e- SIM và ngày tận diệt của điện thoại 2 sim hai sóng

14/01/2016 - 15:45
Với những bước đi táo bạo của 2 “ông lớn” trong lĩnh vực điện thoại di động là Apple và Samsung, tương lai không xa, có thể chiếc SIM điện thoại quen thuộc sẽ không còn tồn tại.
e-SIM “nhúng” sẵn vào smartphone
Thật ra, chức năng của chiếc thẻ SIM vẫn được “trọng dụng” nhưng nó không còn tồn tại theo cách truyền thống nữa, mà được cơ cấu sẵn trong mọi máy điện thoại dưới dạng thức của 1 loại linh kiện cơ hữu. Quan trọng hơn, nó có thể thích hợp với tất cả các nhà cung cấp dịch vụ và các dòng sản phẩm. Có nghĩa là người dùng sẽ không phải bận tậm với những phiền toái khi chuyển đổi điện thoại đang sử dụng sang một dòng khác mới mẻ hơn, không chịu sự phụ thuộc vào dòng máy dùng SIM “thường”, micro-SIM (ra mắt năm 2010) hay nano-SIM (2012) như hiện giờ; cũng không phụ thuộc nhà cung cấp dịch vụ nào.
SIM điện tử (e-SIM) sẽ được “nhúng” sẵn vào smartphone theo 1 kiến trúc quy chuẩn chung, có thể sử dụng cho tất cả các loại máy và phù hợp với tất cả các nhà mạng.
Sim-card-sap-diet-vong.jpg

e - Sim được "nhúng" sẵn vào smartphone và có thể sử dụng cho tất cả các loại máy và nhà mạng

e-SIM sẽ cho phép một điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc các thiết bị đeo thông minh khác hoạt động bình thường ở nhiều nhà mạng khác nhau, không bị giới hạn trong điều kiện chỉ hợp đồng với 1 nhà mạng duy nhất. Khách hàng cũng có thể đăng ký chuyển mạng mà không cần đổi SIM. Bởi toàn bộ các bước chuyển đổi sẽ được thực hiện thông qua việc lựa chọn ngay trên màn hình smartphone, máy tính bảng hay các thiết bị di động khác.
Giới truyền thông công nghệ quốc tế cho biết, 2 nhà sản xuất điện thoại hàng đầu thế giới là Apple và Samsung đang làm việc với hiệp hội đại diện cho ngành công nghiệp viễn thông di động GSMA để đi tới một thỏa thuận về việc thúc đẩy sản xuất và sử dụng e-SIM thay thế cho các thẻ SIM hiện nay.
Không chỉ vậy, Apple đã chính thức đi tiên phong trong chương trình táo bạo này, khi lần lượt tung ra thị trường các dòng sản phẩm iPad Air 2 và iPad Mini 3 với những thẻ SIM cho phép người dùng chuyển đổi giữa một số nhà mạng mà không cần phải đổi SIM. Mặc dù mới là bước thử nghiệm với việc chỉ hỗ trợ một số dịch vụ viễn thông tại Mỹ, song những tiện ích của dòng sản phẩm này đã được đông đảo người dùng đánh giá rất cao.
Những nhà mạng dự kiến ​​sẽ đồng ý hỗ trợ kế hoạch này cũng bao gồm rất nhiều “ông lớn” như: AT&T, Deutsche Telekom, Etisalat, Hutchison Whampoa, Orange, Telefonica và Vodafone. Bà Anne Bouverot, Giám đốc điều hành của Hiệp hội GSM, cho biết, tất cả các bên đều đã hướng tới một thỏa thuận để có được “cơ cấu chung”.
Nếu dự án này trở thành hiện thực, thì trong những chiếc điện thoại ra đời trong tương lai gần sẽ không còn tồn tại khe SIM vật lý, đồng nghĩa với chiếc thẻ SIM xinh xắn sẽ biến mất.
 
“Rào cản”
Việc loại bỏ thẻ SIM truyền thống không chỉ mang lại lợi ích cho người dùng khi có nhu cầu thay đổi thiết bị hay nhà cung cấp dịch vụ, mà còn hứa hẹn tiết kiệm không gian cho các thiết bị điện tử, giúp sản phẩm này có thể trở nên nhỏ gọn hơn, tính thẩm mỹ được gia tăng đáng kể. Đó là chưa nói đến tác dụng của e-SIM trong việc thúc đẩy tiến trình vận hành và phát triển mạng di động thế hệ 5G.
Mặc dù vậy, việc phát triển e-SIM không phải là không vấp phải những “rào cản”. Trước hết, không phải nhà sản xuất điện thoại hay các thiết bị di động nào cũng ủng hộ dự án này, bởi nó đụng chạm trực tiếp đến “nồi cơm” của họ. Đơn cử như những nhà sản xuất điện thoại đã và đang “hốt bạc” với các loại điện thoại “2 SIM 2 sóng”. Nếu e-SIM được sử dụng rộng rãi thì chắc chắn dòng máy trên sẽ… không bán được cho ai.
1_CN_ANH-CHINH.jpg

Sự phát triển tiến bộ của e - Sim khiến không ít nhóm đối tượng lo lắng

Một nhóm đối tượng khác cũng rất lo lắng trước khả năng e-SIM ra đời, đó là “dịch vụ” buôn bán “SIM số đẹp” khá phổ biến ở Việt Nam và một số nước châu Á. Với nguyên lý kỹ thuật cơ bản của e-SIM là nhà sản xuất “nhúng” SIM điện tử trực tiếp vào thiết bị, nên việc cấp số cho thiết bị có thể sẽ trở thành một công việc tương tự như… đặt tên cho người - mỗi chiếc điện thoại sẽ chỉ mang 1 dãy số cố định từ đầu tới cuối vòng đời. Nếu ai đó có ý định muốn thay đổi dãy số này thì chỉ có cách là… đổi chiếc điện thoại khác.
Một “rào cản” khác, đó là tập quán sử dụng của nhiều người, khi đã quá quen thuộc với sự tồn tại của những chiếc thẻ SIM truyền thống, liệu có dễ dàng chấp nhận sự thay đổi này hay không? Hiện tại, một câu hỏi còn được nhiều người dùng đặt ra, đó là liệu những chiếc điện thoại đang sử dụng thẻ SIM truyền thống có thể chuyển đổi qua e-SIM được không?
Dẫu sao, sự tiến bộ luôn thắng thế. Với nhiều tiện ích cùng thế mạnh của các thương hiệu có khả năng chi phối người dùng toàn thế giới, e-SIM do Apple và Samsung “đỡ đầu” gần như chắc chắn sẽ xuất hiện trên thị trường trong năm 2016. Được biết, Apple và Samsung đã lên kế hoạch “nhúng” sẵn SIM điện tử vào trong các thế hệ smartphone ra mắt năm 2016, rất có thể đó sẽ là iPhone 7 và Galaxy Note 6.
Thậm chí, việc phát triển e-SIM không chỉ tác động đến người dùng các sản phẩm thiết bị di động, mà còn tạo nên bước phát triển mới cho nhiều hệ thống thiết bị dân dụng, giúp nâng cao chất lượng sống của một bộ phận không nhỏ cư dân trên thế giới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm