Từ xưa, có quan niệm rằng phụ nữ khó có thể làm kiến trúc bởi đòi hỏi áp lực từ công việc, tới việc phải chăm sóc gia đình mình. Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, phụ nữ càng đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực của đời sống từ chính trị, kinh tế đến xã hội, nghệ thuật… Theo bà Cynthia Phifer Krakauer - Giám đốc điều hành tại Công ty kiến trúc Beverly Willis, trong khi phụ nữ chiếm 42% sinh viên tốt nghiệp trường kiến trúc, họ chỉ đại diện cho 26% học viên được cấp phép trong nghề kiến trúc, 17% lãnh đạo công ty là phụ nữ. Bằng niềm đam mê của mình, đã có rất nhiều nữ kiến trúc sư vươn lên và dần khẳng định vị trí của họ. Họ nỗ lực không ngừng góp phần xóa bỏ hàng rào phân biệt đối xử giữa nam giới và nữ giới trong ngành kiến trúc. Các kiến trúc sư nữ với sự mạnh mẽ, cá tính nhưng cũng pha lẫn một chút dịu dàng, uyển chuyển đã góp phần làm cho bản đồ kiến trúc của thế giới được phong phú và đa dạng hơn. Sự sáng tạo của họ phá vỡ mọi quy tắc cứng nhắc và hướng tới sự bình đẳng.
Dưới đây là các gương mặt nữ đạt Giải thưởng kiến trúc 2019:
Toshiko Mori
Toshiko Mori là một kiến trúc sư Nhật Bản, là người sáng lập và hiệu trưởng của Toshiko Mori Architect có trụ sở tại New York (Mỹ). Bà đã giành được nhiều danh hiệu cao quý: Giải thưởng của Học viện Nghệ thuật và Thư tín Mỹ năm 2005; Giải thưởng AIA 2017 của Viện Kiến trúc sư Mỹ năm 2017; giải thưởng Maine in America 2018. Công việc của bà Mori thoát khỏi mọi sự khắt khe của truyền thống để tạo ra những tác phẩm kiến trúc mang tính nghệ thuật cao thể hiện ở các bảo tàng ở Brooklyn và Rockland, Maine đến một trung tâm văn hóa và nghệ thuật sáng tạo ở vùng nông thôn Sénégal. Bà Mori còn giành giải thưởng Kiến trúc Quốc tế RAIC 2019 của Viện Kiến trúc Hoàng gia Canada.
Trung tâm văn hóa Thread ở Senegal do kiến trúc sư Toshiko Mori xây dựng bằng các vật liệu và kỹ thuật địa phương được vinh danh ở hạng mục kiến trúc của giải thưởng AIA 2017. Tọa lạc tại một ngôi làng hẻo lánh ở Sinthian, công trình thực hiện nhiều vai trò khác nhau phục vụ cộng đồng địa phương, vừa là không gian tụ họp, vừa là nơi biểu diễn và chỗ nghỉ tạm cho các nghệ sĩ. Xung quanh trung tâm văn hóa xây dựng bằng vật liệu đất nén và rơm này là các phòng khám, trường mẫu giáo và trường nông nghiệp. Mái nhà rơm nhấp nhô cũng hỗ trợ thu thập nước mưa, sau đó được lưu trữ trong các hồ chứa lớn. Hơn 100 phụ nữ đã thành lập một hợp tác xã để trồng rau trong vườn của Thread, nuôi sống gia đình và tạo thu nhập. Tất cả các hoạt động này đã giúp cải thiện sự gắn kết xã hội trong một khu vực đa dạng về sắc tộc.
Sharon Johnston
Bà Sharon Johnston được công nhận là một nhà lãnh đạo thế hệ mới. Bà là người đồng sáng lập công ty Johnston Marklee năm 1998 có trụ sở tại Los Angeles. Bà đã giành được hơn 30 giải thưởng lớn. Công ty bà có các dự án kiến trúc nổi tiếng, trong đó có Viện Vẽ Menil ở Houston, Texas.
Nằm giữa rừng sồi xanh ngắt, tòa nhà là cơ sở tự do đầu tiên tại Mỹ được xây dựng đặc biệt cho hoạt động triển lãm, nghiên cứu, lưu trữ và bảo tồn các bản vẽ hiện đại và đương đại. Theo các kiến trúc sư và các nhà thiết kế ánh sáng, thiết kế đạt được một sự tương tác chưa từng có giữa không gian trong nhà và ngoài trời, thiết kế hữu cơ với các tán cây che xung quanh nhưng vẫn thu được năng lượng mặt trời hoàn hảo nhất. Bà tin rằng thành công của một thiết kế được đo bằng mức độ mà công trình đó có thể tiếp cận và giải quyết vấn đề quyền của con người và xây dựng môi trường phát triển bền vững, lành mạnh. Viễn cảnh bà đặt ra cho ngành kiến trúc là những công trình có thể thay đổi tương lai của cộng đồng.
Mabel O. Wilson
Giáo dục, lý thuyết và những nhiệm vụ điều hành luôn đi cùng với nhau đối với Mabel O. Wilson. Bà được đánh giá là một kiến trúc sư thông thái với các trường phái kiến trúc, không gian chính trị và ký ức văn hóa của người Mỹ gốc Phi. Là một giáo sư kiến trúc tại Đại học Columbia và nghiên cứu sinh có thâm niên tại Học viện Nghiên cứu Kiến thức Mỹ gốc Phi, Wilson đồng điều hành Phòng thí nghiệm Châu Phi toàn cầu, nơi phục vụ nghiên cứu lục địa Châu Phi và cộng đồng người Do Thái của nó thông qua nghiên cứu, sự kiện, và sách xuất bản.
Bà đồng thời là thành viên sáng lập của nhóm “Ai gây dựng kiến trúc của bạn (WBYA) chuyên nghiên cứu những công trình kiến trúc mang vấn đề của toàn cầu hóa và các hoạt động huy động công nhân xây dựng. Wilson từng xuất bản cuốn sách “Bắt đầu với quá khứ” ghi chép quá trình thực hiện và phát triển Bảo tàng Quốc gia về lịch sử và văn hoá người Mỹ gốc Phi của Smithsonian.
Odile Decq
Bà là hiệu trưởng trường Studio Odile Decq ở Paris (Pháp), nhà sáng lập và giám đốc điều hành Học viện Chiến lược sáng tạo trong kiến trúc ở Lyon. Mang tinh thần nổi loạn của chính người kiến trúc sư, bà Odile Decq được biết đến bởi phong cách lãng mạn đặc trưng cũng như chính những thiết kế tinh tế của bà. Cả hai đều được khắc họa trên một gam màu đỏ và đen đậm nét, đặc trưng với thái độ cương quyết bài trừ truyền thống cổ hủ và thúc đẩy bình đẳng giới trong nghề kiến trúc. Các tác phẩm nổi tiếng nhất của bà bao gồm Banque Populaire de l’Ouest ở Rennes - Một công trình mở rộng của Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại của Rome (Ý); một công trình cách tân của biệt thự Maison Bernard ở Théoule-sur-Mer gần Cannes.
Dana Cuff
Trong hạng mục nhà hoạt động, người được vinh danh là bà Dana Cuff - Người sáng lập và giám đốc của nhóm nghiên cứu đô thị cityLAB. Bà là một chuyên gia về nhà ở có giá cả phải chăng và là người chuyên tham gia giải quyết tình trạng thiếu nhà ở tại California (Mỹ).