Gieo mầm sống mới cho vùng biên giới Tây Nguyên

Hoàng Oanh
23/10/2022 - 17:01
Gieo mầm sống mới cho vùng biên giới Tây Nguyên

Nhờ cây cao su, cuộc sống của hàng nghìn người dân ở khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng đã có sự thay đổi tích cực.

Cùng với dòng nhựa trắng đều đặn chảy từ những rừng cây cao su, cuộc sống của hàng nghìn người dân ở khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng đã có sự thay đổi tích cực. Từ việc chỉ biết làm ruộng, họ đã học được cách làm kinh tế mới với công việc cạo mủ cao su, dần dần thoát khỏi sự ám ảnh của nghèo đói và lạc hậu để ổn định cuộc sống ngay trên chính quê hương mình.

Sinh ra và lớn lên ở làng Đol, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, Rơ Lan H’Blơn chỉ học hết lớp 9 thì buộc phải nghỉ học để kiếm việc làm phụ giúp gia đình. Chị chia sẻ, đó là quãng thời gian vô cùng khó khăn khi cả gia đình đông người, trong đó có cả người mẹ già yếu và đứa con mắc bệnh tâm thần đều sống dựa vào nguồn thu nhập ít ỏi từ việc làm ruộng và dệt thổ cẩm.

May mắn đến vào năm 2010 khi Rơ Lan H’Blơn được nhận vào làm công nhân đội 9, Công ty 74 thuộc Binh đoàn 15, đơn vị vừa có nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc phòng, vừa phát triển kinh tế tại ba tỉnh Tây Nguyên: Gia Lai, Đăk Lăk, Kon Tum. H’Blơn cho biết, chị mất hơn 10 ngày mới có thể học được cách cạo mủ cao su. Ban đầu, H’Blơn lo lắng không thể hoàn thành được nhiệm vụ bởi đây là công việc đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo và mỗi lần thu hoạch mủ cao su, việc phải xách thùng đựng mủ nặng vài chục kg đi trong khu rừng đất trơn trượt mỗi khi có mưa khiến chị cảm thấy sợ hãi.

Nhưng vượt lên những thách thức thì việc chăm sóc, thu hoạch mủ cao su lại mang tới cho gia đình chị một cuộc sống sung túc và đầy đủ hơn. "Năm đầu tiên tiền lương bình quân chỉ có 3 - 4 triệu đồng mỗi tháng, nhưng sau đó đã tăng lên 7 - 8 triệu đồng. Vợ chồng tôi còn trồng thêm 500 cây cà phê, 200 cây điều, 3 sào lúa nước, mỗi năm thu nhập thêm hơn 100 triệu đồng", H’Blơn nói.

"Tôi yêu công việc này" - H’Blơn khẳng định. "Đó là cách duy nhất giúp tôi thoát khỏi cuộc sống nghèo khó và kết quả hiện tại đã chứng minh, tôi đúng!"

Gieo mầm sống mới cho vùng biên giới Tây Nguyên - Ảnh 1.

Chăm sóc, thu hoạch mủ cao su là cách nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ

Rủ nhau làm công nhân cao su

Rơ Lan H’Blơn không phải là trường hợp thiểu số bởi hàng nghìn người dân đang sống tại 184 xã thuộc 17 huyện, thị xã và thành phố của tỉnh miền núi Gia Lai. Từ nhiều năm nay họ đã rủ nhau từ bỏ việc bẫy thú rừng, hái rau rừng mang bán để trở thành công nhân trồng và khai thác mủ cao su.

Giá trị kinh tế mà loại cây công nghiệp này mang lại trong gần 40 năm qua, kể từ khi những cây cao su đầu tiên được các chiến sĩ Binh đoàn 15 mang tới trồng và nhân rộng tại các tỉnh Tây Nguyên, đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều hộ gia đình. Trong đó, đối tượng hưởng lợi nhiều nhất và cuộc sống có sự thay đổi rõ rệt nhất chính là những người bản địa, đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Thay vì phải di chuyển tới những nơi khác để tìm kiếm việc làm, người dân đã có thể bám trụ ngay trên chính quê hương. Nguồn thu nhập ổn định từ nhựa cao su cũng giúp họ có cuộc sống mới đầy đủ, hiện đại hơn, dần xóa bỏ các tập tục lạc hậu.

Theo chia sẻ của đại tá Hoàng Văn Sỹ, Tổng Tư lệnh Binh đoàn 15, mặc dù việc tuyển công nhân làm việc tại các rừng cao su hiện giờ vô cùng thuận lợi, nhưng kết quả này là cả quá trình vận động vất vả của rất nhiều cán bộ, nhân viên Binh đoàn bao năm qua cùng ăn, cùng ở với người dân.

"Để thuyết phục được người dân, không gì hơn là phải hiểu về văn hóa và hòa nhập vào cuộc sống của họ. Từ làm quen, chúng tôi sau đó sẽ thuyết phục, hướng dẫn họ thay đổi nếp sống. Từ việc không biết cầm bát, cầm đũa, sau vài năm bộ đội tới, dân làng đã biết cầm bát ăn cơm. Từ tập quán canh tác lạc hậu, họ đã biết phát triển kinh tế bằng những loại cây trồng phù hợp", Tổng Tư lệnh Binh đoàn 15 nói.

Gieo mầm sống mới cho vùng biên giới Tây Nguyên - Ảnh 2.

Để thuyết phục được người dân, không gì hơn là phải hiểu về văn hóa và hòa nhập vào cuộc sống của họ.

Hiện Binh đoàn 15 đã tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động, trong đó hơn 46% là người dân tộc thiểu số, thông qua việc khoán trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến sản phẩm của hai loại cây trồng chủ yếu là cao su và cà phê.

Với những thay đổi theo hướng tích cực mà cây cao su mang lại, người này lại truyền tai người kia, vợ trở thành công nhân rồi tiếp tục giới thiệu chồng vào công ty làm việc, số lượng công nhân cao su ngày càng tăng. Vợ chồng Rơ Lan Mlư, công nhân Công ty 715, Binh đoàn 15 là một ví dụ điển hình như thế. Hai vợ chồng chị đều làm công nhân khai thác mủ cao su từ 5 năm nay, trong đó Mlư đã là nhân viên chính thức, còn chồng chị đang là lao động hợp đồng. Tổng thu nhập của hai vợ chồng mỗi tháng dao động từ 14-15 triệu đồng, kinh tế rất ổn định so với nhiều hộ gia đình tại địa phương.

"Giá mủ cao su có giảm thời gian gần đây nhưng chúng tôi vẫn xác định cây cao su vẫn là cây mũi nhọn của Binh đoàn. Lý do là loài cây này chịu được hạn hán, phù hợp với điều kiện thời tiết của vùng và tập quán canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số. Cây cao su đã trở thành loại cây gắn bó máu thịt với họ và bất cứ ai cũng có thể làm thay công việc đó nếu lao động chính trong nhà bị ốm", đại tá Hoàng Văn Sỹ cho biết thêm.

Thu hút lao động đến địa phương

Không chỉ cải thiện đời sống của người dân địa phương, sức hút của cây cao su và các sản phẩm từ cây cao su còn hấp dẫn nhiều người dân. Từ một địa phương miền núi nghèo khó và thưa vắng người, Kon Tum, Gia Lai giờ đã trở thành vùng kinh tế mới hấp dẫn. Họ tới đây làm việc và lựa chọn ở lại để lập nghiệp, góp phần quan trọng vào việc giữ đất, ổn định cuộc sống ở một trong những khu vực có vị trí quan trọng về an ninh - quốc phòng.

Vi Thị Giang, xã La Tôr, huyện Chư Prông, Gia Lai chia sẻ, chị rời Thanh Hóa vào Gia Lai từ năm 2010 và đã trở thành công nhân của đội 10, Công ty Bình Dương thuộc Binh đoàn 15 từ 10 năm nay. Công việc mới không chỉ mang tới cho chị cơ hội thoát khỏi nghề làm ruộng trước đây, mà còn se duyên cho chị với người chồng hiện tại, giờ họ đã có 3 mặt con.

"Cuộc sống của gia đình tôi khấm khá hơn, chúng tôi xây được nhà mới, thu nhập ổn định, đủ lo cho gia đình", chị Giang nói.

Với đặc thù số lượng lao động là người dân tộc thiểu số và người Kinh gần như ngang bằng, Binh đoàn 15 đã triển khai thành công mô hình gắn kết các hộ gia đình người Kinh với hộ gia đình người dân thiểu số để giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, chia sẻ khó khăn và giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. 4.000 cặp hộ gắn kết tại 225 thôn, làng trên địa bàn các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum và Quảng Bình đã được triển khai thành công.

Gieo mầm sống mới cho vùng biên giới Tây Nguyên - Ảnh 3.

Từ một loại cây gắn với những dấu ấn đau thương trong chiến tranh, cao su dần trở thành loài cây đại diện cho sự phát triển, cuộc sống đủ đầy và sự bình yên của người dân vùng biên giới Tây Nguyên trong thời bình.

Ông Siu Tới, làng Biă, xã Ia Chía, huyện Ia Grai, chia sẻ: "Nhờ gắn kết hộ mà công nhân làng tôi và các làng khác đã vươn lên thoát nghèo. Hộ người Kinh đã giúp đỡ hộ người dân tộc thiểu số cách cạo mủ, trồng lúa, cà phê, cao su để phát triển kinh tế. Nếu không có mô hình "Gắn kết hộ" có lẽ sẽ không có nhiều người địa phương vào làm công nhân cho các công ty cao su của Binh đoàn như hiện nay".

Để động viên và khuyến khích người lao động tham gia sản xuất, Binh đoàn 15 còn thường xuyên tổ chức các cuộc thi để nâng cao tay nghề cho thợ khai thác mủ cao su. Nhờ vậy, năng suất vườn cây cao su của Binh đoàn luôn đứng đầu khu vực Tây Nguyên, bình quân từ 1,6-1,8 tấn mủ cao su khô/ha/năm, thậm chí có những vườn cây đạt hơn 2 tấn/ha/năm.

Theo bà Vũ Thị Thu, Phó trưởng Ban Dân vận tỉnh Gia Lai, trên địa bàn tỉnh hiện có 17 đơn vị đầu mối đảm nhiệm công tác dân vận tại 71 xã thuộc 17 huyện, thành phố. Trong đó các hoạt động và mô hình kinh tế của Binh đoàn 15 nói riêng được xem là mô hình tiêu biểu nhất của tỉnh, góp phần tạo thêm việc làm cho người dân địa phương, cải thiện và nâng cao thu nhập cho bà con, góp phần giữ dân, giữ đất vùng biên giới.

Từ một loại cây trồng du nhập tới Việt Nam trong quá trình đô hộ của thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX, cây cao su hiện tại đã trở thành cây công nghiệp chủ lực góp phần cải thiện kinh tế cho những hộ dân ở hai tỉnh Tây Nguyên là Gia Lai và Kom Tum. Trái ngược với câu chuyện lịch sử về cuộc sống khổ cực, bị bóc lột sức lao động với những quy định hà khắc mà những người công nhân tại các đồn điền cao su trong thời Pháp thuộc, những người công nhân cao su hiện nay đều có cuộc sống đủ đầy, số lượng gia đình công nhân có 2-3 đời gắn bó với cây cao su ngày một nhiều. Các sản phẩm từ mủ cao su cũng được bán rộng rãi trong và ngoài nước.

Từ một loại cây gắn với những dấu ấn đau thương trong chiến tranh, cao su dần trở thành loài cây đại diện cho sự phát triển, cuộc sống đủ đầy và sự bình yên của người dân vùng biên giới Tây Nguyên trong thời bình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm