pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chính trị - Xã hội
Giáo hoàng Francis phá vỡ thông lệ, hôn chân lãnh đạo Nam Sudan để cầu nguyện hòa bình
13/04/2019 - 04:12 PM
Giáo hoàng Francis, 82 tuổi, đã phá vỡ thông lệ khi quỳ xuống hôn chân các nhà lãnh đạo Nam Sudan nhằm bày tỏ sự cảm kích với họ vì đã nỗ lực tái thiết hòa bình ở nước này.
Giáo hoàng làm mọi điều vì hòa bình
Vatican đã công bố video Giáo hoàng Francis phá lệ và hôn lên chân các lãnh đạo Nam Sudan để kêu gọi hòa bình sau khi mời họ cùng đến Vatican. Nam Sudan đã nội chiến nhiều năm nay.
Trong đoạn video được Vatican đưa ra, một phụ tá đã giúp đỡ vị giáo hoàng 82 tuổi để ngài quỳ xuống hôn chân Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir Mayardit. Sau đó, Giáo hoàng Francis làm điều tương tự với các phó thủ tướng là ông Riek Machar và bà Rebecca Nyandeng de Mabior. Họ sững sờ khi Giáo hoàng quỳ xuống hôn chân những người từng đối đầu nhau để kêu gọi gìn giữ hòa bình.
Phó Tổng thống Rebecca Nyandeng de Mabior cho biết hành động của Giáo hoàng khiến bà xúc động sâu sắc. "Tôi chưa bao giờ thấy bất kỳ điều gì như vậy. Nước mắt tôi cứ thế trào ra", de Mabior nói.
Vatican News, cơ quan truyền thông của Tòa thánh, gọi cử chỉ của Giáo hoàng là "đáng ngạc nhiên và cảm động", một điều "chỉ có thể lý giải được trong bầu không khí của sự khoan dung cho nhau". Thứ 5 Tuần Thánh (hoặc Thứ 5 Rửa chân) là một ngày lễ nằm trong Tuần Thánh của Công giáo, diễn ra trước Lễ Phục sinh để tưởng nhớ Bữa ăn tối cuối cùng của Chúa Jesus và 12 tông đồ. Chúa Jesus đã rửa chân cho các tông đồ trước khi bắt đầu bữa tiệc để răn dạy rằng cúi mình rửa chân là đặt mình ngang chân người khác, biết bỏ đi cái tôi mà phục vụ bởi tình yêu. Giáo hoàng thường rửa chân cho các tù nhân vào dịp này, nhưng đây là lần đầu tiên ông thể hiện sự tôn kính như vậy với các lãnh đạo chính trị.
Nam Sudan là quốc gia trẻ nhất thế giới, được thành lập ngày 9/7/2011 với dân số 13 triệu người, sau thỏa thuận năm 2005 với chính phủ Sudan nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 25 năm, lâu nhất trong lịch sử châu Phi. Việc giành độc lập từng được kỳ vọng sẽ mang lại hòa bình, giúp Nam Sudan bắt đầu xây dựng nền kinh tế và cải thiện cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, quá trình ly khai khỏi Sudan không giải quyết được những xung đột giữa 60 sắc tộc tại Nam Sudan, đặc biệt là hai dân tộc lớn nhất là Dinka và Nuer.
Chỉ 2 năm sau khi giành độc lập, tình trạng tranh chấp sắc tộc dẫn tới chia rẽ quyền lực chính trị trong nội bộ Phong trào Giải phóng Nhân dân Sudan (SPLM), tổ chức từng dẫn dắt cuộc đấu tranh giành độc lập của Nam Sudan, đẩy quốc gia này vào vòng xoáy nội chiến giữa các phe phái. Những cuộc giao tranh đẫm máu giữa các phe nổ ra từ năm 2013 đã khiến ít nhất 2,2 triệu người Nam Sudan phải rời bỏ nhà cửa và châm ngòi cho một thảm họa nhân đạo.
Ngoài xung đột chính trị và bạo lực, hàng loạt đợt hạn hán đã gây ra nạn đói, đe dọa trầm trọng tới an ninh lương thực ở quốc gia Đông Phi này. Nền kinh tế Nam Sudan cũng rơi vào khủng hoảng khi đồng tiền của nước này mất giá trị, khiến chi phí hàng hóa và dịch vụ tăng cao. Có thời điểm lạm phát tại Nam Sudan đã chạm ngưỡng 835%.
Tổng thống Salva Kiir Mayardit và Phó tổng thống Riek Machar từng là đối thủ của nhau khi Kiir buộc tội Machar tổ chức đảo chính năm 2013, dẫn đến cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm. Khoảng 400.000 người đã thiệt mạng và hơn 1/3 trong số 12 triệu người dân Nam Sudan phải sơ tán. Cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Nam Sudan và phe đối lập nhằm chấm dứt cuộc nội chiến ở nước này đã được nối lại vào ngày 4/8/2018 tại Thủ đô Addis Ababa của Ethiopia. Bây giờ hai người từng là địch thủ bắt tay nhau để thành lập một chính phủ liên minh.
