hùng thật sự không thoải mái với những trang phục quá trịnh trọng như áo vest, thắt caravat.

Có tham lam không khi anh “ôm” thêm cả nghệ thuật thứ 7?

Xưa nay Hùng vẫn được giới showbiz biết đến trong vai trò là nhà thiết kế thời trang kiêm make up, rồi thì duyên phận đẩy đưa người ta mang đến cho Hùng những vai trò “khó nhằn” trong điện ảnh như cố vấn về trang phục cho phim cổ trang, cố vấn lời thoại… Bởi rất đam mê nghệ thuật nên tôi đều sẵn lòng đón nhận.

Để tạo dựng được hình ảnh đáng nhớ, chúng ta phải thường xuyên tập luyện, phải đầu tư cho nó từ năm này sang năm khác, tháng này qua tháng khác thì mới hy vọng tạo dựng được một thứ gọi là cốt cách, mới hình thành được hình ảnh của mình, tạo dựng thần thái không phải ngày một ngày hai mà có được đó là cả một quá trình. Nhiều người đẹp Việt Nam đi thi mà chưa hiểu rõ được văn hóa Việt, chưa gầy dựng được phong cách Việt, các người đẹp chỉ được đào tạo một cách gấp rút kiểu “mỳ ăn liền” mang tính đối phó. Có nhiều người đẹp tới nói với tôi rằng: “Anh Hùng mát tay lắm, anh đã giúp nhiều người xây dựng hình ảnh thành công, anh hãy giúp em nhé, nguyện vọng của em là xây dựng hình ảnh Tây Tây một chút”. Câu nói đó giống như tạt cho Hùng một ca nước lạnh vào mặt, tuy nhiên Hùng vẫn ôn tồn giải thích cho bạn ấy hiểu: “Tại sao người ta lại chế ra món giả cầy mà không gọi là thịt heo kho? Cho dù người đầu bếp đã dùng đủ mọi gia vị của món thịt cày để chế biến thì món đó vẫn chỉ là món giả cầy chứ không thể là món thịt cầy chính hiệu được. Khi bạn ra đấu trường quốc tế thì cốt cách của bạn phải là Việt Nam, sao bạn lại muốn phủ lên mình một lớp sơn giả tạo? Bạn có nghĩ là đồ giả sẽ thắng đồ thật được không? Câu trả lời của Hùng là: Người đẹp Việt cần được đào tạo bài bản và lâu dài hơn để thể hiện trước giám khảo quốc tế một cách thuyết phục chứ đừng đổ lỗi cho tà áo dài”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm