Giáo viên, phụ huynh ủng hộ đề xuất bỏ luyện chữ đẹp

28/07/2015 - 14:42
Chuyên gia giáo dục cho rằng, ngay khi trẻ đặt bút viết những nét đầu tiên, giáo viên và phụ huynh cần tạo cho trẻ ý thức học và tính kiên nhẫn khi viết nhưng không vì thế mà ép trẻ luyện theo kiểu khổ sai.

Sau 10 năm nghiên cứu, TS. Vũ Thu Hương (Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng: Hiện trạng rèn chữ ở Việt Nam khiến trẻ quá khổ, có em gù lưng, cận thị, chai tay, ngày ngày cặm cụi chỉ để viết đẹp hơn. Rèn chữ đẹp cũng khiến trẻ viết chậm. Lên THCS, các cháu bị phá chữ khi thầy cô đọc quá nhanh.

Như vậy, luyện chữ đẹp vô ích, không có giá trị. Chữ đẹp là một trong những kĩ năng cần thiết nhưng chỉ cần luyện lớp 1 là đủ. Lên những lớp sau nên dành thời gian để tăng tiết, bổ sung kĩ năng sống cho trẻ qua các môn thủ công, tự nhiên xã hội, đạo đức, âm nhạc, mỹ thuật,… sẽ có ích hơn nhiều.

Khi kiến nghị của TS Vũ Thu Hương được đưa ra, nhiều người ngay lập tức đồng tình nên bỏ hẳn luyện chữ đẹp.

Từng có con nằm trong đội tuyển đi thi chữ đẹp của trường, nhưng khi đọc được đề xuất bỏ luyện chữ đẹp, chị Trần Thu Hà (Từ Liêm, Hà Nội) lại rất vui mừng. Bởi, chị hiểu thế nào là nỗi khổ khi con “bị” đi thi chữ đẹp.

Cần tạo cho trẻ ý thức học và tính kiên nhẫn khi viết nhưng không vì thế mà ép trẻ luyện theo kiểu khổ sai. Ảnh: ST

“Bé nhà mình viết đẹp từ nhỏ. Đó là do tự thân cháu chứ gia đình chưa lần nào cho con đi luyện chữ. Đến năm lớp 5, cô giáo chọn con đi thi chữ đẹp nhưng bảo, cháu viết theo lối “tự nhiên chủ nghĩa” nên phải luyện mới hy vọng đạt giải” – chị Hà kể.

Sau đó nhiều ngày liền, con chị Hà “cắm đầu cắm cổ” luyện, từng con chữ được đong đếm, cân chỉnh chính xác tới từng li. Trước buổi sáng đi thi, tối hôm trước cô vẫn còn giao thêm vài tờ luyện chữ đẹp. Vất vả bao ngày, cuối cùng, con vẫn không đạt giải nhưng gia đình không buồn mà vui vì con đã… thoát được cảnh khổ luyện.

“Chữ đẹp không thể phản ánh nết người. Trên thực tế, nhiều thiên tài viết chữ xấu mà vẫn giỏi và nổi tiếng”- anh Bùi Anh Tuấn, phụ huynh học sinh ở Q.3, TPHCM nói.

Vì phong trào “đã đi học là chữ phải đẹp” mà chị Mai Lệ Bình, có con học lớp mẫu giáo lớn của trường mầm non 20/10 Hà Nội đang phải khẩn trương tìm lớp cho con luyện chữ. Từ đầu tháng 3, cháu chính thức vào lò luyện 2 buổi/tuần của một cô giáo tiểu học ở quận Hoàn Kiếm. Vì vậy, khi nghe đến đề xuất bỏ luyện chữ đẹp, chị cũng ngay lập tức ủng hộ.

Theo GS. Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, ép HS luyện chữ đẹp là làm khổ trẻ. Không ít trẻ sau quá trình bị ép luyện chữ mà mệt mỏi, sợ đi học.

Nhiều năm trong nghề, cô Nguyễn Thị Sang, nguyên giáo viên trường tiểu học Yên Thường (Gia Lâm, Hà Nội) luôn phản đối việc luyện chữ trước và luyện chữ đẹp cho trẻ.

Trong thời buổi hiện đại, nếu ép trẻ viết chữ đẹp hay chỉ chăm chăm lo đo đếm từng nét chữ sao cho đủ li, đủ ô; luyện để lấy thành tích, bất chấp khả năng của trẻ là phản khoa học. Vì thành tích có chữ đẹp mà ép trẻ ngồi luyện chữ và cắt hết thời gian vui chơi, nghỉ ngơi của trẻ cũng là tiêu cực.

Tuy nhiên, không vì thế mà ta phủ nhận chữ đẹp và cổ xúy cho phong trào viết chữ xấu. Theo GS. Hạc: Chúng ta đừng cực đoan cho rằng, ngày nay thì cần gì đến chữ viết tay bởi đã có máy tính rồi. Có những lúc, chúng ta vẫn cần phải viết tay và chắc chắn, mọi người ai cũng sẽ thích bản chữ đẹp hơn là chữ viết nghệch ngoạc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm