Gần 20 triệu hội viên phụ nữ được tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn

Bài, ảnh: Trần Lê
30/11/2020 - 15:56
Gần 20 triệu hội viên phụ nữ được tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương và các đại biểu tham dự lễ tổng kết chương trình "Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017 - 2020"

Sau 3 năm thực hiện, Chương trình phối hợp giữa Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam về "Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017 - 2020" đã được triển khai sâu rộng, với những kết quả đáng khích lệ về số lượng và chất lượng.

Ngày 3/11/2017, Chính phủ - Hội Nông dân Việt Nam - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ký chương trình phối hợp số 526/CTPH-CP-HNDVN- HLHPNVN về "Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏc cộng đồng giai đoạn 2017 - 2020" (gọi tắt là Chương trình 526).

Được triển khai trong bối cảnh vấn đề an toàn thực phẩm góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Chương trình phối hợp giữa Chính phủ với hai tổ chức chính trị xã hội là Hội Nông dân Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được đầu tư chỉ đạo, hướng dẫn một các toàn diện tới tất cả các cấp Hội trên toàn quốc.

Tại lễ tổng kết 3 năm triển khai Chương trình 526 (giai đoạn 2017-2020), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, nhận xét: Những năm qua, có những thời điểm gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thiên tai lũ lụt, ngập mặn… nhưng Hội LHPN Việt Nam và Hội nông dân Việt Nam đã khẳng định được đóng góp quan trọng trong việc phát triển nền nông nghiệp của đất nước, xây dựng nông thôn mới… 3 năm triển khai thực hiện Chương trình 526, hai tổ chức chính trị xã hội đã đạt được những kết quả nổi bật, những chỉ tiêu ấn tượng trong việc tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏc cộng đồng.

Phụ nữ chung sức tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng - Ảnh 1.

Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương (thứ hai từ trái sang) và các đại biểu tham quan gian hàng nông sản thực phẩm an toàn trưng bày tại lễ tổng kết chương trình 526

Điểm lại những kết quả các cấp hội phụ nữ đã đạt được trong thời gian triển khai Chương trình, Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương cho biết: TƯ Hội LHPN Việt Nam đã tập trung chỉ đạo một cách toàn diện, gắn thực hiện Chương trình 526 với phong trào thi đua và các nhiệm vụ công tác Hội, đặc biệt là với Cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, xây dựng nông thôn mới, trong đó có nội dung 3 sạch và thực hiện tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm. 

Nguồn lực thực hiện Chương trình phối hợp 526 cũng được huy động từ nhiều nguồn khác nhau như Ngân sách nhà nước, Chương trình nông thôn mới, đề án 938 (tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ - trong đó có vấn đề về an toàn thực phẩm) đề án 939 (Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp), dự án quốc tế, xã hội hóa... Trong quá trình thực hiện luôn phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế, công thương... nên chất lượng hoạt động được nâng lên.

Đặc biệt, vấn đề an toàn thực phẩm đã được Hội cụ thể hóa, đưa vào Nghị quyết, Kế hoạch của Ban Chấp hành. Năm 2018, Trung ương Hội đã lựa chọn chủ đề "Phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm" để chỉ đạo các cấp Hội tập trung; chủ đề năm 2019, 2020 là "An toàn cho phụ nữ và trẻ em", trong đó An toàn thực phẩm là một nội dung quan trọng.

Phụ nữ chung sức tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng - Ảnh 2.

Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương chia sẻ kinh nghiệm của các cấp hội phụ nữ trong thực hiện tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏc cộng đồng

Các hoạt động tuyên truyền, vận động của các cấp hội phụ nữ cũng đã có nhiều đổi mới với nhiều cách làm hay, tạo lan tỏa trong cộng đồng, kết hợp cả tuyên truyền theo kênh truyền thống (như các buổi sinh hoạt viên, các sự kiện truyền thông) và phi truyền thống, ứng dụng công nghệ thông tin (như qua Cổng thông tin điện tử, Website, trang Zalo, Facebook, các video clip). Trong đó, một số đối tượng đặc thù như: phụ nữ tiểu thương, phụ nữ nông dân, phụ nữ nuôi trồng thủy sản, phụ nữ dân tộc thiểu số... được chú trọng tuyên truyền. Trong đó, Hội phụ nữ các cấp đã tổ chức 10.375 hội nghị, tập huấn, tọa đàm... cho 508.310  lượt hội viên; Xây dựng 3.341 phóng sự, clip truyền thông; treo, phát gần 2,5 nghìn băng zôn, khẩu hiệu, áp phích, tờ rơi, tờ gấp; tuyên truyền cho 19.977.731 hội viên.

Các hoạt động tuyên truyền được gắn với vận động phụ nữ ký cam kết thực hiện an toàn thực phẩm; tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm như hội chợ, trưng bày sản phẩm, thành lập cửa hàng giới thiệu nông sản thực phẩm của hội viên phụ nữ…

Với những nỗ lực của các cấp hội, nhiều mô hình hay về sáng tạo, tuyên truyền vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn đã được phát triển tại nhiều địa phương như: Hà Nội, Hưng Yên, Thái Nguyên, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Kiên Giang, Bình Phước… 

Các hoạt động giám sát về an toàn thực phẩm cũng được Hội LHPN tăng cường. Bên cạnh việc tham gia kiểm tra, giám sát cùng các đoàn của Chính phủ và các bộ ngành, Hội LHPN Việt Nam đã chủ động tổ chức các cuộc giám sát về an toàn thực phẩm. Qua đó, phản ánh, có ý kiến với UBND địa phương về các vấn đề còn tồn tại và giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, trong đó có công tác tuyên truyền, vận động và phát huy vai trò giám sát cộng đồng. Bên cạnh đó, Hội cũng đã xây dựng các mô hình giám sát cộng đồng như Chi hội phụ nữ tự quản về ATTP (Thanh Hóa), tổ phụ nữ vận động, giám sát về ATTP (Hưng Yên, Cà Mau, Tây Ninh...)... dần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân về giám sát, phát hiện, phản ánh về các hành vi vi phạm quy định về ATTP.

Phụ nữ chung sức tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng - Ảnh 3.

Nhiều mô hình phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm đã được nhân rộng, cung cấp cho thị trường các sản phẩm an toàn, góp phần đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Dù trong quá trình thực hiện Chương trình 526 còn nhiều khó khăn về khách quan và chủ quan, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương khẳng định: Hội LHPN Việt Nam, sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện các hoạt động "An toàn cho phụ nữ và trẻ em", trong đó "An toàn thực phẩm" là một nội dung quan trọng. Đồng thời các cấp Hội cũng tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền sâu, rộng và phù hợp với từng đối tượng; nhân rộng các mô hình có hiệu quả về thực hiện an toàn thực phẩm và tích cực tham gia giám sát về an toàn thực phẩm. 

Tại lễ tổng kết 3 năm triển khai Chương trình 526, các đại biểu đại diện Hội nông dân Việt Nam, Hội LHPN VIệt Nam cũng chia sẻ những mô hình hay, những bài học kinh nghiệm thu được trong giai đoạn 2021-2020 và đề nghị Chính phủ tiếp tục ký kết phối hợp với Hội LHPN Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam về tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025.  

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm