pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giáo trình tiếng Anh nào hay nhất, tốt nhất? Thầy giáo ở Hà Nội có câu trả lời bất ngờ
Ảnh minh họa
Phần lớn mọi người khi bắt đầu học tiếng Anh và thậm chí là người đã học sau nhiều năm vẫn luôn canh cánh câu hỏi: "Giáo trình nào là hay nhất, tốt nhất?". Theo thầy giáo Đỗ Cao Sang (Hà Nội), điều này thực ra cũng là tâm lý dễ hiểu khi các bạn đang "lạc" giữa rừng giáo trình đủ loại cho trẻ em và người lớn.
Thầy Sang nhận định, những gì chúng ta mong muốn một cuốn giáo trình thì người biên soạn cũng đã nghĩ đến. Như giáo trình của Cambridge, Oxford… đều do những giáo sư lỗi lạc về ngôn ngữ, văn hóa, giáo dục biên soạn. Chúng đã được in tới hàng triệu bản trên toàn thế giới thì không cần phải thắc mắc giáo trình có hay, có chuẩn không.
Nếu bạn muốn đem so sánh xem giáo trình này hay hơn giáo trình kia thì nên so sánh trong vòng 5 năm đến 10 năm. Còn các giáo trình đồng thời đang tồn tại thì không có sự chênh lệch nhiều quá về chất lượng, nhất là các giáo trình cùng được nhập khẩu từ nước ngoài về.
Nhiều nơi hay quảng cáo giáo trình mới nhất, giáo trình nhập khẩu, giáo trình mới mua bản quyền từ nước ngoài… Thầy Sang nhận định, bất kỳ một giáo trình nào - dù giáo trình tuyệt hảo nhất - cũng có ưu và điểm nhược của nó.
Điểm yếu của giáo trình
1. Không có tính cập nhật: Tất cả các nhà soạn sách đều cố gắng đưa thực tế xã hội (lúc đang viết) vào nội dung sách nhưng vẫn không thể theo kịp diễn biến xã hội. Bởi vì, từ lúc viết sách tới lúc in cũng đã mất khoảng 1 năm. Tới khi in ra thì những sự kiện được viết trong sách đã trở thành "quá khứ" rồi. Việc chỉnh sửa, bổ sung sách (nếu có) thông thường cũng phải là sau 3 năm.
Để học sinh hứng thú học thì nội dung phải mới, phải hợp thời, được cập nhật theo tuần, thậm chí tin tức còn phải cập nhật theo từng ngày. Từ cổ chí kim không giáo trình nào có thể làm được như vậy.
2. Không viết cho từng cá thể: Khi viết một cuốn giáo trình, tác giả chỉ có thể áng chừng độ tuổi và thị hiếu chung của một nhóm khách hàng. Trong nhóm đó lại có cả hàng ngàn, hàng vạn người nên không giáo trình nào có thể viết riêng cho từng người.
3. Không sát thực với ngôn ngữ ngoài đời: Không có một giáo trình nào mô phỏng được đúng ngôn ngữ đang được sử dụng ở ngoài đời. Dù rằng người ta đã cố gắng dựa theo một đoạn hội thoại nào đó xảy ra trong thực tế. Nguyên nhân là vì, giáo trình thì phải có tính chuẩn mực về ngôn ngữ, ngữ pháp. Trong khi ngôn ngữ ngoài đời có thể đã được rút gọn hoặc biến đổi khác đi rất nhiều. Tính chuẩn mực đã làm cho giáo trình có tính nhân tạo (artificial) và tạo ra khoảng cách giữa sách vở với cuộc đời.
Điều này cũng giống như khi chúng ta biên soạn giáo trình tiếng Việt cho người nước ngoài học. Cấu trúc câu cũng phải chuẩn mực, đúng ngữ pháp, đúng từng dấu chấm, dấu phẩy… Tuy nhiên, ít khi người Việt trong giao tiếp hàng ngày lại bê nguyên một câu chuẩn mực từ sách ra.
4. Gây cảm giác nhàm chán: Não và tâm lý của người học luôn yêu thích và chạy theo cái mới. Vậy mà, trong cả một năm trời, một học sinh luôn phải lấy ra lấy vào, mở ra đóng vào 1 quyển sách. Điều này tạo ra tâm lý buồn tẻ và nhàm chán.
Ở đây, bạn lưu ý, giáo trình chưa chắc đã buồn tẻ nhưng chính việc ngày nào cũng phải nhìn quyển giáo trình đó lại tạo ra ấn tượng buồn tẻ. Mà đã buồn tẻ rồi thì người ta thường tránh xa, không muốn học nữa.
Sau hơn chục năm đi dạy, tôi đã nhận thấy học sinh rất ghét giáo trình. Cứ tới giờ học, mở giáo trình ra là uể oải, gật gù buồn ngủ mặc dù giáo trình tôi dùng khi đó là cuốn New Headway rất hay. Học sinh chỉ hứng thú với những bài phát tay (handouts) theo từng buổi học.
Những điểm yếu của giáo trình gây không ít rào cản cho người học, tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục bằng việc áp dụng phương pháp dạy khác như:
Phương pháp TPR (Total Physical Response) - phương pháp được phát triển bởi giáo sư James Asher vào những năm 1960 hoặc học qua phim tài liệu, phim truyện kinh điển; Qua các bài diễn văn nổi tiếng; Qua các kênh bản tin tiếng Anh…
Điểm mạnh căn bản của giáo trình
1. Giáo trình có tính hệ thống: Giáo trình thường được biên soạn nội dung bài học có tính tuần tự, từ dễ đến khó, từ trình độ sơ cấp, trung cấp đến cao cấp.
2. Tính chuẩn mực: Đương nhiên, giáo trình phải được viết đúng phát âm, ngữ pháp, đúng đến từng dấu chấm dấu phẩy, đảm bảo tính chuẩn mực ở mức cao nhất.
Làm sao để tận dụng điểm mạnh, khắc phục điểm yếu của giáo trình?
Để tận dụng tính hệ thống của giáo trình và tránh sự nhàm chán, bạn hãy dùng công cụ khác, phương pháp khác để tự học nghe - nói - đọc - viết tiếng Anh. Nghĩa là bạn không nên sử dụng nội dung giáo trình nhưng bám vào mục lục (bộ khung) của giáo trình để học.
Ví dụ, trong giáo trình có bài học về "Must, Have to" thì chúng ta sẽ lấy tài liệu học ở báo chí/phim ảnh để học và dạy. Như vậy vừa đảm bảo hệ thống bài theo giáo trình, vừa khắc phục được các điểm yếu của nó.
Giáo trình nào cũng có điểm mạnh và điểm yếu, vì vậy không có giáo trình nào là hoàn hảo. Đừng lệ thuộc vào giáo trình. Hãy học từ cuộc sống và đầu tư công sức, thời gian xứng đáng cho việc học từ vựng.