Phái bộ Liên hợp quốc (UNMISS) tại Nam Sudan đã lên kế hoạch tăng cường lực lượng gìn giữ hòa bình ở khu vực Thượng sông Nile nhằm siết chặt an ninh và thúc đẩy niềm tin được hồi hương đối với những người bị mất nhà ở tại khu vực này. Nhiệm vụ chính của UNMISS là bảo đảm hòa bình, xây dựng sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế lâu dài cho Nam Sudan, cũng như hỗ trợ chính phủ nước này hạn chế xung đột và bảo vệ dân thường. Trong thời kỳ cao điểm, lực lượng UNMISS gồm 11.350 binh sĩ quân đội và 1.173 sĩ quan cảnh sát từ các nước thành viên LHQ. LHQ đang hỗ trợ hồi hương cho hàng chục nghìn người chạy nạn khỏi các thị trấn chìm trong giao tranh ở Nam Sudan.
Những lời tha thiết của Giáo hoàng
Tòa thánh Vatican nhóm họp các nhà lãnh đạo Nam Sudan tại nơi cư trú của Giáo hoàng Francis để cầu nguyện và thuyết giảng nhằm hàn gắn sự chia rẽ ở quốc gia này. Đây là ý tưởng của Tổng giám mục Canterbury Justin Welby. Ông nói người dân Nam Sudan đã kiệt sức vì chiến tranh và các nhà lãnh đạo có nhiệm vụ xây dựng quốc gia non trẻ của họ bằng công đạo. Theo một thống kê của Pew Research Center vào năm 2010, 60,5% trong dân số 12 triệu người South Sudan theo Cơ đốc giáo.
Tại buổi gặp các lãnh đạo Nam Sudan, Giáo hoàng Francis chia sẻ:
“Gửi tới 3 anh chị, những người đã ký một hiệp định hòa bình, với tư cách là một người anh em, ta yêu cầu các bạn hãy giữ gìn nền hòa bình đó.
Ánh nhìn của Chúa xuống mọi người là cái nhìn trao tặng sự bình an. Tuy nhiên, còn có một ánh nhìn khác xuống quý vị là ánh nhìn của người dân với mong muốn thiết tha về công lý, hòa giải và hòa bình. Người dân của anh chị đang mong chờ anh chị em trở về quê hương, mong chờ sự hòa giải của toàn dân và một kỷ nguyên mới của hòa bình và thịnh vượng cho tất cả mọi người.
Tôi đang nghĩ đến những người đã mất người thân và nhà cửa, những gia đình ly tán và không bao giờ tìm lại được, các trẻ em và người già, tôi nghĩ đến mọi người đã khổ đau cùng cực vì những xung đột và bạo lực gieo rắc chết chóc, đói kém, đau thương và nước mắt.
Quý vị thân mến, hoà bình là có thể tìm thấy. Tôi sẽ không bao giờ mệt mỏi lặp lại rằng hòa bình là có thể lập lại! Nhưng món quà tuyệt vời này của Thiên Chúa cũng đồng thời là một sự dấn thân mạnh mẽ của những người có trách nhiệm đối với dân tộc. Kitô hữu chúng ta tin và biết rằng hòa bình là có thể bởi vì Chúa Kitô đã sống lại và chiến thắng điều ác bằng điều thiện, Ngài đã bảo đảm với các môn đệ về sự chiến thắng của hòa bình trước những sự đồng lõa với chiến tranh là kiêu ngạo, tham lam, ham muốn quyền lực, ích kỷ, dối trá và đạo đức giả.
Tôi cầu chúc tất cả chúng ta biết cách đón nhận ơn gọi cao nhất là trở thành người thương thuyết vì hòa bình trong tinh thần huynh đệ và và là con của cùng một dân tộc. Dân chúng đang mệt mỏi và kiệt sức vì những cuộc chiến trong quá khứ và hãy nhớ rằng chiến tranh khiến mọi người mất tất cả! Dân chúng đang khao khát một tương lai tốt đẹp hơn thông qua hòa giải và hòa bình.
Tôi hy vọng rằng cuối cùng mọi thù địch sẽ chấm dứt, sự đình chiến được tôn trọng, những chia rẽ chính trị và dân tộc được khắc phục và hòa bình sẽ được dài lâu vì lợi ích chung của mọi người dân. Họ đang mơ ước bắt đầu xây dựng đất nước.
Thật trân quý biết bao khi những người Kitô hữu cùng dấn thân trong các sáng kiến đại đoàn kết của Hội đồng các Giáo hội Nam Sudan, vì sự hòa giải và hòa bình, vì những người nghèo khổ đã chịu lắm thiệt thòi, vì lợi ích tiến bộ của toàn dân Nam Sudan”.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có