Giáo viên nản với kiểu 'khen biến tướng'

06/06/2016 - 07:00
Trước việc giấy khen cho học sinh mỗi trường một kiểu, nhiều giáo viên cho rằng, bản thân họ cũng gặp khó bởi không được hướng dẫn cụ thể về nội dung khen thưởng theo thông tư 30.
 Theo nhiều giáo viên, thông tư 30 (bỏ chấm điểm học sinh tiểu học thay bằng nhận xét, đánh giá) không có hướng dẫn cụ thể là nguyên nhân dẫn tới việc giấy khen lạ xuất hiện tràn lan. 
Anh Lê Văn Toàn (một giáo viên tiểu học ở tỉnh Yên Bái) thở dài than: “Đến mình là giáo viên cũng không thể hiểu hết được các loại giấy khen “biến tướng” theo thông tư 30. Có trường khen học sinh là “Đạt danh hiệu học sinh khen từng mặt” thì bản thân giáo viên cũng cảm thấy chán, chứ không chỉ phụ huynh có tâm trạng đó”.

Một giáo viên thẳng thắn: “Loạn giấy khen là sản phẩm của thông tư 30, khen động viên học sinh là chính, vì nhiều trường và giáo viên không hiểu hết tinh thần của thông tư. Nhưng thông tư mà hướng dẫn rõ, cụ thể thì không thể xảy ra các kiểu khen “để đời” như thế”.
 
Chị Đặng Thị Chung (giáo viên trường Tiểu học Bình Hòa, tỉnh Bình Dương) nói: “Có một số giáo viên ở các trường viết giấy khen chung chung theo quy định của thông tư 30 cho an toàn, số khác thì cụ thể hóa mỗi em một mặt tốt... nhưng vì phải né chữ học sinh giỏi, học sinh tiên tiến nên giấy khen khó viết được gọn gàng. Để theo đúng thông tư 30 thì giấy khen phải do giáo viên chủ nhiệm đánh giá, càng muốn sát thì càng phải viết cụ thể, nên không thể ngắn gọn được. Trong khi đó, vì giấy khen in chung cả trường một mẫu lại cần lời khen gọn gàng súc tích nên thật sự là một số trường hợp bí lời khen. Theo tôi khen học sinh giỏi và tiên tiến rất hay và súc tích nhất. Giờ né các từ này thật sự gây khó khăn cho người viết giấy khen".

Bản thân giáo viên cũng thừa nhận, chưa bao giờ việc học sinh có giấy khen dễ dàng như bây giờ. Một giáo viên khối 5 ở Nghệ An phàn nàn: “Nếu theo quy định của Thông tư 30 về khen thưởng thì: Cuối học kỳ I và cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn bầu những học sinh đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung như phẩm chất, năng lực và thành tích sau đó lập danh sách đề nghị hiệu trưởng tặng giấy khen... Nếu theo tinh thần như vậy thì có thể khen hết cả lớp, cháu nào cũng được giấy khen. Giáo viên viết 40-50 giấy khen đôi khi cũng khổ sở để nghĩ ra điểm gì đó nổi trội của học sinh để khen”.

Anh Hải Anh, giáo viên chủ nhiệm khối lớp 4 một trường tiểu học ở tỉnh Bình Phước cho rằng: “Tôi theo dõi thực tế trên báo chí, mạng xã hội và thậm chí ngay khu vực tôi ở, chuyện cả lớp nhận giấy khen là bình thường. Tôi không ủng hộ cách đánh giá khen thưởng loạn xạ kiểu này bởi chắc chắn sẽ khiến học sinh ảo tưởng. Nhiều phụ huynh còn phản ánh với tôi là tại sao con tôi học kém thế mà vẫn được giấy khen”.

Nếu theo thông tư 30, không giỏi các môn văn hóa thì các em vẫn được nhận giấy khen nếu tích cực ở mặt nào đó. “Thậm chí có giáo viên còn “kiếm cớ” để khen như học sinh biết giúp đỡ bạn hay giỏi đá cầu,… Có trường làm 3-4 giấy khen các thể loại. Nếu trường nào cũng khen như thế thì loạn và thực sự cũng tốn kém, chưa kể công đoàn và Hội khuyến học cũng vỡ quỹ”, anh Hải Anh nói.

Theo anh Hải Anh, có thể mục đích của thông tư 30 là nhân văn nhưng vì cách hiểu và áp dụng ở mỗi trường một khác nên mới có chuyện bát nháo giấy khen.

Qua chia sẻ, hầu hết các giáo viên tiểu học cho rằng Bộ GD&ĐT cần có văn bản chỉ đạo rõ ràng để các trường có sự thống nhất về lời khen học sinh ở từng khía cạnh, tránh gây khó hiểu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm