pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giữa đại dịch Covid-19, những người Việt ở Nga giúp nhau trong hoạn nạn
Đường phố ở Thủ đô Matxcơva (Nga) vắng lặng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Các hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng lớn
Chị Phạm Vân Anh - Thành viên của nhóm "Tương trợ người Việt tại Nga chống Covid" chia sẻ, tình hình dịch bệnh bùng phát bắt đầu từ tháng 2 nhưng có dấu hiệu leo thang ở tháng 3. Đến cuối tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra quyết định cách ly toàn bộ cộng đồng, các biện pháp được đưa ra hàng ngày nhằm thắt chặt việc kiểm soát dịch bệnh. Vì thế, các cơ sở kinh doanh nơi người Việt Nam đang làm việc cũng đóng cửa hàng loạt, đó là các trung tâm thương mại, nhà hàng, quán ăn… nên việc ảnh hưởng là khá lớn.
Sự lo lắng và hoang mang xuất phát từ dịch bệnh đã xuất hiện trong cộng đồng người Việt, Với mật độ giao tiếp hàng ngày giữa mọi người khá lớn nên những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4, sự lo lắng bị đẩy lên cao. Xuất phát từ việc thiếu thông tin về các cơ sở y tế , cách khám chữa bệnh tại Nga, kèm theo các tin tức về việc Việt Nam đóng cửa biên giới chống dịch càng khiến cho mọi người hoảng loạn hơn. Sự bất an bao trùm trong cộng đồng người Việt lúc đó khiến ai ai cũng áp lực.
Với sự khéo léo, vun vén của mình, các chị em phụ nữ Việt Nam ở Nga thường là những người tham gia trực tiếp vào công việc kinh doanh, làm ăn kinh tế của gia đình nên họ là những người cảm nhận sự ảnh hưởng kinh tế khá lớn. Thêm vào đó là sự bất an cho sức khỏe của người thân nên phụ nữ là những người chịu sự áp lực rất lớn trong thời gian vừa qua.
Xích lại gần nhau trong khó khăn
Ngày 28/3, nhóm "Tương trợ người Việt tại Nga chống Covid" được thành lập. Chỉ trong 1 ngày đã có gần 60 thành viên tham gia, đó là các anh chị em đang sinh sống và làm việc tại Nga trong nhiều lĩnh vực giáo dục, kinh doanh, công sở, sinh viên ở nhiều độ tuổi khác nhau. Dẫu phần lớn chưa gặp nhau ngoài đời nhưng tất cả được kết nối bởi chung một tấm lòng thiện nguyện, biết sẻ chia trong hoạn nạn. 2/3 trong số các thành viên là chị em phụ nữ nhưng các thành viên nam cũng tỉ mỉ, chi tiết trong công việc không kém.
Các thành viên của nhóm "Tương trợ người Việt tại Nga chống Covid"
Từ ngày 29/3, nhóm "Tương trợ người Việt tại Nga chống Covid" đã gấp rút lên kế hoạch thực hiện việc hỗ trợ cộng đồng:
- Thành lập tổng đài nhận điện thoại 24/24 theo ca trực. Sau khi nhóm tổng đài tiếp nhận thông tin sẽ chuyển về cho "nhóm phiên dịch viên" gồm các tình nguyện viên sẽ trực tiếp hỗ trợ gọi cấp cứu, đăng ký thăm khám và nhập viện, dịch thuật cho bà con.
-Các vấn đề vướng mắc sẽ được "Tổ tư vấn" gồm các anh chị em có kinh nghiệm trong việc chăm sóc sức khỏe, hay hiểu biết về cách thức đăng ký thăm khám, tìm hiểu thông tin các cơ sở gần nơi ở của bệnh nhân để các phiên dịch viên đưa ra được các quyết định nhanh hơn, phù hợp hơn.
-Các cộng tác viên liên tục cập nhật, dịch bài từ các kênh thông tin chính thức của Bộ Y tế Nga và Việt Nam, các bài báo về cách thức chăm sóc sức khỏe, cập nhật thông tin dịch bệnh được liên tục đưa lên trang của nhóm kèm các link chính thức để mọi người tham khảo tìm thông tin phù hợp, hữu ích cho mình.
Ngoài ra, các anh chị em tình nguyện viên (TNV) đã trở thành những bác sĩ tâm lý rất hiệu quả vì ngoài những người bị ốm cần giúp đỡ thì có các trường hợp hoảng loạn và nghĩ bị bệnh cũng không ít. Với sự chân thành, mềm mỏng, khéo léo của mình họ đã trở thành các bác sĩ tâm lý rất tuyệt với cho bà con trong những ngày nóng bỏng đó.
Các cuộc gọi rất dồn dập, 15 ngày làm việc của tổng đài luôn rơi vào tình trạng "cháy máy" không chỉ của các tổng đài viên mà kể cả các thành viên còn lại. Tổng đài làm việc 15 ngày vì theo khuyến cáo của Bộ Y tế thì thời gian ủ bệnh là 14 ngày. Quả thực, trong những ngày đó là những ngày bùng phát bệnh lớn nhất trong cộng đồng. Nhóm vẫn hoạt động hỗ trợ bà con đến bây giờ nhưng tổng đài chính thức dừng hoạt động sau 15 ngày đêm vì sau đó, các cuộc gọi đã giảm rất nhiều. Các anh chị em phần lớn tiếp tục theo dõi các bệnh nhân đang điều trị để hỗ trợ họ cho đến khi xuất viện về nhà.
Đó thực sự là 15 ngày rất đáng nhớ. Đó là sự thở phào khi ai đó có kết quả âm tính, sự lo âu khi việc nhập viện ngày một khó khăn, sự bất an khi số lượng người ốm ngày một tăng và thậm chí là đau đớn khi có sự mất mát. Trường hợp đầu tiên là ngày 4/4, có những câu chuyện buồn khiến tất cả thực sự sững sờ vì bắt đầu cảm nhận được sự nguy hiểm của dịch bệnh. Chúng tôi đã trắng đêm nói chuyện, ngoài công việc còn là khoảng lặng để vượt qua nỗi đau buồn, cố gắng duy trì cách làm việc tích cực nhất, đưa các thông tin tích cực nhất để trấn an tinh thần cộng đồng.
Chị Phạm Vân Anh - Thành viên của nhóm “Tương trợ người Việt tại Nga chống Covid”
Theo chị Vân Anh, đó là tuần đầu tiên làm việc với các thông tin dồn dập, sang đến tuần thứ 2 các anh chị em đã chuyên nghiệp hơn, hiểu biết cách thức làm việc và nhóm đã có nhiều thông tin hữu ích hơn. Cùng với đó là sự ra đời của nhóm sinh viên Y khoa dưới sự quản lý của Đại sứ quán Việt Nam tại Nga nên công việc của nhóm bắt đầu đi vào quỹ đạo, nhịp nhàng và giảm tải hơn.
Tỷ lệ phụ nữ và trẻ em bị nhiễm bệnh thấp hơn so với nam giới (tầm 40/60) nhưng các chị em phụ nữ lại là người hay lo lắng hơn nên áp lực về tinh thần cao hơn áp lực về bệnh lý. Có những chị em khi nghe tin chồng con bị ốm còn suy sụp hơn cả khi nghe tin mình bị bệnh. Tuy nhiên, các chị em nhanh chóng xốc lại tinh thần để chăm sóc gia đình và bản thân tốt hơn. Có lẽ đó là sự bền bỉ, kiên cường vốn có của người phụ nữ Việt Nam.
Nhiều hội đoàn nối dài tình đoàn kết
Song song với nhóm "Tương trợ người Việt tại Nga chống Covid" ,có rất nhiều hội đoàn cũng được thành lập để hỗ trợ bà con. Các thành viên trong nhóm tương trợ luôn có sự liên hệ với các nhóm để cùng nhau tư vấn nhằm mang lại sự hỗ trợ thiết thực và phù hợp nhất cho từng trường hợp. Đó là nhóm "Hỗ trợ cồng đồng" gây quỹ và hỗ trợ bà con khó khăn tìm nơi ở, mua thuốc, thực phẩm; nhóm "Cám ơn bác sĩ" tặng các món ăn Việt cho các bác sĩ cấp cứu. Các hội đồng hương hỗ trợ nhau dịch thuật, khám chữa bệnh, lo hậu sự cho người xấu số. Nhóm các gia đình người Việt góp quỹ tặng thiết bị y tế và đồ dùng cho các bệnh viện nơi có người Việt Nam đang chưa trị. Các cá nhân, hội nhóm tặng khẩu trang, quần áo bảo hộ, kính chắn giọt bắn cho bà con Việt Nam, người bản xứ và các hành khách của chuyến bay 12/5 vừa qua. Vẫn còn nhiều các hội đoàn, cá nhân khác nữa và trong các hoạt động trên đều có hình bóng của những người phụ nữ Việt Nam.
Phải thừa nhận rằng trong dịch bệnh này có nhiều điều lo ngại nhưng chưa bao giờ cộng đồng ở Nga lại đoàn kết và tích cực hỗ trợ nhau như thời gian vừa rồi, đó là cái cần được ghi nhận, duy trì và trân trọng. Trong những ngày gân đây con số các ca nhiễm mới ở Nga tăng vượt 5 con số, khiến nhiều người lo ngại. Cần phải lưu ý rằng số xét nghiệm tại Nga tăng rất nhiều lần nên con số thống kê người bệnh tuy cao nhưng tỷ lệ trên tổng số làm xét nghiệm lại thấp hơn. Cũng như con số bệnh nhân khỏi bệnh là vài nghìn mỗi ngày, tỷ lệ tử vong rất thấp. Trong số các ca nhiễm mới, phân nửa là người không có triệu chứng, ngoài ra số lượng bệnh viện dã chiến tại thành phố Moscow được mở ra rất nhiều, máy móc hỗ trợ cũng khá đầy đủ nên tình hình dịch bệnh tại Nga đã bắt đầu được kiểm soát tốt hơn.
"Chúng tôi cũng mong muốn qua đây trấn an người thân tại Việt Nam để mọi người hiểu rằng cộng đồng người Việt tại Nga sẽ luôn là một tập thể đoàn kết, tương trợ nhau, được nhà nước Nga và Việt Nam hỗ trợ, chăm sóc. Cuộc sống và công việc tại Nga sẽ ổn định vào một ngày không xa!".
Chị Phạm Vân Anh, thành viên của nhóm "Tương trợ người Việt tại Nga chống Covid"
Toàn bộ việc chữa bệnh tại Nga hoàn toàn miễn phí cho tất cả mọi đối tượng, bất kể bạn quốc tịch nào, làm gì, có bảo hiểm y tế hay không. Rất đông bà con sau khi xuất viện tiếp tục được đưa đi cách ly thêm 14 ngày ở các cơ sở nhà nghỉ dưỡng ngoại ô của thành phố. Sự chăm sóc y tế và sinh hoạt ở đây cũng hoàn toàn miễn phí. Đó là điều mà không phải ở nước nào cũng có. Chính vì thế thiết nghĩ cộng đồng người Việt tại Nga đang được chăm sóc rất tốt.