pnvnonline@phunuvietnam.vn
Gánh nặng tâm lý của những người đàn ông hiếm muộn
Nhiều nhà nghỉ, phòng trọ phục vụ bệnh nhân đi chữa hiếm muộn ở xung quanh bệnh viện có Trung tâm hỗ trợ sinh sản
Nói đến chữa bệnh, người ta thường nhắc nhiều đến "xóm chạy thận", "xóm ung thư", nhưng có lẽ không mấy người để ý trong vài năm gần đây, các khu vực lân cận một số bệnh viện có Trung tâm hỗ trợ sinh sản đã xuất hiện "xóm hiếm muộn". Chuyện những người mẹ, người vợ mòn mỏi chữa trị nhiều năm để có thể sinh con vốn không hiếm, nhưng hành trình tìm con của những người bố thì đâu đó vẫn còn những khoảng lặng không phải ai cũng dũng cảm đối mặt trước những định kiến của xã hội.
"Tôi ngồi sụp tại chỗ khi biết nguyên nhân vô sinh do mình"
Qua các hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm điều trị vô sinh trên mạng xã hội, tôi tìm đến phố Trần Điền (Q. Hoàng Mai, Hà Nội) - nơi có đủ các loại hình nhà cho thuê từ chung cư đến phòng trọ, từ nhà nghỉ dài ngày đến phòng nghỉ theo tiếng chỉ chuyên phục vụ những gia đình đi chữa hiếm muộn.
Biết tôi là phóng viên tìm hiểu về chuyện chữa trị vô sinh, chị Dung - chủ quán trà đá trước cửa tòa chung cư chép miệng: "Nhiều người khổ lắm cô ạ. Có mấy cặp đang trọ nhà tôi, vài bữa lại đến ở dăm ba tuần. Có nhà thì chữa mãi không được, hết tiền lại về "cày" thật lực, gom góp 1-2 năm lại quay lên chữa tiếp, chẳng biết rồi lần này có thành công không…".
Nhờ sự giới thiệu của chị Dung, tôi tiếp cận được với vợ chồng anh N.Q.T (Tuyên Quang). Anh chị cho biết đã lấy nhau 13 năm mà không có con. Sau khi thăm khám nhiều nơi thì người chồng đã phải chấp nhận sự thật anh bị giãn tĩnh mạch tinh - nguyên nhân hàng đầu dẫn đến vô sinh ở nam giới.
"Vợ chồng tôi đi khám tại ba bệnh viện. Lúc đầu bác sĩ nói do tôi, tôi không tin, nhưng đến lần thứ ba kết quả vẫn như vậy thì lúc đó tôi cảm thấy mọi thứ vỡ vụn. Tôi ngồi sụp tại chỗ, không bao giờ nghĩ mình lại gặp tình cảnh này" - anh T cười buồn.
Chị Đ.H.N, vợ anh T chia sẻ, nhà chồng vốn đông con nhiều cháu, vì vậy áp lực phải có con nối dõi đối với anh chị không bị đè nặng trên vai. Nhưng sống ở quê, quan niệm của mọi người về chuyện sinh đẻ vẫn là một yếu tố quan trọng trong đời sống vợ chồng.
"Nhiều khi ra đường người ta cứ hỏi, bạn bè xóm láng giục giã suốt ngày, thành ra mình cũng sốt ruột. Nhưng mình buồn 1 thì chồng buồn 10, cứ đến ngày họp lớp hay bạn bè tụ tập gì là anh hạn chế tham gia lắm. Mình bảo anh cứ cười cho qua chuyện hoặc bảo do em cũng được, nhưng đàn ông mà, đâu phải ai cũng lạc quan được khi biết mình như vậy". Cùng câu chuyện với anh T, anh Tạ Đức Văn (Hải Phòng) cho biết, anh lập gia đình khi tuổi đã ngoài 40. Vợ anh Văn khi ấy cũng đã lớn tuổi, anh chị đến với nhau không mong gì hơn một đứa con để hạnh phúc thêm trọn vẹn. Tuy nhiên, anh vô cùng thất vọng khi bản thân có những bệnh lý nam khoa khiến quá trình có con tự nhiên không diễn ra như mong đợi.
"Tôi bị tắc ống dẫn tinh. Biết bệnh, tôi cũng không né tránh, chủ động điều trị, can thiệp các phương pháp như PESA, TESA (chọc, hút tinh trùng từ mào tinh) nhưng kết quả vẫn không được. Vợ chồng tôi cố đến lần thứ 4 thì bác sĩ chỉ định phẫu thuật để thực hiện kĩ thuật cao hơn. Tỉnh dậy sau ca mổ gần 4 giờ đồng hồ, tôi không khỏi chua xót và bắt đầu nghĩ đến những tình huống xấu nhất, sợ rằng mình sẽ vĩnh viễn không có cơ hội làm bố, nhất là khi bố tôi đã 83 tuổi rồi mà vẫn chưa được bế cháu nội" - anh Văn tâm sự.
Theo thống kê mới nhất từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam đang là một trong những quốc gia tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tỷ lệ sinh thấp nhưng tỷ lệ vô sinh lại cao nhất.
1 triệu là con số ước tính số cặp vợ chồng vô sinh, trong đó 50% cặp vợ chồng vô sinh dưới 30 tuổi. Đặc biệt, ngoài những bệnh lý liên quan đến phụ nữ thì nguyên nhân do nam giới chiếm tới 40%.
