pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giãi bày chuyện “quỹ đen”
“Ngày chưa lấy vợ, mình có một suy nghĩ khá đơn giản: Lấy nhau rồi thì tiền làm ra được đều là của chung. Thế nhưng một thời gian sau khi cưới, mình mới cảm thấy có nhiều vấn đề phát sinh hơn trong chuyện tài chính gia đình. Mình không phản đối việc đưa hết tiền lương cho vợ cầm hàng tháng. Nhưng chuyện chi tiêu trong gia đình đôi khi không thể giao hết trách nhiệm lên cho 1 người.” Dương Quân (Hà Nội, freelancer) chia sẻ câu chuyện tài chính sau 6 năm kết hôn.
Lý do “đột xuất” bao biện cho việc lập quỹ đen
Nhiều người thường có thói quen đưa hết tiền cho vợ giữ. Hoặc nếu trong gia đình, có 1 người mạnh về mặt quản lý tài chính, sẽ cầm “quỹ gia đình”, và đa số là phái nữ. Việc đưa hết lương cho vợ là điều dễ hiểu, nhưng không phải ông chồng nào cũng dám đưa hết “thu nhập” giao cho vợ. Bởi vì cánh đàn ông, thu nhập từ lương chỉ là phụ, còn khả năng kiếm tiền thêm ở ngoài lại khá lớn, thậm chí gấp mấy lần lương. Và số tiền đó, đương nhiên sẽ được đặt vào “quỹ đen”. Nhưng tùy vào mục đích sử dụng, quỹ đen sẽ được chi tiêu theo nhiều kiểu khác nhau. Đối với cá nhân mình, quỹ đen được dùng vào những trường hợp đột xuất, và nó không xấu như cách mọi người thường áp đặt. Đôi lúc, tình trạng tài chính gia đình trở nên căng thẳng hơn nếu không có quỹ đen.
Ví dụ, nếu đưa hết tiền để vợ cầm, vậy những buổi tụ họp cùng bạn bè chưa kịp “xin phép” từ trước sẽ chẳng thể diễn ra. Sở thích mua máy ảnh, đồ công nghệ hơi mắc tiền, hoặc các linh kiện bản giới hạn mà vợ có thể coi là lãng phí, sẽ không thể giải quyết. Đã từng có lần, mình có dự án nhỏ cần đầu tư cùng bạn, nhưng vì vợ lo lắng về rủi ro mất tiền mà xảy ra tranh cãi. Vậy những lúc đó, nếu như có quỹ đen ở giữa giải quyết, thì mọi chuyện thật dễ dàng. Vợ không sợ được sợ mất, mình cũng không bực bội vì mất dự án ngon. Đôi khi, để giữ một mối quan hệ, để có được thêm các nguồn thu nhập, mình buộc phải có quỹ đen của riêng mình.
Tuy nhiên, nếu bạn đặt vấn đề này với vợ, thì quỹ đen luôn được xếp vào những chi tiêu “bất chính”. Hoặc thậm chí sẽ rất tồi tệ, nếu vợ bạn phát hiện ra quỹ đen. Khi này, việc mất niềm tin vào đối phương là điều dễ hiểu.
Lựa chọn một kế hoạch tài chính gia đình phù hợp
Nếu đã xác định sống chung cùng nhau cả đời, chuyện có “quỹ đen” dù dùng cho bất cứ mục đích gì, đều sẽ trở nên bất ổn. Vậy nên, một kế hoạch tài chính phù hợp là điều rất quan trọng.
Nhìn lại vấn đề, mục đích đưa hết tiền lương cho vợ là sự đóng góp vào xây dựng tổ ấm. Vốn dĩ là mục đích tốt đẹp, nhưng nếu không thực hiện khéo léo, vợ chồng trẻ sẽ rất dễ nảy sinh mâu thuẫn xung quanh chuyện tiền bạc. Gia đình mình đã mất nhiều thời gian, thử đủ các phương pháp quản lý tài chính. Đến cuối cùng, mình tìm được cách khiến cả hai đều vui vẻ giao tiền cho đối phương quản lý.
Thứ nhất, mình hoàn toàn từ bỏ “quỹ đen”. Việc có quỹ đen gây ra rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Nó đến từ phản ứng của cả 2. Mình cần có quỹ vì có những khoản cần chi tiêu không thể bộc bạch ngay lập tức cùng vợ, và vợ mình thì cảm thấy khó chịu vì chuyện quỹ đen của chồng. Cho đến sau này, khi chúng mình tìm được cách giải quyết ổn thỏa cả hai vấn đề.
Thứ hai, mình bàn vợ cách quản lý tiền. Bản chất của người phụ nữ lúc nào cũng muốn lo toan cho cuộc sống gia đình. Nhưng đôi khi, việc vợ mất cân bằng trong quản lý tài chính vẫn sẽ xảy ra. Mình bắt đầu kiếm tiền từ rất sớm, nên chuyện “Kiếm tiền - Tiêu tiền - Giữ tiền” đã khắc sâu vào đầu. Nhưng vợ mình thì ngược lại. Khi cầm số tiền lớn trong tay, đôi khi vợ vẫn có những lần chi tiêu quá tay không kiểm soát, hoặc có đôi chút chủ quan với khả năng tài chính. Mình luôn gợi ý để vợ có thể làm quen với việc ghi chép lại tất cả những khoản đã chi, lên kế hoạch chi tiêu cho hàng tháng. Đối với những khoản chi tiêu lớn, 2 vợ chồng sẽ cùng bàn bạc và đưa ra quyết định tốt nhất.
Thứ ba, lập tính kỷ luật cho bản thân. Với thói quen có quỹ đen, cũng có đôi lúc mình nhận thấy bản thân chi tiêu hơi quá đà. Quỹ đen giúp mình giải quyết rất nhiều vấn đề êm đẹp, nhưng nó cũng chính là con dao 2 lưỡi, khiến cho mình dễ dãi với bản thân trong những quyết định mua sắm, đầu tư. Khi có tiền trong túi, sẽ kích thích mình chi tiêu nhiều hơn. Vậy nên sau 1 thời gian đấu tranh, quyết định từ bỏ quỹ đen khiến mình thoải mái hơn vì không còn bí mật gì phải che dấu.
Thứ tư, tuân theo nguyên tắc tài chính duy nhất. Việc từ bỏ quỹ đen đánh dấu 1 trang mới trong quản lý tài chính gia đình. Thay vì chỉ có 1 quỹ gia đình chung, khoản gì cũng nhìn vào quỹ đó, gia đình mình chia số tiền chung này thành 2 khoản quỹ nhỏ hơn: Quỹ chung - Quỹ riêng.
- Quỹ chung: Đây là khoản quỹ dành riêng cho những khoản chi phí sinh hoạt chung của gia đình như: ăn, ở, mua sắm chung, nhu yếu phẩm, nuôi con... Đây là quỹ chiếm 80% trong tổng số thu nhập của cả 2 vợ chồng. Khoản tiền này do vợ cầm, nhưng mình luôn hỗ trợ trong mọi tình huống.
- Quỹ riêng: Vì đã gạt bỏ quỹ đen ra khỏi cuộc sống, gia đình mình thiết lập quỹ riêng cho từng người. Dù đã kết hôn, nhưng ai cũng sẽ có những nhu cầu riêng cần chi tiêu. Ví dụ, mình thì liên quan đến những sở thích cá nhân như game, bóng đá, máy ảnh, hoặc đôi khi là vài dự án chỉ để duy trì mối quan hệ. Vợ mình thì sẽ là những chi tiêu cho mua sắm, làm đẹp, sở thích cá nhân... Bất cứ khoản tiền nào có nguy cơ khiến đối phương cảm thấy không thoải mái, chúng mình sẽ sử dụng 20% còn lại của thu nhập.
Nhìn chung, vấn đề quan trọng nhất trong tài chính gia đình, là sự tin tưởng trong mỗi quyết định chi tiêu của đối phương. Tài chính là phần khá lớn ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, và là trách nhiệm của mỗi thành viên. Không nên áp đặt hết áp lực chi tiêu vào người cầm quỹ, mà vợ chồng trẻ phải biết san sẻ và tìm cách xử lý những vấn đề xoay quanh tiền bạc cùng nhau.