Giáo dục cha mẹ để chăm sóc, bảo vệ trẻ em không còn những khoảng trống

PV
02/07/2021 - 13:50
Giáo dục cha mẹ để chăm sóc, bảo vệ trẻ em không còn những khoảng trống

Vai trò của cha mẹ rất quan trọng trong việc nuôi dạy trẻ. Ảnh minh họa: K.T

Sáng nay (2/7), Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh Nam Định tổ chức hội thảo tham vấn xây dựng Chương trình quốc gia về giáo dục cha mẹ và các giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc phát triển trẻ em ở độ tuổi mầm non.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện nay trên toàn quốc chỉ có 28% trẻ em trong nhóm trẻ dưới 36 tháng tuổi đến trường (nhà trẻ). Tại địa bàn khu công nghiệp, khu chế xuất, hệ thống trường mầm non chỉ đáp ứng việc chăm sóc, giáo dục cho 44,4% nhu cầu, còn 55,6% số trẻ đang được chăm sóc, giáo dục tại tại nhà, các nhóm trẻ dưới dưới 7 trẻ tại gia đình, các nhóm/lớp độc lập tư thục.

Trong khi các cơ sở thuộc loại hình chưa đảm bảo yêu cầu chăm sóc giáo dục trẻ theo quy định của ngành giáo dục; chưa có các quy định cụ thể về tiêu chuẩn chất lượng cũng như các quy định về hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với nhóm trẻ dưới 7 trẻ/nhóm trẻ gia đình.

Giáo dục cha mẹ để trẻ em tiến bộ và phát triển - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: T.H

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương cho biết, công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ quan trọng, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, gia đình luôn giữ vai trò hàng đầu, là yếu tố quyết định đến sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay đang đặt ra không ít vấn đề cần tiếp tục được quan tâm trong công tác chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em, đặc biệt là trẻ em trong giai đoạn những năm đầu đời.

Theo Phó Chủ tịch Trần Thị Hương, nhiều cha mẹ chưa có nhận thức đúng và đủ về kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ. Bên cạnh đó, cơ hội tiếp cận dịch vụ, thông tin, kiến thức làm cha mẹ tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, xa, cha mẹ là công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế; Cơ chế chính sách và thực thi chính sách hỗ trợ cha mẹ, gia đình trong chăm sóc giáo dục trẻ em còn những khoảng trống...

Cần thiết phải có Chương trình quốc gia giáo dục làm cha mẹ

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại diện Sở, ban ngành của tỉnh Nam Định. Chia sẻ về tầm quan trọng trong việc xây dựng chương trình quốc gia về giáo dục cha mẹ, bà Đỗ Thu Hà, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới - Sở LĐTB&XH tỉnh Nam Định, cho biết, tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại hiện nay có xu hướng tăng, trẻ em bị tai nạn thương tích đặc biệt là tử vong do tai nạn đuối nước vẫn còn xảy ra, trẻ em có hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn biến khó kiểm soát.

Nguyên nhân bắt nguồn từ việc cha mẹ mải mê làm ăn, chủ quan, thiếu quan tâm, sao nhãng việc chăm sóc trẻ. Cha mẹ bận rộn mưu sinh đã phải để con lại cho ông bà già yếu chăm sóc hoặc để trẻ em tự chăm sóc, bảo vệ nhau. Cha mẹ thiếu kiến thức, kỹ năng về bảo vệ con, không hiểu được tâm sinh lý, sự phát triển của trẻ em qua từng giai đoạn nên không có phương pháp giáo dục con cái.

"Chính vì vậy, vai trò của cha mẹ rất quan trọng trong việc nuôi dạy trẻ, nếu Chính phủ ban hành được chương trình Quốc gia giáo dục làm cha mẹ thì trẻ em sẽ tiến bộ và có cơ hội phát triển về mọi mặt", bà Đỗ Thu Hà chia sẻ.

Giáo dục cha mẹ để trẻ em tiến bộ và phát triển - Ảnh 2.

Nhiều Sở, ban ngành của tỉnh Nam Định tham gia hội thảo. Ảnh: Lê Thi

Đại diện cho Sở Y tế tỉnh Nam Định, Phó giám đốc Trần Hồng Minh đề xuất Chương trình Quốc gia giáo dục làm cha mẹ nên tập trung tác động tới cha mẹ có con từ 0 đến 16 tuổi, đặc biệt là nhóm đối tượng có con từ 10 đến 16 tuổi, vì các con ở độ tuổi này có sự thay đổi mạnh mẽ cả về thể chất và tinh thần, rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của các bậc cha mẹ và của toàn xã hội.

