Giáo dục giới tính từ 0 tuổi

29/03/2016 - 15:47
Cha mẹ cần nắm được cách dạy con về giới tính từ lúc 0 tuổi qua những câu chuyện nhỏ nhưng giúp con dần hiểu và biết quý trọng thân thể mình.
about-sex-2.png
Khi trẻ biết hỏi, hoặc sờ những bộ phận trên cơ thể, cho thấy bé đã bắt đầu quan tâm tới cơ thể mình. Đây là điều hoàn toàn bình thường và cha mẹ cần giúp con tiếp cận một cách dễ dàng để trẻ biết trân trọng cơ thể mình nhất. (Nguồn: The babyshows.com)

Đầu tiên, cha mẹ nên dạy để trẻ biết bộ phận sinh dục là một bộ phận quan trọng như tất cả các bộ phận khác trên cơ thể, cần được đối xử thận trọng như nhau. Khi trẻ có xu hướng sờ vào bộ phận đó, cha mẹ cũng đừng cấm đoán con. Khi bé biết đi vệ sinh một mình trong toilet, cũng là lúc cha mẹ nên bắt đầu dạy con về "vùng nhạy cảm".

Với bé trai, việc đi tiểu tiện rất cần bố làm mẫu. Bố cần dạy bé đi tiểu tiện đúng chỗ. Người mẹ nên khen bé những câu đại loại "con đi tiểu tiện giỏi quá, tiểu tiện xong rất thoải mái đúng không con?". Khen như vậy giúp bé thấy được lợi ích sinh lý của việc tiểu tiện, trẻ dần hiểu ra việc đó cần thiết cho con người.

Tương tự với việc đại tiện, cha mẹ không nên chê phân của con "hôi quá", "ghê quá",… vì sẽ khiến trẻ cảm thấy mình đang gây phiền toái cho bố mẹ, nhiều bé vì sợ mà sẽ nhịn đi vệ sinh. Khi bố mẹ khen việc đi đại tiện, tiểu tiện của con cũng như khen các thói quen khác thì sẽ khiến trẻ thấy thoải mái với sinh lý cơ thể. Điều này giúp trẻ không phủ định sinh lý này của cơ thể. Việc dạy bé trai vệ sinh bộ phận sinh dục, cũng quan trọng như dạy rửa tay, chân khi bẩn. Nguyên tắc của việc này là "bẩn thì sẽ rửa sạch". Chỉ cần bố làm mẫu, trẻ sẽ biết cách làm theo.

Khi cha mẹ tắm chung với trẻ, nếu trẻ có những câu hỏi liên quan tới sự khác biệt về cơ thể giữa cha mẹ và bé, đặc trưng ở ngực, bộ phận sinh dục,… cha mẹ hãy trả lời thẳng thắn thay vì lảng tránh. Việc hỏi như vậy cho thấy trẻ hoàn toàn bình thường. Cha mẹ sẽ nói: Khi nào con lớn như bố mẹ, thì cơ thể con cũng sẽ có sự thay đổi như vậy! Cơ thể con hiện tại rất dễ thương, còn khi lớn lên có sự thay đổi đó là thú vị đúng không nào?

Ở giai đoạn dưới 3 tuổi, cha mẹ hãy trả lời dễ hiểu. Tương tự với các câu khi con hỏi: "Con được sinh ra từ đâu hả mẹ?" hay "Vì sao con lại chui vào bụng mẹ được?" hoặc một vài câu tương tự, cha mẹ nên thẳng thắn giải thích cho con, chỉ cần thay đổi tên gọi trứng, tinh trùng, noãn... thành "nhân em bé"… để trẻ dễ hiểu hơn.

Từ 0 đến 3 tuổi là giai đoạn trẻ cần khẳng định chủ quyền với cơ thể mình nên đòi hỏi cha mẹ cần nghiêm túc khi trả lời những câu hỏi liên quan tới giới tính của trẻ.

about-sex-1.jpg
Cha mẹ nên trò chuyện với con thẳng thắn thay vì vòng vo lảng tránh, dù là giai đoạn trước 3 tuổi hay giai đoạn trẻ đã lớn hơn (Nguồn: Ocregister.com)
  • Nhà báo Thu Hà, tác giả cuốn sách "Con nghĩ đi, mẹ không biết": Rất nhiều bà mẹ hỏi tôi khi nào thì dạy giới tính cho con? Tôi nói rằng giáo dục giới tính cho con phải bắt đầu từ 0 tuổi, làm sao để con yêu bản thân mình thật nhiều, để con quý trọng chính mình. Từ đó, mẹ sẽ giúp con tự đi tìm những cuốn sách về các bộ phận cơ thể và giai đoạn dậy thì,… để đọc. Mình sẽ biết cách để nói với con: Những điều này có trong sách và con nên đi tìm, nếu con đọc sách thì sẽ tự nhiên hơn là mẹ nói. Bởi có rất nhiều chuyện mẹ nói con phản ứng và không tin.
  • Chị Nguyệt Phạm, một người mẹ đang sống tại Nhật, rất quan tâm và am hiểu về giáo dục sớm: Từ 0 đến 3 tuổi, khi trẻ bắt đầu có sự quan tâm về từng bộ phận trên cơ thể con và cơ thể mẹ, trẻ sẽ hỏi đây là cái gì? Đó là dấu hiệu cho thấy bé quan tâm tới sự khác biệt về các bộ phận trên cơ thể mẹ và bé. Lúc này, việc bắt đầu dạy về giới tính cho trẻ là hoàn toàn phù hợp.
  • Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ, tác giả một loạt cuốn sách "Viết cho con đang tuổi dậy thì", "Nói chuyện giới tính không khó", "Tuổi dậy thì không gì phải sợ": Thường khi bố mẹ nói chuyện với con hay soi mình vào trong câu chuyện. Chúng ta cần nói chuyện một cách khách quan, đừng lấy ví dụ của mình quá nhiều. Nhiều bố mẹ kể cho con như một trải nghiệm, điều đó khiến cha mẹ ngại ngần và con cũng khó tiếp thu hơn. Các bậc cha mẹ hãy trò chuyện với con một cách khách quan và thẳng thắn thay vì nói vòng vo, để con vững tin rằng “mình được sinh ra từ đâu?" và "mình sẽ quý trọng các bộ phận cơ thể của mình như thế nào?".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm