pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Giá mà" có giá bao nhiêu?
Tranh minh họa
Giá mà người ta hiểu...
Trong nhiều bài viết của tôi về hạnh phúc của hôn nhân, bạn đọc vẫn thường bình luận rằng: "Giá mà ai cũng hiểu được như anh, cuộc đời này sẽ tốt lên biết bao, sẽ chẳng có người phụ nữ nào làm vợ nhàu nhĩ, làm mẹ cực nhọc…". Đọc những bình luận đó, tôi không khỏi thở dài.
Tôi thở dài bởi tôi thấy những hôn nhân cực khổ, nơi mà người vợ lúc nào cũng đấm ngực than thân trách phận vì mình đã cưới sai chồng. Bởi tôi thấy những thiết tha mong ngóng không ngừng làm đau những người phụ nữ ấy. Vì yêu mà kỳ vọng. Vì muốn được hạnh phúc nhưng một tay vỗ chẳng nên kêu. Vì hôn nhân của họ đang một cánh tay chèo nên con thuyền cứ xoay mòng. Vì họ cô độc quá trên hành trình làm vợ, làm mẹ.
Tôi còn thở dài là bởi sau những đáng thương là cả sự đáng giận. Tôi giận những phụ nữ bị động, sống trong hai tiếng "giá mà…" để rồi hạ giá cuộc đời mình, giá trị của mình chỉ vì "muốn con còn bố", chỉ vì "ly dị nói thì dễ", chỉ vì "chẳng biết làm gì với cuộc hôn nhân này, với người chồng này".
Đáng giận bởi họ cho phép người đàn ông ấy, người mà họ gọi là chồng ấy, được quyền chà đạp họ. Chồng nợ nần cờ bạc bắt vợ phải gánh. Chồng bồ bịch công khai thách thức cả Luật Hôn nhân gia đình. Chồng vung tay đánh vợ như đồ vật họ sở hữu.
Chồng bỏ mặc gia đình như thể món đồ dùng xong là bỏ. Những người chồng như thế mà vẫn có người muốn làm vợ anh ta, muốn giữ thể diện cho anh ta, chấp nhận tự làm đau mình ư?
Tôi thở dài thêm một lần nữa vào những người vợ ít trải nghiệm cuộc đời khi luôn muốn "nói cho anh ta hiểu", muốn anh ta phải hiểu mà thay đổi. Trong khi chính mình lại chẳng hiểu anh ta, chẳng hiểu một điều rằng không ai có quyền năng thay đổi được ai hết nếu như họ đã không muốn thay đổi. Là anh ta không muốn chứ không phải anh ta không hiểu.
Bởi muốn thì họ sẽ cùng bạn tìm giải pháp, không muốn thì họ sẽ đưa ra hàng tỉ lý do. Và bạn thì cứ ôm mãi cục ấm ách của việc "nói mãi anh ta không chịu hiểu", "giá mà chồng em cũng hiểu như anh". Thất vọng là cách ta tự huỷ hoại mình vì những thứ đối phương không làm. Nên tôi thở dài vì thế!
Đừng "giá mà…" nữa được không, hãy làm đi! Sắp xếp lại sự ưu tiên của mình, sử dụng Hiện Tại của mình, làm chủ cuộc đời của mình đi, từ bây giờ, lúc này!
Giá mà mình hiểu được...
Một kiểu "giá mà…" nữa tôi thường gặp ở nhiều người phụ nữ: "Giá mà tôi hiểu được sớm hơn thì đời tôi đã không tệ như bây giờ". Những người phụ nữ tiếc nuối, tự dằn vặt mình, thậm chí trừng phạt bản thân mình vì mình thật ngu dại.
Đầu tiên, xin chúc mừng bạn vì đã… trưởng thành hơn. Chúng ta trưởng thành vốn chẳng phải nhờ tuổi tác tăng lên mà là từ nhận thức thay đổi. Ai trưởng thành mà không từ những đớn đau, có thêm bài học kinh nghiệm từ những vấp ngã, sai lầm?
