pnvnonline@phunuvietnam.vn
Gia tăng đột quỵ mùa lạnh, cần làm gì để phòng ngừa
Nữ bệnh nhân bị đột quỵ được điều trị tại Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên Ảnh: BSCC
Đột quỵ vào sáng sớm
Bị xuất huyết não do vỡ dị dạng mạch máu não, chị Trần Phương Lan, 44 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội đã phải nhập viện cấp cứu. Sau khi can thiệp bằng phẫu thuật và chăm sóc tích cực, tình trạng bệnh đã ổn định. Tuy nhiên, di chứng là nửa người phải bị liệt, mất ngôn ngữ cấp tính, suy giảm nghiêm trọng khả năng giao tiếp.
"Hôm ấy tôi ngủ dậy buổi sáng vừa ra khỏi giường thì thấy người tê đi, đầu óc choáng váng, không nói được. Đến khi tỉnh lại thì thấy mình đang ở trong bệnh viện rồi. Tôi có tiền sử cao huyết áp nên hay uống thuốc sau khi ăn sáng. Hôm ấy chưa kịp uống đã bị đột quỵ", chị Lan cho hay.
Một nữ bệnh nhân khác 66 tuổi, được chuyển tuyến từ Bệnh viện Huyện Võ Nhai xuống Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên giờ thứ 6 trong tình trạng nói khó liệt hoàn toàn nửa người trái. Bệnh nhân được chẩn đoán bị nhồi máu não.
"Tôi bị đột quỵ ngay khi vừa ngủ dậy. Bác sĩ nói may mắn là tôi được đưa vào viện cấp cứu sớm, sau khi sơ cứu đã được chuyển lên tuyến trên điều trị kịp thời nên tình trạng cải thiện tốt. Từ giờ không dám chủ quan với sức khỏe nữa, đặc biệt là trong thời tiết lạnh thế này", nữ bệnh nhân chia sẻ.
Thời điểm rét đậm, tại nhiều cơ sở y tế ghi nhận số lượng bệnh nhân đột quỵ liên tục gia tăng. Riêng tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên hiện đang điều trị trên 30 người bệnh bị đột quỵ não nặng.
Trung bình tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân đột quỵ não mỗi ngày, tăng 30% so với những thời điểm trước. Theo BSCKII. Bùi Thị Huyền, Trưởng khoa Thần kinh - Phụ trách Trung tâm Đột quỵ, các trường hợp đột quỵ trong mùa rét chủ yếu là chảy máu não.
"Nguyên nhân chính là do huyết áp cao, khi thay đổi thời tiết hoặc do người bệnh tiếp xúc môi trường lạnh đột ngột, sẽ gây tăng huyết áp làm vỡ mạch máu não dẫn đến chảy máu não", bác sĩ Huyền nói.
Bác sĩ Đoàn Văn Phúc, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, mùa lạnh quá trình vận động ít hơn, lượng nước uống vào ít hơn, máu sẽ bị cô đặc hơn, đấy là một trong những nguyên nhân gây tăng huyết áp.
Bên cạnh đó, vào mùa lạnh, sự thay đổi môi trường đột ngột cũng gây co mạch, tăng huyết áp. Trong khi đó, thường buổi sáng ngủ dậy người dân chưa kịp dùng thuốc khiến phần lớn số ca bị đột quỵ mùa lạnh xảy ra vào sáng sớm", bác sĩ Phúc phân tích.
Kiểm soát đột quỵ mùa lạnh
Thời tiết lạnh là nguy cơ hàng đầu gây ra đột quỵ. Theo ThS.BS Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E, các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ có thể xảy ra trước khi khởi phát đột quỵ nghiêm trọng khoảng vài giờ hoặc một ngày, một tuần.
Bác sĩ Yên cho biết, "giờ vàng" trong cấp cứu đột quỵ nhồi máu não được khuyến cáo trong 3 - 4,5 giờ đầu. Cấp cứu đột quỵ trong thời gian vàng giúp hạn chế tối đa các biến chứng và người bệnh phục hồi nhanh.
Thời gian cấp cứu càng lâu, hệ thần kinh càng bị tổn hại nhiều, gây hậu quả nghiêm trọng, lâu phục hồi, thậm chí không thể phục hồi, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, thậm chí, tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
"Khi gặp các triệu chứng của đột quỵ như miệng méo, vận động yếu và khó cử động tay chân, nói ngọng, nói không tròn vành rõ chữ, giao tiếp khó khăn phải nghĩ ngay đến đột quỵ.
Mỗi người nên chủ động phòng tránh bằng cách tự nâng cao hiểu biết, nhận diện biểu hiện của đột quỵ, chịu khó lắng nghe cơ thể và khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào bất thường cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín có đủ điều kiện điều trị đột quỵ nhằm đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất", ThS.BS Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên khuyến cáo.
Để phòng tránh đột quỵ trong mùa lạnh nhất là những ngày rét đậm, rét hại, BSCKII. Bùi Thị Huyền, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên khuyến cáo, người dân cần phải kiểm soát được nguy cơ tăng huyết áp, thường xuyên khám bệnh định kỳ, ít nhất 1 năm 2 lần để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ.
"Người dân cần giữ ấm cơ thể và cẩn trọng mỗi khi ra khỏi phòng, hoặc sau khi tắm, tránh để cơ thể lạnh đột ngột, không nên tập thể dục sớm quá. Cần có chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý.
Người trẻ tuổi trước khi đi ngủ buổi tối nên uống một cốc nước, sẽ giảm nguy cơ tăng huyết áp. Tuy nhiên, đối với người cao tuổi thì không nên uống nước vào ban đêm mà nên uống đủ lượng nước vào ban ngày", bác sĩ Huyền nhấn mạnh.