Ethiopia cấm người nước ngoài nhận con nuôi

12/01/2018 - 11:49
Quốc hội Ethiopia đã “bật đèn xanh” cho luật cấm người nước ngoài nhận con nuôi tại quốc gia này nhằm bảo vệ trẻ khỏi tình trạng bị lạm dụng sau khi một cô bé Ethiopia bị cha mẹ nuôi người Mỹ bỏ đói đến chết.

Mặc cho sự tồn tại của rất nhiều cơ sở cho nhận con nuôi tại Ethiopia, các chính trị gia của quốc gia Đông Phi này khẳng định, trẻ mồ côi và những đứa trẻ dễ bị tổn thương nên được chăm sóc và bảo vệ thông qua các hệ thống hỗ trợ tại địa phương hơn là phải đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn không rõ ràng ở nước ngoài khi được nhận nuôi.

Lệnh cấm trên xuất phát từ cái chết của cô bé 11 tuổi Hana Williams, được cặp vợ chồng Larry Williams và Carri Williams, đến từ Washington, Mỹ, nhận nuôi năm 2008.

ethiopia-cam-nguoi-nuoc-ngoai-nhan-con-nuoi-1.PNGCặp vợ chồng Larry và Carri Williams tại tòa.

Nhớ lại vào tháng 5/2011, thi thể Hana đã được tìm thấy tại sân sau ngôi nhà của vợ chồng Larry. Kết quả khám nghiệm cho thấy, Hana đã tử vong vì bị hạ thân nhiệt, viêm dạ dày mãn tính và suy dinh dưỡng.

Được biết, tại ngôi nhà trên, Hana đã phải sống trong sự dạy dỗ cực kỳ nghiêm khắc.

Bồi thẩm đoàn sau đó đã tuyên Larry Williams phạm tội ngộ sát loại 1 và Carri Williams tội hành hạ trẻ em và ngộ sát.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, từ năm 1999 đến năm 2016, đã có hơn 15.000 đứa trẻ Ethiopia được nhận nuôi tại Mỹ. Trong đó có cả những gia đình ngôi sao nổi tiếng Hollywood như Angelina Jolie và Brad Pitt đã nhận nuôi cô con gái gốc Ethiopia Zahara Marley vào năm 2005.

ethiopia-cam-nguoi-nuoc-ngoai-nhan-con-nuoi.jpgBrad Pitt bế con gái nuôi Zahara Marley tại sân bay quốc tế Tokyo năm 2005.

Nhưng thực tế đầy rủi ro của những đứa trẻ Ethiopia được nhận nuôi đã ngày càng được chính quyền nước này để tâm hơn, đặc biệt sau cái chết đau lòng của Hana, buộc chính phủ Ethiopia phải đưa ra đạo luật cấm nhận con nuôi.

Trong một diễn biến khác, năm 2016, Đan Mạch đã cấm công dân nước này nhận con nuôi từ Ethiopia với lý do các cơ sở cho nhận con nuôi ở Ethiopia thường đưa ra “thông tin không nhất quán” về nguồn gốc của những đứa trẻ. Điều này có thể dẫn tới các trường hợp buôn người.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm