Gieo mầm sống giữa lằn ranh sinh tử

Đông Quân
19/10/2021 - 18:01
Gieo mầm sống giữa lằn ranh sinh tử

PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết (phải) chăm sóc cho trẻ sơ sinh có mẹ mắc Covid-19

Giữa những ngày TPHCM đối mặt với hoàn cảnh ngặt nghèo của đại dịch Covid-19 thì cũng là lúc tập thể y bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương "vào trận chiến" để giành giật sự sống cho sản phụ. Sự nỗ lực, hy sinh của họ đã góp phần gieo những mầm sống đến với cuộc đời.

Làm việc đến 300% sức lực

Ngày 21/7, Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM) bắt đầu tiếp nhận điều trị cho thai phụ mắc Covid-19. Số thai phụ mắc Covid-19 tăng nhanh trong bối cảnh dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp khiến cho 120 giường bệnh tại khu điều trị thai phụ mắc Covid-19 tại bệnh viện nhanh chóng kín chỗ.

Vào giai đoạn cao điểm, có những ngày, bệnh viện tiếp nhận đến 50 thai phụ mắc Covid-19, trong đó có những ca diễn tiến nặng. Việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 vốn dĩ đã khó khăn, vất vả thì đối với thai phụ mắc Covid-19 lại càng vô cùng gian nan.

Trong số những khó khăn mà bệnh viện gặp phải lúc này, vấn đề về nhân lực là đáng lo ngại nhất. Khi dịch diễn biến phức tạp, lực lượng của Bệnh viện Hùng Vương cùng với ngành y tế tham gia vào rất nhiều "mặt trận" như lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine ngừa Covid-19, tăng cường y bác sĩ cho bệnh viện dã chiến...

Bên cạnh đó, những khu vực còn lại của bệnh viện vẫn phải hoạt động để điều trị cho bệnh nhân bình thường không mắc Covid-19. Ngoài ra, còn có không ít nhân viên y tế của bệnh viện cũng mắc Covid-19 hoặc là F1 phải đi cách ly. Thành thử, đội ngũ y bác sĩ, người lao động còn lại phải gồng mình gánh các vị trí mà đồng nghiệp để lại. Lúc này, nhân viên bệnh viện luôn luôn làm việc với 200-300% sức lực của bản thân.

Có thể nói rằng, các y bác sĩ đều hết sức trách nhiệm đối với hoạt động của bệnh viện, có những y bác sĩ đã dọn vào ở ngay tại bệnh viện để có thể làm việc trong thời gian nhiều nhất có thể. “Nếu có được một tập thể đoàn kết, có cùng chí hướng. Dù cho những khó khăn là rất nhiều, rất lớn nhưng vẫn có thể vượt qua được”.

PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương

Một khó khăn khác về chuyên môn, đó là công tác điều trị. Bệnh viện Hùng Vương là cơ sở y tế chuyên về sản khoa trong khi Covid-19 lại "tấn công" vào hệ hô hấp của người bệnh. Điều này khiến việc điều trị cho bệnh nhân giai đoạn đầu không tránh khỏi những khó khăn, lúng túng. Việc điều trị cho bệnh nhân bị viêm phổi, suy hô hấp, thở máy là lĩnh vực hoàn toàn mới đối với chuyên môn của không ít y bác sĩ trong bệnh viện.

Tuy nhiên, thời điểm đó tất cả các bệnh viện trong thành phố đều quá tải nên việc chuyển viện hết sức khó khăn, kể cả đối với những bệnh nhân nặng. Các y bác sĩ của bệnh viện chỉ có thể nỗ lực hết mình để điều trị cho bệnh nhân, hạn chế tối đa trường hợp tử vong.

Gieo mầm sống giữa lằn ranh sinh tử - Ảnh 2.

Điều trị cho thai phụ mắc Covid-19 tại Bệnh viện Hùng Vương

Đứng trước những thách thức đó, Bệnh viện Hùng Vương đã nhanh chóng đầu tư thêm hệ thống trang thiết bị y tế, đồng thời khẩn cấp trang bị thêm kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ y bác sĩ và dựa vào sức mạnh tập thể. Bên cạnh việc dựa vào phác đồ điều trị của Bộ Y tế, Sở Y tế, các y bác sĩ còn tranh thủ mọi lúc mọi nơi để học thêm kiến thức điều trị Covid-19 cho thai phụ thông qua internet và từ các chuyên gia hồi sức được bệnh viện mời về hướng dẫn... với mong muốn duy nhất là hạn chế tối đa ca bệnh tử vong, giúp bệnh nhân nhanh chóng bình phục.

Tình người trong đại dịch

PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - cho biết, sự nỗ lực của tập thể bệnh viện đã góp phần cứu sống được nhiều bệnh nhân. Bên cạnh đó, quá trình điều trị cho các bệnh nhân cũng đã góp phần giúp việc hồi sức và kỹ năng điều trị viêm phổi của y bác sĩ bệnh viện ngày càng nâng lên, giúp cho nhiều trường hợp thai phụ nặng được "mẹ tròn con vuông".

Tính đến giữa tháng 10/2021, Bệnh viện Hùng Vùng đã tiếp nhận và điều trị cho gần 2.500 thai phụ mắc Covid-19. Có một tin vui nữa là số thai phụ mắc Covid-19 nhập viện đang ngày càng giảm, hiện mỗi ngày bệnh viện chỉ còn tiếp nhận dưới 10 ca bệnh và không còn ca nào phải dùng máy thở.

Gieo mầm sống giữa lằn ranh sinh tử - Ảnh 3.

: Nhân viên y tế chăm sóc cho trẻ sơ sinh có mẹ mắc Covid-19

Theo PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, khi dịch bệnh ập tới thì chính bản thân nhận thấy rằng ranh giới giữa sự sống và cái chết là hết sức mong manh. Cũng chính lúc này, tình người thể hiện rất rõ trong đại dịch. Có lẽ khi cuộc sống trở lại bình thường, con người sẽ sống với nhau tình cảm hơn, biết thương yêu, sẻ chia với nhau nhiều hơn.

"Không còn hạnh phúc nào hơn khi bệnh viện cứu được những trường hợp bệnh nhân nặng. Có nhiều trường hợp nguy kịch phải đặt máy thở xâm lấn nhưng sau đó cai được máy thở, người mẹ được xuất viện rồi đi đến đón đứa con thân yêu của mình. Đó chính là những niềm vui không thể nào diễn tả hết được đối với chính bản thân tôi cũng như tập thể bệnh viện", PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm