Facebook, Apple hỗ trợ nhân viên trữ trứng, hoãn đẻ

06/04/2017 - 07:10
Để giữ chân nữ nhân viên cốt cán, các tập đoàn trong ngành công nghệ lớn đang định hướng cải thiện chính sách hỗ trợ sinh sản, trong đó có điều khoản hỗ trợ đông lạnh trứng. Sự việc này đang gây ra nhiều tranh cãi.

Facebook, Apple tiên phong ‘trào lưu’ trữ trứng cho nữ nhân viên

Một cuộc thăm dò cuối năm 2016 cho thấy, ngành công nghiệp công nghệ cao đang là ngành ‘đổ’ nhiều tiền nhất vào việc hỗ trợ sinh sản cho nhân viên. Cuộc khảo sát khoảng 1.000 nhân viên đến từ các tập đoàn công nghệ lớn nhất hiện nay như Google, Facebook, Spotify, Microsoft... cho thấy, tất cả các công ty này đều sẵn sàng chi trả các khoản trợ cấp sinh sản cho nhân viên mặc dù không hề quảng bá rộng rãi chính sách này.

Nhớ lại vào khoảng 3 năm trước, Apple và Facebook từng trở thành tiêu điểm khi hai tập đoàn này đồng loạt tuyên bố sẽ hỗ trợ đông lạnh trứng và thụ tinh nhân tạo cho nữ nhân viên, trong nỗ lực thu hút các nhân viên tài năng, đặc biệt là nữ.

facebook-apple-google-dong-loat-ho-tro-nu-nhan-vien-tru-trung-hoan-de-1.jpg
Apple  và Facebook là hai cái tên đi đầu trong việc hỗ trợ nữ nhân viên đông lạnh trứng.

Tại thời điểm đó, phía Apple tuyên bố: “Apple quan tâm sâu sắc đến nhân viên và gia đình của họ. Chúng tôi luôn tìm kiếm những cách thức mới để chương trình chăm sóc sức khoẻ của chúng tôi có thể đáp ứng được nhu cầu của nhân viên. Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng phúc lợi cho phụ nữ với một chính sách nghỉ thai sản mới cùng với việc hỗ trợ bảo quản trứng của họ... Chúng tôi muốn trao quyền cho nữ nhân viên tại tại Apple để họ vừa có thể hoàn thành tốt công việc, lại vừa có thể chăm sóc những người thân yêu của họ”.

Theo chân Apple và Facebook, chỉ sau 2 năm, đã có rất nhiều tập đoàn công nghệ lớn khác như Spotify, Amazon, Google, Microsoft, Wayfair, Intel... hỗ trợ việc trữ trứng cho nữ nhân viên.

Có lẽ nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự hào phóng của các tập đoàn công nghệ trên là do sự khan hiếm nhân lực, đặc biệt là nhân lực ưu tú, trong ngành công nghiệp công nghệ cao lại đang phát triển quá nhanh. Cộng thêm, tỷ lệ chênh lệch nam nữ trong ngành này cao vượt trội so với các ngành khác, dẫn đến nhân lực bị phụ thuộc quá nhiều vào nam giới. Vì vậy để giảm bớt áp lực về nhân lực, các “ông lớn” công nghệ quyết định bằng mọi giá phải giữ chân nguồn lực nữ giới.

Mức chi hào phóng

Như tất cả chúng ta đều biết, chi phí đông lạnh trứng và thụ tinh trong ống nghiệm không hề rẻ. Cụ thể, chi phí đông lạnh trứng rơi vào khoảng 10.000 USD (khoảng từ 500 đến 1.000 USD/năm) và mỗi một lần thụ tinh trong ống nghiệm sẽ tiêu tốn khoảng 15.000 USD.

Vậy nhưng các ‘ông lớn’ công nghệ có vẻ không hề e dè trong việc chi tiền hỗ trợ cho nhân viên. Ví dụ điển hình nhất là tập đoàn Intel.

Intel đã bắt đầu hỗ trợ thụ tinh nhân tạo cho các nữ nhân viên từ năm 2007. Tuy nhiên, đến tháng 10 năm 2015, hãng này mạnh dạn tuyên bố tăng phạm vi bảo hiểm cho các dịch vụ y tế sinh nở từ 10.000 USD đến 40.000 USD bao gồm việc đông lạnh trứng, đồng thời chi phí thuốc men cũng tăng từ 5.000 USD đến 20.000 USD.

nn_06_sgo_appleegg_141014.jpg
 

Gói bảo hiểm hậu hĩnh này được công ty cung cấp cho tất cả nhân viên chứ không chỉ riêng những người được chẩn đoán mắc chứng vô sinh hay quyết định lưu trữ trứng, phôi, tinh trùng.
Ngoài các khoản trợ cấp sinh sản trên, gần đây, Intel còn bắt đầu trả cả chi phí nhận con nuôi (lên đến 15.000 USD cho mỗi đứa trẻ) và cho phép cha mẹ mới có con nghỉ thai sản 8 tuần (đây là một ưu đãi đột phá khi mà tại Mỹ, nghỉ thai sản là một khái niệm xa xỉ).

Hiện còn quá sớm để đánh giá toàn diện tác động của những ưu đãi đáng mơ ước trên. Nhưng theo một khảo sát, từ năm 2015 và đến năm 2016, số lượng nhân viên nữ gắn bó với Intel đã tăng cao hơn so với nam giới. Đây thực sự là một sự đảo chiều đáng chú ý.

Đồng thời với mức chịu chi trên, Intel cũng đã trở thành một trong những công ty công nghệ có mức bảo hiểm cao nhất, chỉ đứng sau Spotify – tập đoàn cung cấp bảo hiểm vô hạn cho hỗ trợ sinh đẻ.

Bên cạnh đó, công ty công nghệ Wayfair cũng cung cấp mức bảo hiểm lên tới 40.000 USD để hỗ trợ sinh sản cho nhân viên. Hay những người đi đầu trong việc trữ trứng nữ nhân viên như Apple, Facebook cũng tuyên bố sẵn sàng chi trả 20.000 USD để giúp các nữ nhân viên thụ tinh trong ống nghiệm. Facebook cũng hỗ trợ nhân viên chi phí nhận con nuôi và trợ cấp một loạt các dịch vụ sinh sản khác cho cả nam và nữ nhân viên.

Những tranh cãi nảy lửa

Trước chính sách hỗ trợ trên của các tập đoàn lớn, không ít người đã lên tiếng ủng hộ, trong đó có bà Valerie Baker, Trưởng khoa Nội tiết Sinh sản và Vô sinh tại Đại học Stanford. Bà cho biết: “Nhiều bệnh nhân đến tìm gặp tôi chưa có gia đình là bởi vì họ đã dành hết thời gian cho công việc, nhưng thực tế, một phần lớn khác là do họ chưa gặp được một nửa lý tưởng. Điều đó dẫn đến việc họ muốn trì hoãn việc sinh nở để tập trung vào công việc và thật tốt khi các công ty sẵn sàng hỗ trợ cho việc đó”.

facebook-apple-google-dong-loat-ho-tro-nu-nhan-vien-tru-trung-hoan-de.jpg
 Việc trì hoãn thời gian sinh sản sẽ ảnh hưởng đến khả năng mang thai của các nữ nhân viên.

Ngược lại, các nhà phê bình thì cho rằng chính sách trợ cấp bằng cách đông lạnh trứng này chẳng khác nào ‘xích chân’ các nữ nhân viên vào bàn làm việc.

Tháng 10/2014, sau khi Apple và Facebook tung ra chính sách trên, tác giả Harriet Minter của tờ The Guardian đã bày tỏ quan điểm phản đối mạnh mẽ. Tác giả này cho rằng các công ty này nên cho nhân viên nghỉ phép có lương và trợ cấp chăm sóc trẻ, thay vì hoãn kế hoạch sinh con của nhân viên.

Tác giả này còn nhấn mạnh chính việc công ty hỗ trợ trì hoãn sinh con đã khiến phụ nữ bỏ qua thời gian sinh sản vàng vì độ tuổi 20 trở đi là những năm sinh nở tốt nhất của phụ nữ. Khả năng sinh sản của phụ nữ sẽ giảm đi khi bước qua tuổi 30 và hầu hết phụ nữ không có thể mang thai thành công sau tuổi 40.

Thậm chí, việc đông lạnh trứng cũng không đảm bảo chắc chắn phụ nữ có thể mang thai thành công. Vì theo một nghiên cứu năm 2015, các ca thụ tinh nhân tạo bằng trứng đông lạnh có tỷ lệ thành công thấp hơn nhiều so với thụ tinh bằng trứng thường.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm