Giúp con từ bỏ thói quen xấu

11/08/2015 - 15:30
Từ bỏ thói quen xấu là một việc không dễ dàng, đặc biệt là đối với trẻ con, khi các bé còn chưa phân biệt được xấu - tốt. Chính vì thế, vai trò của cha mẹ trong hành trình này là vô cùng cần thiết và quan trọng.
Nhẹ nhàng nhận diện

Khi bạn muốn giúp con từ bỏ thói quen xấu thì điều đầu tiên và quan trọng nhất mà bạn cần làm đó là phải chỉ ra thói quen xấu đó một cách đúng đắn. Nếu bạn phản ứng trong trạng thái tức giận, phê phán trẻ, khiến trẻ cảm thấy xấu hổ hay bực bội với những gì con làm thì trẻ sẽ không thể lắng nghe những gì bạn cần nói. Bạn nên giữ thái độ nhẹ nhàng để giúp con nhận ra những thói quen không tốt.
 
Dẫn chứng từ người thứ 3

Sau khi đã chỉ ra thói quen xấu của trẻ thì hãy cố gắng giải thích cho con hiểu hậu quả của thói quen đó bằng cách lấy dẫn chứng từ một người thứ 3. Bạn có thể hỏi trẻ những câu như: “Con cảm thấy thế nào nếu một bạn khác làm như thế với con?”. Bạn cũng có thể kể một câu chuyện do bạn tự nghĩ ra để cho trẻ thấy thói quen xấu dẫn đến hậu quả tồi tệ như thế nào. Điều này sẽ giúp trẻ suy nghĩ về tác động mà một thói quen xấu sẽ ảnh hưởng lên chính bản thân trẻ và tới những người xung quanh.
 
"Tại sao không?"

Nếu bạn chỉ nói với trẻ rằng: “Đừng cắn móng tay” hay “Đừng vừa ăn vừa nói” thì chưa đủ. Bạn cần phải đưa ra một số lý do chính đáng để trẻ hiểu vì sao thói quen đó lại không tốt. Trẻ em vô cùng tò mò và mỗi khi bạn yêu cầu con không được làm gì đó, trẻ luôn muốn biết “Tại sao không?”. Chính vì vậy, hãy chắc chắn rằng bạn luôn giải thích cụ thể cho trẻ vì sao thói quen đó của trẻ lại không tốt. Chỉ có như thế thì mới tránh được tình trạng trẻ giả vờ thay đổi chỉ khi cha mẹ có mặt ở đó.

Nếu bạn chỉ nói “Đừng cắn móng tay” thì chưa đủ. Bạn phải đưa ra lý do chính đáng để trẻ hiểu vì sao điều đó lại không tốt. Ảnh minh họa: Internet
 Đừng tiếc lời khen

Một điều vô cùng quan trọng nữa, đó là cho con thấy bạn đánh giá cao khi trẻ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Hãy lưu ý rằng từ bỏ một thói quen xấu không hề đơn giản và trẻ cần rất nhiều quyết tâm mới làm được điều đó. Vì thế, bạn cần ủng hộ và khen ngợi mỗi khi trẻ từ bỏ một thói quen xấu nào đó thành công.
 
Quà khích lệ

Có những thói quen xấu không dễ dàng từ bỏ. Trong trường hợp đó, bạn cần phải đưa ra những lời khích lệ và động viên giúp trẻ có động lực để thay đổi. Mặt khác, hãy đảm bảo sự khuyến khích mà bạn đưa ra là điều gì đó gián tiếp hỗ trợ cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Ví dụ, thay vì động viên trẻ bằng cách cho con tiền hay bánh kẹo thì hãy đưa trẻ đi bảo tàng hay sở thú để trẻ mở rộng sự hiểu biết.
 
Trở thành tấm gương

Nếu bạn muốn trẻ ít xem tivi hơn thì điều đầu tiên bạn cần làm là giảm bớt thời gian người lớn xem tivi. Nếu bạn cảm thấy con mình có thói quen xấu là thường xuyên nói dối thì bạn phải cố gắng trung thực với con về mọi việc. Bản thân bạn phải trở thành một tấm gương tốt cho con cái noi theo. Nếu bạn không thực hành chính những điều mà mình vẫn giảng giải cho con thì bạn không bao giờ có thể mang lại bất kỳ sự thay đổi tích cực nào ở con cái.
 
Tìm cách khác tốt hơn

Chỉ đơn giản là yêu cầu trẻ ngừng làm điều gì đó đôi khi chưa đủ. Bạn nên tìm ra điều gì khác tốt hơn và có ý nghĩa hơn cho trẻ làm. Ví dụ, nếu con uống quá nhiều nước ngọt có ga thì hãy cố gắng từ từ và đều đặn cho trẻ dùng những đồ uống có lợi cho sức khỏe hơn như nước ép trái cây, sinh tố... Bằng cách đó, thói quen xấu của trẻ cuối cùng sẽ được thay thế bằng thói quen tốt.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm