pnvnonline@phunuvietnam.vn
Gia tăng số ca mắc bệnh cúm A, nhiều trường hợp phải thở máy
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: TT
Số ca mắc cúm A đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt ở người già và trẻ nhỏ, trong đó có nhiều ca diễn biến suy hô hấp nặng, phải thở máy.
Theo thống kê của Bộ Y tế, kết quả giám sát trường hợp mắc bệnh cúm cho thấy các chủng virus cúm hiện đang lưu hành ở Việt Nam vẫn là virus gây bệnh cúm mùa, trong đó chủ yếu là các chủng cúm A/H1N1, cúm A/H3N2, cúm B...
Gia tăng bệnh nhân mắc cúm
Trong 2 tuần gần đây, tại một số bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân đủ mọi lứa tuổi đến khám và chủ yếu được xét nghiệm và chẩn đoán mắc các bệnh cúm A.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho hơn 10 ca mắc bệnh cúm A trong tình trạng nặng, đáng lo ngại khi có 2 trường hợp nhiễm cúm A nguy kịch đang phải lọc máu, thở máy tại khoa Hồi sức tích cực. Trong đó, trường hợp một nữ bệnh nhân 59 tuổi, ở Thái Nguyên có bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường, thừa cân, béo phì, được chuyển vào viện trong tình trạng biến chứng khi nhiễm cúm gây suy hô hấp, viêm phổi, suy tim.
Trường hợp thứ hai là nam bệnh nhân 66 tuổi vào nhập viện trong tình trạng suy hô hấp rất nặng. Trước đó, bệnh nhân bị sốt, ho, sau 3 ngày bệnh không đỡ đã được gia đình đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Tại Khoa Hồi sức Tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), bệnh nhân được xét nghiệm cho kết quả mắc cả cúm A và COVID-19. Do có bệnh nền tiểu đường nên bệnh nhân diễn biến nặng rất nhanh khi cùng lúc mắc cả hai bệnh truyền nhiễm. Sau hơn 10 ngày điều trị tích cực, các chức năng về hô hấp của bệnh nhân đã được hỗ trợ bằng máy thở, tạm thời ổn định nhưng tiên lượng vẫn rất nặng nề, cần có thời gian điều trị lâu dài.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong số các trẻ đến thăm khám có chỉ định làm xét nghiệm mỗi ngày, có khoảng 100-150 trường hợp có kết quả mắc cúm, chủ yếu là cúm A, trong đó, 15% ca nặng phải nhập viện điều trị. Phần lớn trẻ mắc cúm nhập viện điều trị do bị biến chứng viêm phổi, phải thở oxy. Thậm chí có 2 ca suy hô hấp, đang phải thở máy do nhiễm cúm trên nền bệnh tim và thuyên tắc động mạch phổi…
Chưa ghi nhận chủng virus cúm có độc lực cao
Theo Tiến sỹ Vũ Ngọc Long, Phó Trưởng phòng Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm (Cục Y tế dự phòng), thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm cho thấy tình hình bệnh cúm ở Việt Nam trong những tuần gần đây mặc dù có sự gia tăng ca mắc nhưng đây không phải là sự bất thường. Bởi lẽ, đây là khoảng thời điểm giao mùa Đông Xuân nên thời tiết thay đổi thất thường, lúc ấm, lúc lạnh thuận lợi cho bệnh đường hô hấp phát triển, trong đó có các tác nhân gây bệnh cúm.
Tiến sỹ Long thông tin thêm kết quả giám sát các trường hợp cúm cho thấy, các chủng virus cúm hiện đang lưu hành ở nước ta vẫn là các chủng virus gây bệnh cúm mùa, trong đó chủ yếu là các chủng cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B, hiện chưa ghi nhận các chủng virus cúm có độc lực cao lây truyền từ gia cầm sang người như cúm A/H5N1, A/H5N6 hoặc A/H7N9. Các chủng virus cúm mùa lưu hành ở Việt Nam hiện nay cũng tương tự như các nước trên thế giới, chưa phát hiện có sự đột biến gen ở các chủng này tại Việt Nam.
Bệnh cúm mùa, trong có bao gồm các tác nhân gây bệnh là các chủng cúm A, đã lưu hành ở Việt nam từ nhiều năm nay và có xu hướng giảm nhẹ về số mắc trong những năm gần đây. Tuy nhiên, cúm A lây truyền qua đường hô hấp, qua các giọt bắn khi tiếp xúc gần với người bệnh hoặc qua tiếp xúc với bề mặt bị nhiễm virus nên bệnh thường có xu hướng gia tăng vào những thời điểm có những sự kiện tập trung đông người và trong khoảng thời gian giao mùa do sự thuận lợi cho virus phát triển.
Hiện nay, thời tiết nóng, lạnh thất thường và có sự gia tăng giao lưu, đi lại trong dịp đầu năm mới cũng như chuẩn bị đón Tết Nguyên đán nên dễ có nguy cơ nhiễm virus cúm nếu người dân không chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh cá nhân phù hợp. Bộ Y tế tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh để có những khuyến cáo phù hợp.
Bệnh cúm mùa nói chung trong đó bao gồm một số chủng cúm A như A/H1N1, A/H3N2 đã có vaccine phòng bệnh đặc hiệu cũng như các biện pháp phòng bệnh chung.
Ngoài ra, việc nhận biết sớm các triệu chứng của cúm A sẽ giúp mỗi người, mỗi gia đình có thể xử trí và đưa trường hợp mắc bệnh đến bệnh viện thăm khám kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Để chủ động phòng chống bệnh cúm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động áp dụng một số biện pháp sau:
Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Đeo khẩu trang khi đi tới nơi đông người và trên các phương tiên vận chuyển công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.