Nhưng nếu thứ bạn giữ lại chỉ là những cơn đau do vấp ngã thì bạn vẫn chưa trưởng thành đâu. Nhận ra mình sai mà đau đớn sẽ chỉ khiến bạn mang trái tim đầy sẹo chứ không có trưởng thành nào hết.
Thậm chí biến bạn thành con nhím sẵn sàng xù lông với tất thảy mọi điều. Mỗi câu "giá mà…" nói ra đều bốc mùi cay nghiệt. Là cay nghiệt với chính bản thân mình, làm tổn thương chính mình.
Hành trình học hiểu từ những sai lầm, vấp ngã vốn chẳng phải như con lật đật, ngã là bật dậy nhưng vẫn đứng nguyên chỗ cũ và lại ngã như cũ. Là đừng "giá mà…" nữa, được không? Cú ngã đó cho bạn bài học rút ra chứ không phải thêm một vết rách trong tim mình.
Là từ vết rách đó, một mầm cây phải được mọc lên, giúp trái tim bạn thêm sự sống, thêm bóng mát mai này khi mầm cây đó lớn lên, rợp bóng. Chứ đừng như sa mạc cằn khô với quá nhiều nứt nẻ, cằn cỗi hơn. Cái câu "giá mà…" kéo lùi bạn lại, là làm đau bạn trở lại chứ không giải quyết được vấn đề.
Hiểu người bắt đầu từ hiểu mình và ngược lại, hiểu mình để hiểu người. Tại sao anh ta đã làm vậy với mình? Đặt mình vào vị trí của anh ta để hiểu anh ta và đặt anh ta vào vị trí của mình để hiểu lại chính mình.
Làm chồng của mình, anh ta có hạnh phúc không? Khi ta xỏ chân vào đôi giày của người khác, ta mới hiểu những hạt cát trong đôi giày đó. Đừng chỉ thấy đôi guốc đẹp mà nghĩ ngón chân nào cũng hạnh phúc khi được xỏ trong đôi guốc đó.
Thay vì "giá mà mình hiểu được", hãy thay đổi bản thân mình hôm nay, bằng sự hiểu thực sự, thay vì chỉ là những oán trách. Vấp ngã chỉ có giá trị trưởng thành khi ta vững vàng hơn chứ không phải nhiều vết sẹo hơn.
Để "giá mà" được giá hơn
Biến những tiếc nuối của "giá mà…" thành những thứ có giá trị hơn thay vì chỉ thở dài, đấm ngực. Làm cho hai chữ "giá mà…" trở nên được giá hơn thế nào?
"Giá mà anh ta hiểu" thì bây giờ mình cùng bày biện lòng mình ra đi chứ đừng chỉ "giá mà" nữa, được không? Đầu mình đâu trong suốt để người ta ai cũng nhìn thấu những gì mình nghĩ? Bụng mình nghĩ gì chỉ mình biết, người ta có đi guốc trong bụng mình đâu?
Một mối quan hệ lành mạnh là một mối quan hệ có đối thoại chứ không phải đối đầu hay đối phó với nhau. Đối thoại không phải là độc thoại, chỉ mình mình nói. Mà phải có cả sự lắng nghe. Là để đối phương cũng phải được "thoại" và đối xử với nhau bằng trân trọng của lắng nghe.
Nhiều người chỉ chăm chăm nói cho sướng miệng nên chỉ có cái miệng được sướng, vấn đề thì mãi nằm lại không được giải quyết vì miệng sướng thì tai sẽ bị bít vậy. Ta không thể cùng lúc vừa nói vừa nghe, không thể cả hai cùng nói hay một trong hai im lặng trong suốt cuộc đối thoại.
"Tại sao em nói mãi mà anh không hiểu nhỉ?" giống như một bề trên kẻ cả chứ chẳng phải sự cầu thị cần có trong một cuộc đối thoại. Là bạn chỉ quan tâm đến việc bạn nói, chứ không quan tâm đến việc đối phương hiểu thế nào, bạn đang chỉ muốn đối phương nghe và tuân lệnh.