Vô sinh không có nghĩa là yếu "bản lĩnh" phái mạnh
Theo PGS.TS Nguyễn Quang, Giám đốc Trung tâm Nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, hiện nay, trung bình 1 tuần, cơ sở này khám khoảng 400- 500 bệnh nhân nam, số ca mổ lớn và tiểu phẫu khoảng 30-50 bệnh nhân, trong đó điều trị nhiều loại bệnh liên quan đến vô sinh, hiếm muộn. Nguyên nhân được cho là khoảng 30 năm trở lại đây, chất lượng cuộc sống của con người ngày càng đi lên, song cách sinh hoạt và làm việc có những thay đổi kéo theo nhiều hệ lụy về sức khỏe. Tuy nhiên, do những định kiến giới, không phải bệnh nhân nam nào cũng chủ động trong việc phát hiện và điều trị bệnh.
"Hầu hết bệnh nhân đến với chúng tôi đều mang tâm lý xấu hổ, mặc cảm. Chuyện sinh con trước giờ vốn dĩ đặt nặng lên vai người phụ nữ. Không nhiều người đủ trình độ và kiến thức để hiểu hết về kiến thức sinh sản nên nói đến đàn ông vô sinh, người ta hay đánh đồng nó với "bản lĩnh" của anh trong chuyện sinh hoạt vợ chồng. Vì vậy mà ngoài điều trị bệnh lý cho bệnh nhân, chúng tôi còn phải kiêm luôn công tác tư vấn tâm lý để họ vừa hợp tác chữa bệnh, vừa tiếp thêm hy vọng cho họ sẽ sớm hoàn thành nguyện vọng gia đình của mình" - PGS.TS Nguyễn Quang chia sẻ.
Bác sĩ Chu Thị Thu Hương - một người gắn bó nhiều năm trong công tác Hỗ trợ sinh sản tại Bệnh viện Bưu Điện cũng cho biết, nhiều cặp vợ chồng đến đây khám sàng lọc nhưng người chồng nhất định không làm xét nghiệm, một mực khẳng định mình khỏe mạnh bình thường.
Trong thời buổi khoa học kĩ thuật nói chung và y tế Việt Nam nói riêng có nhiều sự phát triển vượt bậc, việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ sinh sản để có con không còn quá xa lạ. Tuy nhiên, tại một đất nước mà văn hóa Á Đông ảnh hưởng nặng nề trong hệ tư tưởng như Việt Nam, chuyện này vẫn khiến nhiều người khó đối mặt, thậm chí còn né tránh việc điều trị chỉ vì không muốn chấp nhận sự thật.
Những quan niệm về vai trò làm chủ gia đình của đàn ông, sinh con trai để nối dõi tông đường hay thể diện xã hội tác động mạnh mẽ đến tâm lý, hành vi và cách ứng xử của họ trong việc tiếp nhận thông tin mình mắc các bệnh lý hiếm muộn. Trong khi đó, chính các bác sĩ đầu ngành cũng đưa ra lời khuyên rằng việc giữ tâm lý thoải mái, ý chí lạc quan là điểm mấu chốt trong công cuộc điều trị bệnh. Bởi vậy, khi người đàn ông vượt qua được những định kiến chủ quan chính là họ tự tạo cho mình cơ hội được làm bố.
Khi tình yêu chắp cánh
Trở lại câu chuyện của hai gia đình đã nhắc ở trên, anh N.Q.T sau những tháng ngày tự ti, mặc cảm, anh đã và đang kiên trì trên hành trình tìm con của mình. Nhìn trộm sang vợ rồi nở một nụ cười trìu mến, anh bảo: "Nhiều lúc cũng chán, chỉ muốn giải thoát cho vợ. Nhưng vợ mình còn không bỏ cuộc, ngần ấy năm trời vợ chồng vẫn yêu thương đồng hành cùng nhau thì hà cớ gì mình lại nhụt chí. Chỉ thương vợ, kể như lấy người khác thì cũng đỡ vất vả…" - "Kể cả không có con, em cũng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ anh mà sống với người khác", chị N - vợ anh T - mắt đỏ hoe, nhanh chóng tiếp lời.
Hay như vợ chồng anh Tạ Đức Văn, niềm vui đã mỉm cười với anh chị sau biết bao trăn trở, cố gắng. Sau ca mổ đầy căng thẳng năm ấy, anh chị đã chào đón một cặp sinh đôi đủ nếp đủ tẻ trong niềm hân hoan của cả đại gia đình.
Chị Lương Thị Hoan (vợ anh Văn) tâm sự, chuyện bản lĩnh, chuyện nối dõi cũng quan trọng, nhưng đối với anh chị, sự có mặt của hai đứa trẻ khiến tình yêu của anh chị được trọn vẹn hơn, là quả ngọt trên hành trình tìm lại hạnh phúc muộn màng của hai người. "Nghĩ lại những tháng ngày vợ chồng chỉ biết động viên nhau "thôi cố gắng", khi con ra đời, mọi đau đớn giờ đây tan biến hết. Còn yêu thương nhau, thế nào cũng vượt qua được".
Mỗi câu chuyện của 1 cặp vợ chồng từng vô sinh lại là một cuốn nhật ký đặc biệt. Nhiều nỗi buồn khó gọi thành tên nếu chẳng may nguyên nhân vô sinh đến từ người chồng. Có người đối mặt, có người trốn tránh bởi bản thân hai tiếng "đàn ông" đã là một khối đá tảng đè nặng lên chính những khó khăn của họ.
Tuy nhiên, vô sinh hiếm muộn nói chung và vô sinh ở nam giới nói riêng cũng giống như bao căn bệnh khác, cần được phát hiện, điều trị kịp thời và giữ cho mình tâm thế vững vàng chiến đấu. Đặc biệt, vợ chồng phải kiên trì và có sự thấu hiểu lẫn nhau, trang bị những kiến thức đúng đắn về bệnh học để từ đó xây dựng tâm lý tích cực, lạc quan thì việc điều trị mới có hiệu quả và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.