pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giúp con tuổi teen ứng phó với sự tức giận
Ảnh minh họa
Tại sao thanh thiếu niên lại đầy lo lắng?
Sự lo lắng, thất vọng, sợ hãi, căng thẳng, cô đơn và nhiều cảm xúc khác nằm sau cái mác lo lắng của tuổi thiếu niên. Các chuyên gia tâm lý cho biết, một phần là do sinh lý. Những thay đổi nội tiết tố xảy ra trong giai đoạn tuổi teen khiến thanh thiếu niên dễ thay đổi tâm lý hơn và có nhiều khả năng biểu cảm hơn là phản xạ.
Hơn nữa, vỏ não trước trán - phần não chịu trách nhiệm về lý luận, lập kế hoạch và ra quyết định - vẫn chưa phát triển đầy đủ ở thanh thiếu niên, vì vậy cảm xúc của họ có xu hướng lấn át lý trí. Các con đang cùng lúc quản lý nhiều hoạt động: học tập, hoạt động ngoại khóa, sự thay đổi trong tình bạn và các mối quan hệ xã hội...
Những lý do khác khiến thanh thiếu niên trở nên nóng nảy là do họ cảm thấy bị hiểu lầm, cáu kỉnh vì không ngủ đủ giấc, hoặc muốn độc lập hơn. Nếu cha mẹ liên tục bảo con mình phải làm gì, đưa ra những lời khuyên không mong muốn hoặc chỉ trích con nếu con đưa ra quyết định mà bạn không đồng ý có thể khiến con tức giận.
Sự tức giận không phải là xấu
Sự tức giận của con bạn ở lứa tuổi này là bình thường, là thông điệp cho thấy con bạn cảm thấy nhu cầu của mình đang bị đe dọa. Có thể các con đang cảm thấy bị tổn thương, thất vọng, bất lực hoặc cảm giác an toàn, nhu cầu kết nối không được đáp ứng. Nếu cơn giận vượt quá tầm kiểm soát, đó có thể là vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Nếu con bạn đang tham gia các hoạt động không an toàn hoặc bất hợp pháp như lạm dụng chất kích thích, tự làm hại bản thân hoặc gây gổ khiến không khí trong gia đình bạn luôn căng thẳng thì đã đến lúc tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia.
Các bác sĩ tâm thần có thể kê đơn thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc ổn định tâm trạng, có thể giới thiệu các con điều trị việc lạm dụng chất kích thích.
Một số cách xử lý cảm xúc của con
- Nếu bạn phản ứng bằng cách cao giọng, bạn sẽ khiến cơn giận của con "leo thang". Nếu bạn hạ giọng và nói chậm hơn, con bạn cũng có thể làm như vậy. Tạm dừng nếu mọi thứ trở nên quá nóng và tiếp tục cuộc thảo luận khi mọi thứ dịu đi.
- Hãy lắng nghe con bạn càng nhiều càng tốt, nó cho thấy bạn hiểu điều này quan trọng với con. Nếu bạn không thể lắng nghe con mình vào lúc này, hãy cho con biết khi nào bạn rảnh để nghe con nói.
- Làm mẫu những cảm xúc lành mạnh. Nếu bạn xử lý sai cơn giận của chính mình như: la hét, làm điều gì đó không mang tính xây dựng, thì hành vi ấy sẽ ghi đè bất cứ điều gì bạn yêu cầu con làm.
- Hãy ngừng cưng chiều con. Đối xử với con như một thanh niên, bớt giống một đứa trẻ. Hãy cho phép con bạn có cơ hội làm những việc phù hợp với lứa tuổi, chẳng hạn như gặp gỡ bạn bè ở rạp chiếu phim hoặc đưa ra nhiều quyết định hơn về các hoạt động, lịch trình ở trường của mình. Điều này không chỉ giúp chế ngự cơn giận mà còn giúp trẻ trau dồi kỹ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề cần thiết khi trưởng thành.
- Đặt giới hạn của sự tức giận. Con bạn cần biết rằng việc ném đồ đạc, mắng mỏ hoặc chửi bới người khác, hung hăng khi khó chịu là không ổn. Nếu làm vậy, con cần phải chịu trách nhiệm, bằng cách sửa chữa hoặc bồi thường mọi thiệt hại hoặc xin lỗi nếu xúc phạm hoặc làm tổn thương ai đó.
- Đưa ra các lựa chọn mang tính xây dựng. Đưa ra một số gợi ý về những cách giải quyết tốt hơn khi con bạn bình tĩnh và không ở trong tình trạng la hét. Hít thở sâu, viết nhật ký, hoạt động thể chất hoặc nghe nhạc có thể giúp giảm sự thất vọng.