pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tới phụ nữ, trẻ em đồng bằng sông Cửu Long
Tình trạng hạn mặn tác động tiêu cực tới đời sống người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh minh họa: Ng.Phượng
Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình định cư con người Liên hợp quốc (UN-Habitat) xây dựng và huy động tài trợ từ Quỹ Thích ứng (Adaptation Fund) triển khai Dự án "Nâng cao khả năng chống chịu, phát triển khu định cư con người và sinh thái gắn kết, bền vững thông qua các can thiệp hạ tầng quy mô nhỏ ở các vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long" (Dự án HREMRD).
Chương trình này được kỳ vọng hỗ trợ gần 100 ngàn người dân tại 2 tỉnh Trà Vinh và Bạc Liêu trong việc tiếp cận nước sạch và giảm tác động của xói lở bờ biển. Ngoài ra, Dự án còn đặt mục tiêu tối thiểu 40% số cán bộ, người dân được hưởng lợi là phụ nữ.
Trao đổi với Báo PNVN, ThS. Nguyễn Ngọc Anh, Điều phối viên dự án HREMRD, cho biết: Tại Bạc Liêu, những rủi ro do biến đổi khí hậu (BĐKH) biển bao gồm sạt lở bãi bồi, bờ biển, xâm nhập mặn và suy giảm nguồn nước. Còn ở Trà Vinh, BĐKH gây nên hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường và sạt lở bờ biển.
Điều này ảnh hưởng khá lớn tới những sinh kế truyền thống của cư dân địa phương như khai thác hải sản ven bờ, trồng trọt các giống cây trồng bản địa, nhạy cảm và chịu thiệt hại lớn khi thời tiết khí hậu thay đổi. Nước biển dâng do BĐKH gây nên xói lở bờ biển, xâm nhập mặn, sụt giảm mực nước ngầm, thiếu hụt nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt.
Theo ThS. Nguyễn Ngọc Anh, tại các địa điểm khảo sát, đặc biệt là ở Bạc Liêu, đa số phụ nữ ở nhà chăm sóc gia đình, không có việc làm và thu nhập không ổn định, phụ thuộc nhiều vào đàn ông trụ cột gia đình. Thu nhập của các gia đình khu vực này chủ yếu nhờ vào đánh bắt hải sản ven bờ, không ổn định và phụ thuộc rất nhiều và điều kiện tự nhiên. Đời sống và việc học tập của trẻ em tại địa phương cũng vì vậy mà thiếu tính ổn định.
Một vấn đề nữa là điều kiện sinh hoạt, đặc biệt là thiếu nước ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống của cư dân. Khi không có mưa, phụ nữ và trẻ em phải đi xa để lấy nước sạch về. Có khi bố mẹ đi làm, các em nhỏ phải tự đi lấy nước, không ít những tai nạn đáng tiếc đã xảy ra.
Trình độ văn hóa và nhận thức của cộng đồng dân cư trên địa bàn thực hiện dự án cũng là một vấn đề lớn. Phần lớn cư dân tại các khu vực này là người dân tộc thiểu số; tính đa dân tộc, tỷ lệ mù chữ của đồng bào dân tộc là một điểm cần lưu ý cho việc xây dựng kế hoạch thích ứng biến đổi dựa vào cộng đồng hay tổ chức các chương trình tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân.
Qua đó, ThS. Nguyễn Ngọc Anh đề xuất các ban, ngành ở địa phương cần thực hiện một số biện pháp hỗ trợ cư dân thích ứng tích cực với BĐKH như: Nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực về BĐKH cho cán bộ và người dân bằng các hình thức cụ thể, thích hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, đặc trưng văn hóa trên địa bàn, đảm bảo mọi đối tượng đều được tiếp cận thông tin. Có các biện pháp công trình ứng phó với BĐKH phù hợp nhằm ngặn mặn giữ ngọt, bảo vệ bờ biển, hệ thống đê kè, cầu cống trên địa bàn.
Đặc biệt là xây dựng và phát triển một số mô hình sinh kế phù hợp với thực trạng tại địa phương; Xây dựng hệ thống xử lý và trữ nước ngọt, giải quyết vấn đề thiếu nước sạch tại 2 tỉnh.
Dự án HREMRD thực hiện hỗ trợ 2 tỉnh thông qua các can thiệp cứng và mềm. Các can thiệp cứng của dự án bao gồm hỗ trợ xây dựng các hạ tầng quy mô nhỏ như các công trình cung cấp nước sạch, đê sinh thái ngăn xói lở bờ biển.
Đây là các công trình có tác động giảm thiểu trực tiếp các tác động của BĐKH đến đời sống, sinh kế của người dân địa phương. Bên cạnh đó, dự án còn hỗ trợ thông qua các can thiệp mềm như nâng cao hiểu biết của người dân về BĐKH và định cư sinh thái, nâng cao năng lực cho các cấp quản lý, các nhà lập kế hoạch của địa phương trong đánh giá rủi ro, tính dễ bị tổn thương do BĐKH, trong lồng ghép định cư sinh thái vào chiến lược, quy hoạch và kế hoạch của địa phương mình ở cả 3 cấp: tỉnh, huyện và xã.