Giảm thời gian điều trị, cách ly với các trường hợp liên quan đến Covid-19

Linh Trần
13/07/2021 - 21:36
Giảm thời gian điều trị, cách ly với các trường hợp liên quan đến Covid-19

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19

Căn cứ diễn biến của nồng độ virus và diễn biến lâm sàng, Bộ Y tế đã quyết định giảm thời gian điều trị và cách ly với bệnh nhân Covid-19

Liên quan đến dịch Covid-19, cuối giờ chiều ngày 13/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long có cuộc làm việc với Bộ phận thường trực phòng, chống dịch của Bộ tại TPHCM về công tác chống dịch tại TPHCM và một số tỉnh miền Nam.

Tại buổi làm việc, các chuyên gia đánh giá, biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh và nhiều trong những ngày đầu do việc đào thải mầm bệnh ở nồng độ rất cao. Vì thế, việc áp dụng các test nhanh để sàng lọc, phát hiện sớm các trường hợp bệnh (F0) là cần thiết và phù hợp với tình hình dịch hiện nay. Một kết quả nghiên cứu của khoảng 20.000 bệnh nhân cho thấy, có gần 70% bệnh nhân không ghi nhận triệu chứng. Các trường hợp bệnh nhân có diễn biến nặng xảy ra sau 7-10 ngày từ khi phát hiện dương tính.

Căn cứ diễn biến của nồng độ virus và diễn biến lâm sàng, Bộ Y tế quyết định giảm thời gian điều trị và cách ly với bệnh nhân Covid-19. Theo đó, với các trường hợp mắc Covid-19 không có triệu chứng đang được chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế, sẽ xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 9 và ngày thứ 10. Nếu 2 lần xét nghiệm có kết quả âm tính hoặc 2 lần xét nghiệm dương tính nhưng chỉ số nồng độ virus thấp (CT<30) thì được xuất viện và không phải thực hiện cách ly vì khả năng lây ra cộng đồng hầu như không có. Tuy nhiên, các trường hợp này vẫn phải theo dõi, giám sát y tế tại nơi lưu trú trong 14 ngày.

Giảm thời gian điều trị, cách ly với các trường hợp liên quan đến Covid-19 - Ảnh 1.

Công nhân làm việc tại Khu công nghệ cao TPHCM

Với trường hợp dương tính SARS-CoV-2 phát hiện tại cộng đồng, nếu nồng độ virus còn cao (CT>=30)  thì chuyển đến cơ sở y tế và lấy mẫu xét nghiệm lần 2 sau 24h. Nếu kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính hoặc dương tính nhưng giá trị CT>=30 thì bệnh nhân được xuất viện và thực hiện theo dõi, giám sát y tế như trên.

Với các bệnh nhân tái dương, thì không phải thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý ổ dịch. Các trường hợp này cần tiếp tục theo dõi y tế, nếu xuất hiện triệu chứng thì liên hệ ngay với cơ sở y tế để được chăm sóc, theo dõi. Bởi qua xem xét hơn 400 trường hợp tái dương không có ca nào lây lan ra cộng đồng.

Ngoài ra, Bộ Y tế quyết định giảm thời gian cách ly xuống 14 ngày với mọi hình thức cách ly (cách ly tập trung, cách ly tại nhà) cho các đối tượng là người nhập cảnh và các trường hợp F1. Tuy nhiên, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm việc quản lý, giám sát cách ly và bàn giao, theo dõi y tế sau cách ly theo quy định.

Về điều trị, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường năng lực điều trị và thiết lập các cơ sở hồi sức tích cực (ICU) tại các bệnh viện điều trị Covid-19. Bộ Y tế đã cử đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai vào Đồng Nai để thiết lập Trung tâm ICU tại đây để thu dung điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch khu vực miền Đông Nam bộ. Với miền Tây Nam bộ, Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ thiết lập Trung tâm ICU để thu dung điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch của khu vực này.

Giảm thời gian điều trị, cách ly với các trường hợp liên quan đến Covid-19 - Ảnh 2.

Bộ Y tế họp và quyết định thay đổi thời gian điều trị, cách ly các trường hợp liên quan Covid-19

Phòng chống dịch Covid-19 tại các khu công nghệ cao

Cũng liên quan đến dịch Covid-19 tại TPHCM, ngày 13/7 Tổ thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đã phối hợp cùng UBND TP. Thủ Đức và Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM khảo sát các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp thuộc Khu Công nghệ cao.

Đại diện Khu Công nghệ cao TPHCM cho biết, đến nay, tại Khu Công nghệ cao có 154 doanh nghiệp đang thực hiện những dự án đầu tư. Trong đó có gần 90 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, còn lại đang trong quá trình triển khai dự án, chưa đi vào hoạt động.  

PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM cho biết, TPHCM đang trong những ngày thực hiện Chỉ thị 16. Khu Công nghệ cao có lượng người lao động đông. Ngoài ra, người lao động phân bố trên nhiều địa bàn, do đó đây được đánh giá là 1 trong những điểm nóng dịch bệnh. Hiện nay, TP.HCM đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh bằng việc cắt đứt các vòng lặp dịch bệnh giữa Khu Công nghệ cao, Khu Chế xuất với các khu lưu trú, nhà trọ.

Giảm thời gian điều trị, cách ly với các trường hợp liên quan đến Covid-19 - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại cuộc họp chiều nay

Trên cơ sở nhận thức đó, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao đã xiết chặt các biện pháp. Cụ thể, tăng cường kiểm tra giám sát, phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo; Yêu cầu các doanh nghiệp có nhu cầu duy trì sản xuất trong quá trình thực hiện Chỉ thị 16 phải có phương án cách ly người sản xuất. Hiện nay các doanh nghiệp được định hướng 2 phương án, bao gồm: Triển khai khu lưu trú dã chiến ngay tại doanh nghiệp, hoặc thực hiện theo mô hình "một con đường hai điểm đến" (doanh nghiệp tổ chức cách ly tập trung người lao động tại khu lưu trú bên ngoài và có phương tiện vận chuyển người lao động đến phân xưởng). Đối với cả 2 phương án này, doanh nghiệp cần kiểm soát chặt người lao động, lập danh sách người lao động, thực hiện test nhanh định kỳ.

Ban Quản lý Khu Công nghệ cao sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để kiểm tra, thẩm định các phương án. Các doanh nghiệp không đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch sẽ được yêu cầu tạm ngưng sản xuất để phòng chống dịch bệnh. Hiện nay Ban Quản lý Khu Công nghệ cao cũng đang tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện hiệu quả các nội dung trên. Mục tiêu là tận dụng thời cơ vàng 15 ngày áp dụng Chỉ thị 16 để cắt đứt các vòng lặp dịch bệnh, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào doanh nghiệp, đảm bảo an toàn sản xuất.

Trao đổi với lãnh đạo UBND TP. Thủ Đức và Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, TS Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế), cho biết, cơ bản các doanh nghiệp đã có các phương án phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên qua khảo sát thực tế, các phương án, quy trình được doanh nghiệp xây dựng chưa thực sự đảm bảo. Trường hợp có ca bệnh thì nguy cơ lây nhiễm ở các doanh nghiệp rất cao. Do đó, hiện nay các cấp, ban ngành liên quan cần tăng cường kiểm tra, giám sát, thẩm định các phương án của các doanh nghiệp để kịp thời hướng dẫn khắc phục những hạn chế. Những doanh nghiệp nguy cơ cao cần thực hiện nghiêm tạm dừng sản xuất để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm