Theo TS Trương Đình Bắc, Cục phó Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), thói quen ăn uống và tiêu dùng thực phẩm của người Việt Nam là một trong những yếu tố nguy cơ cần phải được thay đổi. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra các khuyến cáo về cung cấp hệ thống tiêu chí dinh dưỡng Nutrient Profiling (NP) là cách phân loại thực phẩm một cách khoa học dựa trên các thành phần dinh dưỡng với mục tiêu phòng chống bệnh tật và tăng cường sức khỏe.
WHO cũng khuyến cáo, cần phải có được môi trường thực phẩm an toàn như: Ghi nhãn dinh dưỡng bao gồm có công bố về thành phần muối (natri), tổng đường và chất béo, giúp người tiêu dùng hiểu được thành phần của thực phẩm; Thiết lập hệ thống phân loại thực phẩm để xác định các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe...
TS Trương Đình Bắc cho biết, hiện tại Việt Nam mới chỉ có quy định về hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa được ban hành và cập nhật năm 2017 và quy định về hướng dẫn ghi nhãn dinh dưỡng được ban hành và cập nhật năm 2015. Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ bắt buộc ghi tên sản phẩm, xuất xứ sản phẩm, hạn sử dụng, một số thành phần dinh dưỡng bắt buộc như giá trị năng lượng, hàm lượng protein, chất béo, cacbohydrat tiêu hóa được, đường tổng số. Hiện tại, chưa bắt buộc các tiêu chuẩn liên quan đến môi trường thực phẩm lành mạnh như một số nước trong khu vực châu Á như Thái Lan, Hồng Kông, Singapore về các quy định về dán nhãn thực phẩm bao gồm việc công bố nhãn báo hiệu thực phẩm có lợi cho sức khỏe...
Tại hội thảo về ghi nhãn dinh dưỡng mới đây do Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), TS Đỗ Thị Phương Hà, Trưởng khoa Dinh dưỡng Cộng đồng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, các bệnh liên quan đến dinh dưỡng như tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp… gia tăng. Hậu quả của sử dụng nhiều đường không chỉ tăng nguy cơ béo phì mà còn ảnh hưởng đến não, tim mạch, tiểu đường. Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về hàm lượng đường trong 100gam thực phẩm.
Theo TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, quyền của người tiêu dùng là biết mình ăn, uống vào những chất gì khi sử dụng sản phẩm đó nhưng do chưa có quy định cụ thể về vấn đề này nên hầu hết người tiêu dùng ở nước ta khi sử dụng thực phẩm, chưa biết mình đưa vào cơ thể những chất gì, hàm lượng bao nhiêu, ăn như thế đủ hay thừa calo, đường, có tốt cho sức khỏe không?...
BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cũng đồng tình về việc gần ghi nhãn dinh dưỡng của thực phẩm. Theo bác sĩ Diệp, trước mắt, cần tập trung yêu cầu ghi nhãn sinh dưỡng ở các sản phẩm thực phẩm công nghiệp.
Trao đổi về vấn đề này, TS Trương Đình Bắc cho hay, hiện Bộ Khoa học Công nghệ đã có dự thảo về dán nhãn dinh dưỡng sản phẩm. Các bộ, ngành liên quan đang bàn thảo về quy định dán nhãn dinh dưỡng của sản phẩm để xin ý kiến trước khi áp dụng vào thực tế.
Cũng theo Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia - TS Lê Danh Tuyên, thông tin thành phần dinh dưỡng trên nhãn hàng hóa vô cùng quan trọng, trong đó cần ghi rõ thành phần dinh dưỡng trong sản phẩm. Ghi nhãn dinh dưỡng sản phẩm không chỉ thể hiện sự minh bạch của sản phẩm mà còn thể hiện sự tôn trọng người tiêu dùng, giúp người dùng biết mình đang sử dụng sản phẩm có chất gì, hàm lượng bao nhiêu… Ông Tuyên cho biết, cần có quy định về dán nhãn dinh dưỡng trên sản phẩm càng sớm càng tốt.