Giá dịch vụ y tế đã tăng 30%

02/03/2016 - 13:58
Đây là mức tăng bình quân của gần 1.900 dịch vụ y tế được điều chỉnh giá theo Thông tư 37 áp dụng từ 1/3/2016. Trong các dịch vụ được điều chỉnh lần này thì giá khám chữa bệnh và giường nằm điều trị tăng nhiều nhất.
Liên Bộ Y tế - Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, trong đó đã quy định mức giá cụ thể của 1.887 dịch vụ kỹ thuật y tế, gồm: Giá khám bệnh: theo hạng bệnh viện; Giá ngày giường bệnh: theo hạng và theo chuyên khoa; Giá các dịch vụ kỹ thuật: áp dụng chung cho tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
IMG_7514.JPG
Người có thẻ bảo hiểm y tế không lo khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế
Tính bình quân của tất cả các dịch vụ thì mức giá thực hiện từ ngày 1/3 tới gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù sẽ tăng bình quân khoảng 30% so với hiện nay; từ ngày 1/7, khi tính tiền lương vào thì giá sẽ tăng khoảng 50% so với hiện nay.
 
Tăng nhiều nhất là giá khám chữa bệnh và giá ngày giường. Cụ thể, giá khám bệnh bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 tăng từ 20.000 lên 39.000 đồng; Bệnh viện hạng 2 tăng từ 15.000 lên 35.000 đồng; Bệnh viện hạng 3 từ 10.000 lên 31.000 đồng... Giá ngày giường nằm điều trị hồi sức tích cực của Bệnh viện hạng đặc biệt sẽ tăng từ 354.000 lên 677.000 đồng/ngày, mức tăng của bệnh viện hạng 1, hạng 2 sau 1/7 lần lượt là 632.000 đồng và 569.000 đồng.

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), việc ban hành mức giá cụ thể giảm bớt thủ tục hành chính, các đơn vị, địa phương không phải xây dựng, ban hành định mức, tính lại giá để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các dịch vụ kỹ thuật thực hiện một mức giá chung sẽ khuyến khích các bệnh viện tuyến dưới phát triển kỹ thuật, người dân sẽ được sử dụng dịch vụ và được BHYT thanh toán ngay tại địa bàn.
 
“Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này theo đúng lộ trình từng bước tính đủ chi phí trong giá dịch vụ công. Không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ mà chuyển các khoản chi trước đây nhà nước bao cấp trực tiếp cho các bệnh viện vào giá sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT. ”, ông Nguyễn Nam Liên cho hay.

Cũng theo ông Liên, khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế, người có thẻ BHYT không bị tác động nhiều. Đơn cử, với các loại máy móc, dịch vụ đầu tư theo hình thức xã hội hóa, khi tăng giá, phần cùng chi trả của người bệnh cũng giảm đi. Cụ thể, giá chụp CT scanner 64 dãy theo hình thức xã hội hóa là 2,5 triệu đồng, nhưng BHYT chỉ duyệt khung 1,7 triệu đồng nên người bệnh có thẻ BHYT phải nộp chênh 800.000 đồng. Nhưng từ 1/3, giá chụp CT scnaner được BHYT duyệt tăng lên 2,167 triệu đồng và từ 1/7 lên 2,266 triệu nên bệnh nhân chỉ phải nộp thêm lần lượt 333.000 đồng và 234.000 đồng.

Nói rõ thêm về việc điều chỉnh, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai giải thích: Đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế này nhóm có thẻ BHYT không bị xáo trộn nhiều. Đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này có tác động đến các nhóm đối tượng như đối với người không có thẻ BHYT (khoảng 25% dân số). Đối với người có thẻ BHYT thì mức độ tác động đến các nhóm có khác nhau, như người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội có thẻ BHYT không bị ảnh hưởng được BHYT thanh toán 100. Đối với người cận nghèo được BHYT thanh toán 95% chi phí, chỉ phải đồng chi trả 5%. Các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh BHYT thì có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều. Quỹ BHYT trước chi cho người bệnh 3 đồng thì nay cho 4 đồng- hoàn toàn liên quan đến cơ sở khám chữa bệnh và bảo hiểm, bệnh nhân không phải bỏ tiền túi ra.

Theo lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế, đến năm 2018- giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý; đến năm 2020- giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định. Giá dịch vụ y tế tính đúng tính đủ thì phải bao gồm 7 yếu tố chi phí: Thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng tài sản; tiền lương, phụ cấp; sửa chữa lớn tài sản cố định; khấu hao tài sản; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học.

 


 
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm