Giảm xung đột trong gia đình đa thế hệ

29/05/2016 - 18:41
Bên cạnh mô hình gia đình hạt nhân đang chiếm ưu thế, vẫn còn những gia đình tam, tứ đại đồng đường. Dưới tác động của lối sống hiện đại, các thành viên trong gia đình đông người nên làm gì để giảm thiểu xung đột, mâu thuẫn?
Đề cao “sở trường”
Dù là người cao tuổi hay trẻ tuổi, ai cũng có những ưu điểm và hạn chế riêng. Để có được sự hòa thuận, êm ấm, cần có cái nhìn tích cực vào sở trường của nhau. Ví dụ, trong con mắt những thành viên trẻ tuổi, bậc cụ, ông bà, cha mẹ mình thực sự là những “cây cổ thụ”, là người luôn dành tình yêu thương vô bờ cho con, cháu, là một kho kinh nghiệm sống cần phải học hỏi, là cầu nối giữ gìn truyền thống của gia đình... Còn với người cao tuổi trong gia đình thì cần có cái nhìn bao dung về lớp trẻ, thấy họ là một thế hệ có sức khoẻ, có tri thức mới, năng động, nhiều sáng tạo...
Khi đề cao ưu điểm của nhau sẽ kéo gần “khoảng cách” và cùng động viên, tạo điều kiện cho nhau thực hiện tốt nhất vai trò của mình trong gia đình.
Đàm phán công khai
Người xưa thường nói "cha mẹ sinh con trời sinh tính". Thêm nữa, mỗi độ tuổi, mỗi giới tính, con người có những suy nghĩ, hành động, cách hành xử cũng như cá tính khác nhau. Trong gia đình tam, tứ đại đồng đường, sự đa dạng, phức tạp càng tăng lên và những khó khăn, mâu thuẫn, bất đồng, va chạm là điều không thể tránh khỏi. Khi có « sự cố » xảy ra, cách duy nhất « dập lửa » chính là sự công khai, minh bạch trong đàm phán. Mỗi thành viên trong gia đình cần suy nghĩ về những rắc rối một cách tỉnh táo và công khai nói lên suy nghĩ, mong muốn của mình một cách hoà nhã, chân thành. Điều này sẽ giúp mọi người dễ dàng coi nhau như đối tác và cùng chung tay giải quyết vấn đề một cách thoải mái, hiệu quả hơn.
Công bằng là nền tảng
Bất bình đẳng luôn là mầm mống của những mâu thuẫn, bất đồng. Trong gia đình chỉ có tình yêu thương nếu nền tảng của nó là sự đối xử công bằng, hài hòa, tôn trọng giữa các thành viên.
Đặc biệt, với gia đình nhiều thế hệ, công bằng càng cần phải đề cao hơn. Với người già, nếu chịu sự đối xử bất công bằng, thường mang trong mình cảm giác tủi thân, tổn thương. Với người trẻ tuổi, khi bị đối xử bất công bằng dễ dẫn đến cảm giác bất mãn, không tuân phục, phá phách… Do vậy, từng thành viên nên chú trọng trong từng suy nghĩ, hành động, lời nói của mình để tránh đối xử bất minh, thiên vị.
Nghĩ về quá khứ và tương lai
Với các thành viên thuộc các thế hệ khác nhau trong gia đình, khi có điều gì đó chưa hài lòng về nhau hoặc thực sự muốn làm những điều tốt đẹp nhất cho nhau thì hãy cùng hướng về nhau, đặt mình vào vị trí của người ấy. Thế hệ người cao tuổi nên nhắc nhở mình nhớ về quá khứ, khi mình cũng từng có một thời trẻ trung, từng có những suy nghĩ và hành động như thế... để có thể thông cảm và bao dung hơn với những người trẻ.
Ngược lại, với những thành viên trẻ tuổi trong gia đình, cũng nên nhìn vào thế hệ lớn tuổi trong gia đình mình để tiên lượng đấy chính là tương lai của mình. Hãy tự hỏi: khi về già mình cần gì ở con cháu? Mình mong muốn được đối xử thế nào? Trong hoàn cảnh ấy, liệu mình có chịu đựng được?... Qua những câu hỏi về sự hoán đổi này, sẽ giúp các thế hệ tìm được cách đối xử hài hoà, thích hợp với nhau hơn.                                                                        

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm