pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đừng khiến con ảo tưởng về bản thân
Ảnh minh họa
Cậu con trai lớp 5 đạt nhiều giải thưởng về môn Toán khiến chị Hoàng Thùy Anh (Trung Tự, Hà Nội) lúc nào cũng coi con như "thần đồng". Chị thường xuyên dành những lời khen "trên trời" cho con: Con trai mẹ siêu thông minh. Ai cũng ghen tị với mẹ vì có con quá giỏi. Sau này, con sẽ khiến mọi người rất ngưỡng mộ vì tài năng của mình…
Nhiều phụ huynh thường xuyên khen ngợi trẻ quá mức về trí thông minh, về sự tài giỏi và ngoại hình xinh đẹp của trẻ. Họ cho rằng việc khen ngợi con mình như vậy là hoàn toàn tốt. Tuy nhiên, theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Psychology Today, việc khen trẻ theo kiểu này có thể gây ra những hậu quả tiêu cực, chứ không giúp trẻ cảm thấy tự tin hơn.
Khen ngợi con quá mức không phải là việc tốt vì nó sẽ khiến trẻ sinh ra ảo tưởng về bản thân. Nếu coi từng chút thành tích và nỗ lực của con là chồi non thì khen ngợi chính là chất dinh dưỡng giúp cho chồi non lớn lên khỏe mạnh. Trong quá trình trưởng thành, trẻ rất cần sự động viên, khích lệ không ngừng từ cha mẹ. Những lời khen ngợi nhiệt tình của cha mẹ có thể giúp con tiếp thu được nhiều kỹ năng hơn, nâng cao chỉ số thông minh, chỉ số cảm xúc, cũng như vun đắp sự tự tin. Hơn nữa, sự hưng phấn khi được khen ngợi là động lực thúc đẩy trẻ hăng hái làm việc và đạt được hiệu quả tốt hơn.
Tuy nhiên, các cha mẹ không nên coi đó là việc đơn giản. Phê bình và khen ngợi đều phải có nghệ thuật. Một lời khen mang lại hiệu quả tích cực cần đáp ứng những tiêu chuẩn sau:
Khen ngợi đúng mức những điểm tốt của con: Lời khen đúng mức là nguồn "dinh dưỡng" giúp trẻ trưởng thành. Dành lời khen tặng con là bài tập hằng ngày bắt buộc cha mẹ phải làm, đó là nhu cầu không thể thiếu đối với con trẻ. Cho dù con làm sai hoặc thất bại, cha mẹ vẫn cần tìm ra được điểm sáng của vấn đề, tiếp thêm cho con sự tự tin và dũng khí để con có thể đứng dậy. Cha mẹ biết động viên, con cái mới có động lực bước tiếp lên phía trước.
Không phải khen ngợi càng nhiều càng tốt: Một số cha mẹ đang hiểu nhầm về phương pháp "giáo dục thông qua khen ngợi", khi nghĩ rằng khen ngợi tỷ lệ thuận với sự tiến bộ của con trẻ. Khen ngợi quá nhiều tạo cho trẻ tâm lý phụ thuộc vào lời khen, phản ứng thái quá với những lời phê bình. Hào phóng lời khen còn dễ khiến trẻ ngộ nhận rằng những lời nói, hành động của mình sẽ làm bố mẹ vui lòng, dần dần hình thành lối suy nghĩ làm việc để được bố mẹ khen, chứ không phải vì sở thích của bản thân.
Khen ngợi nhằm mục đích "không khen ngợi": Không phải mọi sự biểu dương và khen ngợi đều là liều thuốc tốt, khích lệ trẻ tiến bộ. Khen ngợi giống như việc dùng thuốc, không được tùy tiện, mà phải dùng đúng thời điểm, đúng liều lượng và đúng chỉ định. Có nhiều trường hợp trẻ bị tổn thương bởi những "lời khen" của người lớn. Đó là khi khen ngợi trẻ bằng giọng điệu mỉa mai-khen ngợi kiểu "đả kích". Ví dụ như: Mấy hôm nay con cũng nhớ việc mình làm rồi đấy nhỉ! Đúng là mặt trời mọc từ đằng Tây. Ngày mai đừng có quên nhé! Đó là cách khen rất miễn cưỡng, mang hàm ý giễu cợt, vô tình đánh vào hứng thú của trẻ, khiến chúng cảm thấy làm được việc tốt cũng vô ích.