pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Gia tài" độc đáo của tác giả tiểu thuyết "Lật án tử hình"
Nhà văn Lại Văn Long
Nghề báo nuôi nghề văn
+ Viết báo ở mảng đề tài vụ án, gay cấn có thể xem là thế mạnh cho người viết truyện trinh thám nhưng cũng có nguy cơ giết chết sự lãng mạn mà người viết văn cần có? Anh cân bằng điều này thế nào?
Lúc tôi mới bắt đầu làm phóng viên Báo Công an TPHCM, nhiều người cũng lo tôi sẽ bị chai cứng cảm xúc và mất đi sự lãng mạn, trí tưởng tượng bay bổng để viết văn...
Bản thân tôi cũng nghĩ như vậy! Đến nay, sau 32 năm, tôi rất cảm ơn nghề báo và công việc tại Báo Công an TPHCM đã cho tôi một "kho tàng" kiến thức, cảm xúc để tôi trở thành tác giả của "Hồ sơ lửa" và những tiểu thuyết trinh thám, hình sự, như: "Thánh Nữ", "Á Nhân"…
Với tôi, nghề báo "nuôi" nghề văn đúng cả về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Nhưng mọi thành công đều phải từ ý chí, nghị lực, đam mê, kiên nhẫn... trong lao động nghệ thuật và có phông văn hóa của mình!
+ Từ tiểu thuyết "Lật án tử hình" đến phim truyền hình dài tập "Nữ luật sư", chắc hẳn sẽ có nhiều câu chuyện mà tác giả tiểu thuyết muốn chia sẻ?
Khoảng năm 1999, trong một chuyến công tác ra Bình Thuận cùng nhà thơ Thiên Hà, chúng tôi là phóng viên Báo Công an TPHCM nên được cung cấp kết luận điều tra "Kỳ án vườn điều" để viết bài tuyên truyền về ý thức chấp hành pháp luật đăng trên Báo Công an TPHCM...
Nhiều năm qua đi, một hôm, tôi ngồi ở cơ quan đọc báo và bàng hoàng khi nhiều tờ báo cùng đăng về những sai sót trong quá trình điều tra, xử lý, tuyên án các bị cáo trong vụ án này. Nhớ lại bài báo trước đây mình đã viết về vụ án này, tôi thật sự áy náy và rất buồn, dù mình không có lỗi gì trong việc đưa tin theo quan điểm kết luận của cơ quan điều tra.
Ở Việt Nam cũng như ở hầu hết các quốc gia, các nhà báo khi tường thuật vụ án đều phải dựa theo thông tin cung cấp từ nhà chức trách (trừ những trường hợp đặc biệt, các phóng viên tự điều tra, thu thập chứng cứ...).
Thời điểm đó, tôi được cấp trên giao phụ trách bộ phận phóng viên, cộng tác viên khu vực miền Trung, Tây Nguyên nên đề xuất Ban Biên tập cử 2 phóng viên ra Bình Thuận, lấy thông tin, kết luận mới nhất về "Kỳ án vườn điều" và việc minh oan, xin lỗi, bồi thường cho các bị cáo chịu oan sai để đăng trên Báo Công an TPHCM. Nỗi oan khiên của 9 con người ấy dù có vơi đi nhưng vẫn cứ ám ảnh tôi...
Năm 2016, Báo Công an TPHCM hợp tác với một số đơn vị thực hiện dự án phim truyền hình 1.100 tập mang tên "Hồ sơ lửa", được khán giả truyền hình và báo chí rất quan tâm. Nhưng phim chỉ phát sóng được 3 phần, với 138 tập, rồi dừng lại vì nhiều lý do.
Tôi vẫn kiên trì thêm 4 năm để viết hoàn chỉnh bộ tiểu thuyết "Hồ sơ lửa", trong đó có phần 5 - "Lật án tử hình". Bộ sách này đã được NXB Công an nhân dân cấp phép, SBooks phát hành vào cuối năm 2022.
Đến nay, "Hồ sơ lửa" đã nhận được nhiều giải thưởng như: giải "Cây bút Vàng" của Bộ Công an 2018; Kỷ lục Việt Nam 2022 là Bộ tiểu thuyết hình sự nhiều tập nhất được thực hiện trong 30 năm (1992 - 2022); giải "Ngôi sao Xanh" cho phim truyền hình được yêu thích nhất 2017 (phim Mật danh Đ9) trong series phim "Hồ sơ lửa"…
+ Vì sao anh từng viết kịch bản phim nhưng không tự chuyển thể tác phẩm của mình với "Lật án tử thần"?
Tôi chưa được đào tạo chính quy về viết kịch bản phim, chỉ học lỏm các đàn anh, đàn chị là những Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú trong 3 năm làm dự án phim "Hồ sơ lửa", nên chưa tự tin lắm.
Riêng tiểu thuyết "Lật án tử hình" thì đối tác chỉ mua bản quyền rồi nhờ biên kịch Châu Thổ chuyển thể thành 35 tập phim "Nữ luật sư". Dù kịch bản hay tiểu thuyết thì tôi vẫn hạnh phúc, hào hứng khi các nhân vật mình sáng tạo được xuất hiện trên phim.
Tôi yêu những nhân vật của mình vô cùng. Tôi cảm ơn những diễn viên tài năng đã làm cho các nhân vật của tôi thăng hoa, đẹp đẽ và mang nhiều thông điệp tích cực đến với đông đảo khán giả phim truyền hình!
Hàng vạn trang bản thảo viết tay
+ Nghe đồn nhà văn Lại Văn Long không viết văn, viết kịch bản bằng máy tính mà vẫn trung thành với viết tay. Vì sao anh chọn viết tay?
Trong suốt 36 năm cầm bút, tôi đã viết được khoảng 20 đầu sách (tiểu thuyết và tập truyện ngắn), tất cả đều được viết bằng bút mực trên giấy như những tiền bối cách đây vài trăm năm. Tôi tận dụng các tờ giấy A4 đã in một mặt, thải loại để viết. Nếu mua giấy mới thì ngồi mãi, viết mãi cũng không ra chữ, chả hiểu tại sao?
Tôi thường viết bằng bút kim mực đỏ lên giấy đã in một mặt đó. Hơn vạn trang bản thảo đều như vậy. Khi đủ bộ giấy cũ, bút kim đỏ như vậy, cảm xúc rất mãnh liệt, nhiều khi tôi viết đến 15-17 trang một đêm, viết đến tê hết bàn tay, cổ tay. Vợ tôi đã mua cho tôi máy tính màn hình lớn và cố bày tôi viết trên máy nhưng chỉ nữa tiếng là tôi chán, không muốn làm nữa, lại lấy giấy bút ra viết.
Đến giờ, tôi vẫn không viết bằng máy tính được. Hiện tại, bản thảo viết tay của tôi lưu giữ đã dày khoảng 1,2m với hơn vạn trang. Tôi rất vui với "gia tài" độc đáo này!
+ Anh từng chia sẻ, bị chia tay ở tuổi ngoài 20 vì đề nghị bạn gái nuôi mình vài năm sau khi kết hôn để viết văn và nếu thành công sẽ nuôi cô ấy cả đời. Vậy với vợ anh, chị ấy chấp nhận một người chồng ôm mộng lớn văn chương như thế nào?
Tôi may mắn có người vợ giỏi giang, gia đình hạnh phúc nên suốt 30 năm nay, tôi toàn tâm, toàn ý cho công việc làm báo và sáng tác văn chương. Vợ tôi làm ngành y, quán xuyến mọi việc trong gia đình. Nhờ đó, tôi mới rảnh cả "đầu óc" lẫn "tay chân" để theo đuổi những giấc mơ.
Viết một tiểu thuyết hay truyện ngắn đối với tôi là một giấc mơ. Tôi luôn hạnh phúc với những giấc mơ như vậy, dù khá vất vả và phải "hy sinh" những thú vui khác như: cà phê cùng bạn bè, đi chơi, xem phim, nghe nhạc, coi đá banh…
+ Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Nhà văn Lại Văn Long sinh năm 1964 tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), tốt nghiệp khoa Triết, trường ĐH Tổng hợp TPHCM năm 1988; công tác tại Báo Công an TPHCM từ đầu năm 1992 đến nay.