Các bậc cha mẹ cần được hỗ trợ các nội dung trọng tâm như: Kiến thức, kỹ năng chăm sóc, bảo vệ con theo từng giai đoạn phát triển, đặc biệt là kiến thức chăm sóc trẻ sơ sinh và tuổi dậy thì của con; kiến thức về tình bạn, tình yêu để hỗ trợ, chia sẻ với con...

Theo Phó giám đốc Trần Hồng Minh, để chương trình triển khai hiệu quả nhất thì việc phối hợp giữa các Sở, ban ngành rất quan trọng, cần xây dựng kế hoạch phối hợp cụ thể, trọng tâm để các đơn vị triển khai đảm bảo chất lượng và đạt được các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra.

Thiếu nhà trẻ cho trẻ độ tuổi mầm non ở khu công nghiệp

Chia sẻ về vấn đề chăm sóc, phát triển trẻ em độ tuổi mầm non, đặc biệt là trẻ em tại các nhóm trẻ gia đình/nhóm trẻ dưới 7 trẻ tại cộng đồng, bà Bùi Thị Minh Tâm, phó trưởng phòng mầm non Sở GD-ĐT Nam Định cho biết, các trường mầm non chưa tổ chức giữ trẻ ngoài giờ, hầu hết các trường mầm non chưa đủ điều kiện nhận trẻ dưới 12 tháng tuổi.

Trước những khó khăn này, nhiều nữ lao động phải chấp nhận gửi con tại các nhóm trẻ tư thục hoặc các nhóm trẻ gia đình để thuận tiện đi làm. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục mầm non ở loại hình này đang tồn tại nhiều khó khăn, như: Trình độ giáo viên, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, chính quyền địa phương chưa kiểm soát hết, dẫn đến tình trạng thiếu sự quản lý, giám sát của cơ quan chức năng, không đảm bảo về chất lượng nuôi dạy trẻ.

Giáo dục cha mẹ để trẻ em tiến bộ và phát triển - Ảnh 3.

Có nhà trẻ tại khu công nghiệp, khu chế xuất là mong muốn của rất nhiều công nhân, người lao động

Ở các nhóm trẻ có quy mô nhỏ (dưới 7 trẻ) và những nhóm trẻ chưa cấp phép, đa số người giữ trẻ có trình độ chuyên môn thấp, thiếu kỹ năng xử lý tình huống xảy ra trong quá trình chăm sóc, giáo dục, dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn đối với việc đảm bảo an toàn cho trẻ. Một số lao động nữ khác thì chọn cách gửi con cho ông bà chăm sóc. Có nhiều trường hợp sau khi nghỉ thai sản phải nghỉ việc ở nhà nuôi con, gây ra tình trạng thiếu hụt lao động cho các doanh nghiệp tại khu công nghiệp.

Theo bà Bùi Thị Minh Tâm, Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định cũng đã hướng tới một số giải pháp giải quyết vấn đề gửi con ngoài giờ của công nhân về việc thí điểm giữ trẻ ngoài giờ ở trường mầm non, song nỗ lực này gặp khó khăn khi số lượng giáo viên theo biên chế lại không đủ để chia theo ca, đáp ứng việc giữ trẻ ngoài giờ.

Bà Bùi Thị Minh Tâm đề xuất, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình phúc lợi như trường mầm non, trung tâm văn hóa, trung tâm y tế để đảm bảo an sinh xã hội cho con em công nhân lao động trong các khu công nghiệp. Cần xây dựng cơ chế khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư mở trường ngoài công lập, hạn chế việc mở các nhóm lớp độc lập nhỏ lẻ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ… Cần tăng cường giám sát, đặc biệt là sự giám sát của cộng đồng đối với nhóm lớp độc lập tư thục về hoạt động chăm sóc, nuôi dạy trẻ để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc. Tăng cường đào tạo trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên mầm non.

Quan tâm đến vấn đề xây dựng nhà trẻ cho con các công nhân lao động khu công nghiệp, bà Trần Thị Hạnh, Ban nữ công, Liên đoàn lao động tỉnh Nam Định đề xuất Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu xây dựng chính sách phát triển cơ sở giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp. Đặc biệt là xây dựng mô hình quản lý và cơ chế vận hành cơ sở giáo dục mầm non trong các thiết chế của công đoàn tại khu công nghiệp, khu chế xuất.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm