Chính cô cũng không hiểu vì sao lại bốc đồng làm đơn thôi việc, xách vali lên và bay ra ngoài đó lấy chồng. Cả yêu và cưới chỉ trong vòng 2 tháng. Sau này cô đổ cho nỗi buồn tan vỡ mối tình đầu. Nhưng rốt cuộc, cô không thể thay đổi được thực tế bỏ lại 5 năm tạo dựng sự nghiệp ở thành phố năng động nhất nước để bắt đầu lại.
Cô không phủ nhận anh đã cố gắng giúp cô thích nghi với cuộc sống mới. Nhưng điều cô cần nhất là vợ chồng sống độc lập thì anh lại không làm được vì cái suy nghĩ cổ hủ là con trai duy nhất thì phải sống cùng bố mẹ. Chính vì vậy, anh vẫn như một đứa trẻ lớn, vẫn giữ nguyên nếp sống của một chàng trai độc thân, thích lên là tụ tập nhậu nhẹt bạn bè, về nhà không làm bất kỳ việc gì, lại còn cáu gắt nếu như bị gọi ăn cơm lúc đang giở trò chơi điện tử. Thậm chí, buổi tối anh ngồi chơi cờ với bố đến khuya, bỏ mặc cô thu dọn xong xuôi đâu đấy cứ nằm chờ anh dài cổ trong giường một mình.
Tệ hơn, anh không bao giờ đưa tiền cho cô. Bây giờ cô đã có công việc ổn định, thu nhập tốt, chứ hồi đầu tiên chưa xin được việc, lại phải đi học bổ sung thêm các kỹ năng phù hợp khá tốn kém, vèo cái đã hết cái sổ tiết kiệm còi của cô, thế mà anh cũng chả quan tâm xem vợ thiếu gì, cần gì. Đến giờ, anh vẫn giữ nếp tiền ai người ấy giữ. Anh lo đưa bố mẹ 2 triệu mỗi tháng. Còn cô, gánh hết phần ăn uống, học hành của cô con gái 3 tuổi. Cô không ngại việc đó nhưng có cảm giác mình như người sống ghép vào nhà anh, cũng chả có gì ràng buộc với anh, giờ có bỏ nhau cũng chả mất công phân chia tài sản.
Thanh Tâm lựa để không cắt ngang dòng cảm xúc nói xấu chồng của cô gái nhưng vẫn khéo léo hỏi xem anh chồng có những điểm đáng yêu gì. Lúc này cô mới ngừng khóc và lại hăng say kể. Vợ chồng cô vẫn đi chơi với nhau đều. Anh với cô đều là các chuyên gia săn vé, săn khách sạn giá rẻ. Có lần bay Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt mà chỉ 0 đồng, 100k, 890k. Dù là share tiền với nhau nhưng rất vui và thoải mái. Thỉnh thoảng có khoản tiền ngoài kế hoạch, anh lại rủ mẹ con cô đi ăn hàng, anh bao. Hôm nào muốn mua cái áo, cái váy mới mà hết tiền mặt ở nhà, cô chỉ cần nói với anh 1 câu là anh sẵn sàng tặng ngay. Và dù có đang bù khú với bạn bè mà cô gọi về đưa con đi viện thì anh không bao giờ không có mặt….
Thanh Tâm đoán chắc anh chồng vừa làm gì cô phật lòng thì mới tủi thân vừa khóc, vừa gọi cho Thanh Tâm như thế. Chứ cuộc sống vợ chồng cô khá nhẹ nhàng, không phải là cá biệt với các gia đình trẻ hiện đại, độc lập tài chính và đóng góp rõ ràng. Đúng là hai người như hai người bạn, không chung về kinh tế, ít ràng buộc vào các nguyên tắc. Cô một thân một mình ra Hà Nội lấy chồng, không khỏi có những lúc cô đơn, trống vắng, chồng vẫn cứ như người không liên quan chặt chẽ rất dễ khiến cô buồn, cáu. Nhưng bù lại, người chồng thích làm mọi chuyện với vợ, vui vẻ đáp ứng mong muốn của vợ, sẵn sàng chia sẻ với vợ chăm sóc con cái… Không có mẫu số chung cho hạnh phúc gia đình, chỉ cần mỗi người trong cuộc thấy thoải mái, hài lòng. Mà muốn thế thì hai người phải cùng nhau trao đổi, thống nhất để đi đến sự vui vẻ với cuộc sống chung với nhau. Thanh Tâm khuyên cô đừng để những lúc tủi thân làm hỏng cuộc sống hôn nhân tự do, thoải mái của cô, chỉ cần thoả thuận đưa ra khuôn khổ chung và luôn đề cao, tôn trọng sự thống nhất đó là ổn.