Sự việc diễn ra tại THCS Khương Thượng (Q.Đống Đa, Hà Nội) vài ngày trước, khi một thầy giáo không giữ được bình tĩnh đã tát học sinh trong giờ kiểm tra môn Lịch sử của học sinh khối 7.
Do một số học sinh khối 9 trong giờ học gây mất trật tự, ảnh hưởng đến việc làm bài của học sinh lớp 7, thầy giáo đã nhắc nhở các em. Sau khi học sinh có lời nói vô lễ, chửi bậy, thầy giáo không giữ được bình tĩnh đã tát 2 học sinh khối 9.
Ngày 9/5, Hiệu trưởng Trường THCS Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) đã ký quyết định chấm dứt hợp đồng thỉnh giảng với thầy Ngô Văn L., vì có hành vi vi phạm đạo đức nghề giáo, tát và véo tai học sinh trong lớp học.
Dù Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cho giáo viên này nghỉ việc để tăng tính răn đe, nhắc nhở giáo viên chấn chỉnh ứng xử với học sinh, song nhiều giáo viên tỏ thái độ hoang mang vì hình phạt này quá nặng.
Hành vi bạo hành học sinh ngày càng được nói nhiều với sự lan tỏa của mạng xã hội. Ảnh minh họa |
Cô giáo Nguyễn Thị Hải (GV tiểu học ở TP.Vinh, Nghệ An) bày tỏ: “Đành rằng thầy đánh trò là sai, song hình phạt này quá nặng, làm mất đi cơ hội được sửa chữa của thầy. Thầy và trò đều đã nhận lỗi, tôi nghĩ chỉ nên xử lý ở mức nhắc nhở, cảnh cáo, để người thầy lấy bài học đó răn mình, chứ không nên đuổi việc luôn” - cô Hải nói.
“Công việc dạy học chịu rất nhiều áp lực, nhất là khi học trò thiếu lễ phép, cố tình làm trái lời thầy cô. Nhiều lúc ở nhà dạy con, tôi còn không kiềm chế được vẫn đánh con, huống gì ở đây phải quản lý một lúc mấy chục học trò, mỗi em một tính cách và không phải em nào cũng ngoan. Không phải bao biện hay bảo vệ thầy giáo này, nhưng hình phạt này là quá nặng, khiến chúng tôi cảm thấy mất hết niềm tin vào nghề” - một nữ giáo viên ở Q.Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ.
Nữ giáo viên này cũng chia sẻ rằng, áp lực không nhỏ mà họ đang phải chịu chính là sự lạm dụng của các thiết bị điện thoại. Chỉ cần một clip được đăng tải, chưa rõ đầu đuôi câu chuyện, bản thân giáo viên đã phải gánh sự đả kích không nhỏ.
Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Ngọc Quân (trường THPT Hợp Thanh, Mỹ Đức, Hà Nội), người thầy luôn phải có cách ứng xử khéo léo, nhưng cũng có không ít trường hợp học sinh vì không thích thầy cô, cố ý đưa thầy vào bẫy, chọc giận thầy để quay clip.
“Bây giờ giáo viên chúng tôi ngoài chuyện dạy tốt, phải học thêm cách kiềm chế để "né bẫy" của học sinh” - thầy Quân chia sẻ đầy chua xót.
Ở góc độ phụ huynh, chị Lại Thu Hà (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, chị rất thông cảm với giáo viên khi chưa bao giờ các thầy cô chịu nhiều áp lực như lúc này.
“Đâu đó mỗi ngày tung lên clip, ảnh thầy đánh trò, sự lan tỏa của mạng xã hội khiến các câu chuyện trở nên ly kỳ, mức độ nghiêm trọng cũng rõ hơn. Tôi biết nhiều phụ huynh cũng “dựa hơi” vào đó để thị uy với giáo viên nhằm gây áp lực với họ, để họ không “đụng” đến con mình. Tại sao phải gây cho nhau những nặng nề không đáng có, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học thì chính con họ sẽ phải chịu hậu quả?” - chị Hà bức xúc.
Theo chị, giáo viên phải kiềm chế, kiên nhẫn tránh gây lỗi lầm đáng tiếc đã đành, nhưng phụ huynh cũng cần có sự quan tâm, rèn dạy con cái đúng cách nếu con có thái độ vô lễ, thiếu tôn trọng thầy cô.
“Cha mẹ không thể cứ phó mặc hết cho nhà trường, rồi khi con gây ra lỗi lại đổ hết lên đầu thầy cô. Cần quan tâm, sát sao bên con nhiều hơn, có như vậy mới không gây ra những câu chuyện đáng tiếc như ở trên, và con mới nên người!” - nữ phụ huynh này nêu quan điểm.