Đặt ngược lại với bản thân mình xem, nếu ai đó cố bắt bạn hiểu bằng những mệnh lệnh, liệu bạn có muốn nghe không? Liệu tự ái trong bạn có cho phép bạn ngồi im chịu trận? Tôi vẫn nói rằng lẽ đời người ta vẫn dùng đường đối ngọt, dùng dao đối sắc, bạn hẳn chưa quên? Là chúng ta cần làm gì chứ không phải anh phải làm thế này hay thế nọ.
Là cùng nhau gỡ rối vấn đề chứ không phải làm rối vấn đề. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Là trau chuốt câu từ để lọt tai nhau thay vì thảy cả đống ngôn từ mặc kệ kích cỡ tai của đối phương thế nào.
"Giá mà mình hiểu được" cũng vậy. Là hiểu rồi thì thay đổi bản thân mình trước nhất chứ đừng đổ hết cho bên kia. Mình đã hiểu chứ có phải bên kia đã hiểu đâu? Sao mình bắt bên kia cũng phải hiểu được như mình? Tôi vẫn nói: Nhìn Thấu chứ đừng chỉ là Nhìn Thấy. Có nhìn thấu mới có nhìn thoáng, bằng chỉ nhìn thấy sẽ toàn bề bộn ngổn ngang thôi. Giống để mắt sẽ nhìn thấy, để tâm sẽ nhìn thấu vậy.
Biến những tiếc nuối của "giá mà…" thành hành động thay đổi hiện tại, thay đổi bản thân mình. Đừng để những "giá mà…" khiến cho hiện tại của bạn chỉ toàn những ngổn ngang, bừa bộn, chờ ai đó dọn dẹp, sắp xếp lại giùm bạn. "Giá mà…" chính là một thứ lý do bạn viện dẫn để không muốn thay đổi cuộc đời của bạn mà thôi.
"HÔM QUA" CHẲNG CÓ "GIÁ" NHƯ BẠN NGHĨ
Trân trọng ngày hôm qua vì nếu không có nó, ta đã chẳng trở thành ta của hôm nay. Nhưng có những ngày hôm qua không có giá trị gì sất với ngày hôm nay của ta đâu!
Bài học lòng người mà ta học từ ngày hôm qua chẳng có giá trị với cách nhìn người của ta ngày hôm nay đâu. Thậm chí, nó khiến bạn thành kẻ định kiến, khuôn mẫu. Bởi những người bạn gặp ngày hôm qua không phải là những người bạn gặp ngày hôm nay. Bởi hôm qua bạn non dại, họ cũng vậy, giờ họ đã trưởng thành, như bạn. Bởi những người bạn gặp trong quá khứ không đại diện cho những người bạn gặp trong hôm nay. Họ chỉ là một người đã từng lừa dối bạn chứ không phải cuộc đời toàn những người lừa dối bạn.
Cơ hội ngày hôm qua bạn để mất không có nghĩa là bạn không còn cơ hội nào nữa trong hôm nay. Chúng ta luôn có một cơ hội tên là Cơ Hội Thứ Hai sau khi mất đi Cơ Hội Đầu Tiên. Đừng để những mất mát của hôm qua khiến bạn đóng cửa lòng mình ngày hôm nay. Đừng nghĩ mọi cánh cửa đã khép hết với bạn chỉ vì ngày hôm qua nó đã khép.
Bạn của hôm qua thật tệ không có nghĩa là bạn của hôm nay đáng phải chịu những sai hỏng đó. Chúng ta tốt lên so với chính bản thân mình của hôm qua chứ không phải sống tiếp phiên bản lỗi trong hôm qua của mình.
Quá khứ không quyết định hiện tại nhưng hiện tại có thể quyết định được tương lai. Bạn của ngày mai chính là những gì bạn đang làm ở hôm nay.
Vết thương từ hôm qua không đau đến hôm nay nếu như bạn không cho phép nó làm bạn đau thêm một ngày nào nữa. Sử dụng hiện tại của mình cho đúng và xứng đáng với những gì bạn xứng đáng và thấy đúng.